Ukraine sốc khi mổ xẻ tên lửa KN-23 thu được từ Nga
75% các thành phần trong tên lửa có liên quan đến các công ty đăng ký tại Mỹ, 16% đến từ các công ty châu Âu và 9% còn lại đến các công ty có trụ sở tại châu Á.
Lê Quang (Theo Army Recognition)
Xem toàn bộ ảnh
Theo các quan chức quân sự Ukraine, nước này đang chịu nhiều thiệt hại bởi các làn sóng tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Nga. Đáng chú ý, có khoảng 60 tên lửa KN-23 của Triều Tiên trong tổng số 194 tên lửa đạn đạo được phóng vào Ukraine tính đến ngày 23/11. Ảnh Army Recognition.
Người phát ngôn của Không quân Ukraine, Yuriy Ignat, nói với kênh tin tức CNN rằng, "Kể từ mùa xuân, Nga đã ít sử dụng tên lửa hành trình hơn để tấn công Ukraine, thay vào đó họ sử dụng tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái tấn công". Ảnh: The National Interest.
Các chuyên gia quân sự Ukraine, gồm các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu khoa học pháp y Kiev, đã kiểm tra các phần còn sót lại của tên lửa KN-23 được thu hồi sau các cuộc tấn công vào Ukraine. Những phát hiện sơ bộ cho thấy các thành phần chính của những tên lửa này có nguồn gốc từ các nhà sản xuất nước ngoài, chủ yếu là ở các nước phương Tây. Ảnh: Army Recognition .
Một báo cáo của Ủy ban chống tham nhũng độc lập Ukraine (NACO) tiết lộ rằng, có tới chín công ty phương Tây đã sản xuất các thành phần quan trọng cho những tên lửa này. Đáng chú ý, một số bộ phận được phân tích đã được sản xuất gần đây nhất là vào năm 2023, cho thấy việc giao hàng cho Triều Tiên vẫn diễn ra, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế. Ảnh Defence Blog.
Nhóm điều tra Conflict Armament Research (CAR) của Anh cũng xác nhận những phát hiện này. CAR đã phân tích một mảnh tên lửa KN-23 được thu hồi ở Kharkiov vào tháng 1/2024, xác định được hơn 290 linh kiện điện tử do nước ngoài sản xuất. Trong số đó có khoảng 50 mẫu do 26 công ty thuộc tám quốc gia sản xuất, trong đó có Mỹ, Đức, Nhật Bản và Đài Loan. Ảnh: Defence Blog.
Phân tích cho thấy 75% các thành phần được ghi chép có liên quan đến các công ty đã đăng ký tại Mỹ, 16% đến từ các công ty châu Âu và 9% còn lại đến các công ty có trụ sở tại châu Á. Các thành phần này bao gồm các hệ thống điện tử quan trọng cần thiết cho hoạt động của tên lửa, bao gồm hệ thống dẫn đường và điều khiển.
Ông Andriy Kulchytskyi, giám đốc Phòng thí nghiệm nghiên cứu quân sự của Viện giám định pháp y Kiev, đã nhấn mạnh sự phụ thuộc của tên lửa KN-23 vào thiết bị điện tử nước ngoài: “Mọi thứ dùng để dẫn đường cho tên lửa, để khiến nó bay, đều là các thành phần từ nước ngoài. Không có gì của Triều Tiên trong đó cả”. Ông nói thêm: “Thứ duy nhất của Triều Tiên là phần kim loại, dễ bị gỉ và ăn mòn”.
KN-23 là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn do Triều Tiên thiết kế, được nước này và gần đây là Nga sử dụng. Tên lửa nặng khoảng 3.415 kg, dài 9,8 mét và có thể mang đầu đạn nặng 500 kg, tên lửa cũng có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.
KN-23 được cung cấp năng lượng bởi nhiên liệu hỗn hợp rắn, KN-23 có tầm bắn khoảng 450 km ở phiên bản ban đầu và lên tới 600 km ở phiên bản nâng cao. Độ chính xác của nó được đảm bảo bởi hệ thống dẫn đường quán tính (INS) và có khả năng là hệ thống dẫn đường vệ tinh.
Khả năng lái chủ động giúp của KN-23 tấn công chính xác trong phạm vi 100 mét với hệ thống dẫn đường vệ tinh hoặc trong phạm vi 200 mét khi chỉ sử dụng INS. Tên lửa được phóng từ xe vận chuyển, điều này khiến nó trở thành vũ khí cơ động và tương đối dễ triển khai trên chiến trường.
Sự hiện diện của các thành phần do phương Tây sản xuất trong vũ khí của Triều Tiên, làm lộ rõ những lỗ hổng tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu cấp thiết về sự giám sát chặt chẽ hơn.
Việc Nga triển khai tên lửa đạn đạo KN-23 của Triều Tiên đánh dấu một xu hướng đáng lo ngại trong cuộc xung đột đang diễn ra. Những phát hiện này phơi bày những điểm yếu trong việc thực hiện lệnh trừng phạt quốc tế và nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực toàn cầu trong phối hợp nhằm ngăn chặn việc sử dụng sai các công nghệ quân sự tiên tiến.