Uy lực lựu pháo Ấn Độ triển khai sát biên giới Trung Quốc
Mới đây, Quân đội Ấn Độ đã triển khai thêm lựu pháo M-777 của nước này cùng với pháo tự động L70 Bofors tới khu vực sát biên giới Trung Quốc.
Minh Hoàng
Xem toàn bộ ảnh
Theo số liệu mới đây được trang Swarajyamag công bố, Ấn Độ đã triển khai khoảng 3 trung đoàn lựu pháo M-777, tương đương tới 54 khẩu pháo loại này, kèm theo đó là các khẩu pháo phòng không Bofors L70 đến Đường kiểm soát thực tế (LAC).
Việc Ấn Độ triển khai một lượng lớn pháo phòng không tới biên giới, được cho là để cân bằng lại lực lượng với phía Trung Quốc, khi mà Ấn Độ không có khả năng không vận lên khu vực biên giới giữa hai nước, trong khi đó Trung Quốc lại có đủ loại trực thăng, vươn tới được độ cao này.
Bofors L70 là các khẩu pháo phòng không cỡ nòng 40mm được sản xuất bởi Tập đoàn BAE Systems (từ năm 2006-nay), đã được đưa vào sử dụng và phục vụ một quãng thời gian tương đối dài, từ năm 1934 tới hiện tại.
Phiên bản L70 của khẩu pháo phòng không này có thể được điều chỉnh góc bắn tương đối cơ động, trong khoảng từ -20 tới 80 độ. Cùng với sự cơ động đó, tầm bắn tối đa của khẩu súng này có thể lên đến 12.500m với khoảng 240-300 vòng/ phút.
Còn về M-777, đây là loại lựu pháo cỡ nòng 155mm, được phát triển và sản xuất cũng bởi Tập đoàn BAE Systems, đưa vào biên chế và sử dụng từ năm 2005 – nay.
M-777 có khối lượng tương đối nhẹ, chỉ đạt tới 4.200kg. Theo Thiếu tướng Tarun Kumar Chawla của Quân đội Ấn Độ, ông nói “Với trọng lượng nhẹ, pháo M777 cỡ nòng 155mm sẽ có thể được vận chuyển ra tiền tuyến bằng trực thăng”.
Chiều dài của khẩu pháo này khi hành quân là 9,5m và khi triển khai tác chiến là 10,7m. Chiều dài của nòng pháo cỡ 155mm được trang bị trên M-777 là 5,08m.
Khả năng nâng góc nòng của M-777 cũng được cho là khá ấn tượng, nó có thể được điều chỉnh trong khoảng từ 0-71,7 độ, có thể đáp ứng nhiều nhu cầu chiến đấu khác nhau.
Để vận hành một khẩu lựu pháo này sẽ cần khoảng 7-8 binh sĩ, tuy cần khá nhiều người nhưng bù lại, khẩu lựu pháo M-777 dũng mãnh này có thể nhả đạn từ 2-7 vòng/ phút, giữ được sự cơ động và uy thế chiến trường.
Theo các thông tin được biết, M-777 được trang bị hệ thống điều khiển hoả lực kỹ thuật số giống với các loại pháo tự hành hiện hữu từ trước như M109A6 Paladin để dẫn hướng, chỉ điểm và tự định vị mục tiêu. Việc trang bị hệ thống này giúp M-777 đạt được độ chính xác tương đối cao và tốc độ phản ứng của kíp chiến đấu lựu pháo này sẽ được nâng cao nhiều lần.
Và cũng nhằm mục tiêu nâng cao năng lực chiến đấu của M-777, các chuyên gia của Tập đoàn BAE Systems đã thiết kế nòng pháo của lựu pháo này để sử dụng được nhiều loại đạn tấn công khác nhau, phù hợp với đa dạng các mục tiêu.
Với loại đạn được trang bị thường thấy trên M-777 – Đầu đạn tấn công M107, tầm bắn thấp nhất của M-777 sẽ ở mức 24km, với sai số vòng tròn (CEP) chỉ trong khoảng 5m.
Ngoài ra, M-777 còn được trang bị một số loại đạn khác khá đa dạng, được biết đến bao gồm các loại đạn như đạn tăng tầm (ERFB), đạn M795 hay đạn M982 Excalibur được dẫn đường bằng GPS. Với mỗi loại đạn sẽ cho kết quả tầm bắn khác nhau trên lựu pháo này, tối đa có thể lên tới 40km.
M-777 cũng là một loại lựu pháo đã được sử dụng thực chiến trên nhiều mặt trận và chứng tỏ sự hữu dụng của nó. Nổi bật hơn cả, có thể kể đến việc Pháo binh Canada sử dụng nó khi chiến đấu tại khu vực Panjwayl gần thành phố Kandahar, Afghanistan vào đầu năm 2006.
Trong cuộc chiến tại Afghanistan, M-777 đã chứng tỏ hiệu quả trong tác chiến của nó khi đã buộc Taliban phải rút lui khỏi đây. Theo thống kê khi đó, ít nhất 72 tay súng Taliban đã nằm xuống khi hứng chịu các loạt đạn của M-777 từ phía Canada.
Tính đến nay, có 6 quốc gia trên thế giới đang sở hữu và khai thác dòng lựu pháo M-777 này. Còn đối với súng phòng không Bofors, có tới 2/3 các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới là nhà khai thác của dòng súng này với các phiên bản khác nhau.
Hình ảnh lựu pháo M-777 trong thực tế, cho thấy uy lực dũng mãnh của lựu pháo này trên chiến trường. Nguồn: Military Archive.