Đó là nhận định của nhà phân tích quân sự người Mỹ John Ford trong bài viết đăng trên tờ The Diplomat ngày 5/5/2016.
Vào ngày 9 tháng 5 năm 2016, Philippines sẽ tổ chức bầu cử tổng thống. Ứng cử viên hàng đầu, Thị trưởng Rodrigo Duterte (71 tuổi) khiến cho các quan sát viên quốc tế có nhiều lý do để lo lắng về những gì mà ông này sẽ làm, nếu đắc cử Tổng thống Philippines.
Có tin nói ứng viên tổng thống Philippines, Thị trưởng Rodrigo Duterte muốn đổi chủ quyền ở Biển Đông lấy việc Trung Quốc mở rộng mạng lưới đường sắt ở Philippines. Ảnh ABS-CBN News |
Thị trưởng Duterte đã bị mang tiếng khi nói về một người phụ nữ là nạn nhân của vụ cưỡng hiếp tập thể ở thành phố Davao quê hương ông. Ông này nói đùa rằng người phụ nữ nói trên quá quyến rũ khiến cho ông muốn là người đầu tiên hãm hiếp cô ta.
Di sản chính của ứng viên tổng thống Duterte trên cương vị Thị trưởng Davao là việc công khai ủng hộ các “đội tử thần” từng giết chết hơn 1.000 người. Mục đích thành lập các “đội tử thần" là để loại bỏ các phần tử tội phạm, nhưng các đội này đã giết chết 132 trẻ em ở Davao. Ông Duterte lập luận rằng các “đội tử thần” đã làm giảm đáng kể tình trạng phạm tội, nhưng thực ra những hành động tàn ác của các đội này đã khiến cho tỷ lệ giết người tăng vọt ở thành phố Davao.
Nhưng quan điểm miệt thị của ứng viên Duterte về phụ nữ và cam kết sẽ áp đặt “mô hình Davao” trong việc trấn áp tội phạm trên toàn quốc...không phải là lý do duy nhất khiến giới quan sát lo lắng về khả năng Thị trưởng Duterte đắc cử Tổng thống Philippines. Chính sách đối ngoại của ông này còn khiến người ta cảm thấy lo ngại hơn nhiều. Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Thị trưởng Duterte đã nhiều lần tỏ ra quá ngây thơ về ý đồ của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương.
Lập trường của ứng viên Duterte về Biển Đông là đàm phán song phương với Trung Quốc, nếu chiến lược đưa tranh chấp Philippines-Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Quốc tế và tìm kiếm một giải pháp đa phương không mang lại kết quả trong vòng hai năm. Cách tiếp cận này quả là ngây thơ và mang mầm mống thất bại ngay từ đầu.
Các nước láng giềng đang cố gắng đối phó với Trung Quốc thông qua các biện pháp ngoại giao tại các diễn đàn đa phương. Bởi vì Trung Quốc lớn mạnh hơn rất nhiều so với bất kỳ nước láng giềng nào, nhiều nước có chung đường biên giới với CHND Trung Hoa đã rất chật vật trong việc bảo vệ lợi ích của minh khi đàm phán song phương với Bắc Kinh. Trung Quốc luôn thúc ép đàm phán song phương, trong khi các nước láng giềng lại nhấn mạnh đến các diễn đàn đa phương. Ở Biển Đông, Trung Quốc chỉ muốn đàm phán song phương với các bên tranh chấp khác nhau.
Với đề nghị đàm phán song phương, ứng viên tổng thống Duterte đã rơi vào cái bẫy của Trung Quốc. Bởi vì khi Philippines chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có được lợi thế rất lớn vì Manila thiếu cả sức mạnh cứng lẫn sức mạnh mềm để bảo vệ hiệu quả tuyên bố chủ quyền của mình. Philippines cần phải hợp tác với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông khác, như Việt Nam và Malaysia, để chống lại các hành động cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc.
Khi Duterte bước vào đàm phán song phương với Bắc Kinh, mặt trận ngoại giao thống nhất chống Trung Quốc độc chiếm Biển Đông sẽ sụp đổ. Thị trưởng Duterte dường như quên mất điều này.
Theo cách tiếp cận hiện nay của Philippines, việc Manila thách thức Trung Quốc chiếm đóng các tính năng hàng hải đang nhận được sự hỗ trợ của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.
Trong khi đó, nếu làm theo cách tiếp cận Duterte, Bắc Kinh sẽ chỉ phải chờ thêm hai năm cho tới khi Philippines tự phá vỡ mặt trận thống nhất giữa các nước Đông Nam Á cũng có tuyên bố chủ quyền Biển Đông và tự rơi vào cái bẫy mà Trung Quốc đã giăng sẵn. Trong đàm phán song phương, Trung Quốc luôn chiếm lợi thế tuyệt đối trước Philippines.
Cam kết gần đây của Duterte rằng ông ta sẽ "từ bỏ” những tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, nếu Trung Quốc chi tiền xây dựng một tuyến đường sắt chạy vòng quanh đảo Mindanao và một tuyến đường sắt khác giữa Manila và Bicol. Cam kết này cho thấy ứng viên tổng thống, thị trưởng Duterte quá dốt nát về cả quân sự lẫn ngoại giao.
Bất kể giá trị đầu tư mở rộng các tuyến đường sắt ở Philippines là bao nhiêu, cái giá của nó làm sao sánh bằng cái giá của việc Manila nhượng lại quyền kiểm soát quần đảo Trường Sa cho Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh củng cố được các tiền đồn quân sự ở đảo Trường Sa, Trung Quốc có thể dễ dàng triển khai sức mạnh chống lại Philippines và đảm bảo sự thống trị quân sự ở Biển Đông chống lại tất cả các đối thủ. Trung Quốc sẽ có thể tự tạo ra một thực tế mới, thay thế bất cứ điều gì trong luật pháp quốc tế.
Đề nghị của ứng viên tổng thống Duterte cho thấy sự thiếu sáng suốt (nếu không nói là quá ngờ ngệch) trong chính sách ngoại giao nói chung và trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc nói riêng. Cách tiếp cận của ông ta về cơ bản sẽ là “tự mình rơi vào bẫy” của Trung Quốc và khiến cho Manila lâm vào vị thế yếu nhất trong đàm phán song phương với Bắc Kinh, trong khi phớt lờ các nguy cơ quân sự có tính chất sống còn của việc từ bỏ chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Video Trung Quốc đưa nhóm tàu sân bay Liêu Ninh đến Biển Đông tập trận. (Nguồn VOA):