Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín

(Kiến Thức) - Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH Trun ương chủ động từ chức khi không đủ điều kiện, uy tín hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.

Sáng ngày 3/10, tại Hội nghị Trung ương 8, Trưởng Ban tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã trình hội nghị thảo luận và thông qua dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban chấp hành Trung ương gồm 4 điều.
Theo đó, dự thảo quy định, tất cả cán cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; nghiêm túc thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”, Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương cùa cán bộ, đảng viên”.
Uy vien Bo Chinh tri, Ban Bi thu tu chuc khi khong du dieu kien, uy tin
 Quang cảnh Hội nghị Trung ương 8. Ảnh: VGP
Tại điều 2, gồm 10 nội dung, dự thảo yêu cầu từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và ủy viên Trun ương Đảng phải gương mẫu về bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu; đạo đức, lối sống, phong cách làm việc; trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; vai trò trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo trong hệ thống chính trị.
Trong đó, các Ủy viên phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng; Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Hi sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH Trung ương không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ. Đề cao nhân cách đạo đức trong lãnh đạo, quản lý. Thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm.
Cùng với đó, phải gương mẫu thực sự dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch và giữ vững nguyên tắc trong công tác cán bộ. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận và người thay thế mình; khuyến khích, bảo vệ cán bộ thẳng thắn, trung thực, năng động, sáng tạo, đổi mới. Chú trọng phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài.
Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; tích cực thực hiện phân cấp, phân quyền, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Các ủy viên phải mẫu mực về đạo đức, lối sống, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập.
Nghiêm túc, công tâm, khách quan, cầu thị trong tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh. Dũng cảm nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm, không tranh công đổ lỗi; không định kiến, trù dập người góp ý, phê bình. Không lợi dụng phê bình để xu nịnh, lấy lòng, thổi phồng thành tích hoặc bôi nhọ, cường điệu khuyết điểm, hạ thấp uy tín của nhau.
Một điểm mới được nêu ra tại điều 2 là tại điểm 10 yêu cầu các cán bộ nêu trên chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín, hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.
Tại điều 3, gồm 9 điều, quy định từng ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực, lạm quyền, lộng quyền; “lợi ích nhóm”; tham nhũng, hối lội; chạy chức, chạy quyền; để người nhà, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi… đang gây bức xúc trong dự luận xã hội.
Trong đó, một trong những việc phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống lại là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, “tư duy nhiệm kỳ”, công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, “đánh bóng” tên tuổi; hứa suông, nói không đi đôi với làm…
Đồng thời, kiên quyết chống đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, cơ hội, thực dụng, nịnh trên, nọt dưới; quan liêu, xa dân, gây phiên hà, hách dịch với nhân dân; lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện ý đồ cá nhân.
Từng ủy viên phải kiên quyết chống lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách để trục lợi; lợi ích cục bộ, thông đồng, thỏa hiệp, tạo cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp".
Dự thảo cũng nêu rõ, kiên quyết chống lợi dụng doanh nghiệp hoặc để doanh nghiệp lợi dụng; liên kết lập "sân sau ”, "lợi ích nhóm"; dung túng, bao che, móc ngoặc, thông đồng với doanh nghiệp để trục lợi. Việc sử dụng tiền, tài sản của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính, vụ lợi như mua đất, xây nhà, cho người thân du học, đi công tác, du lịch nước ngoài, chơi golf, tiêu dùng xa xỉ... cũng phải kiên quyết chống.
Dự thảo nêu rõ việc kiên quyết chống sống xa hoa, phô trương, ngạo mạn, coi thường pháp luật, sa vào các tệ nạn xã hội; Đầu tư tài chính, mua bất động sản ở nước ngoài.
Vấn đề chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, phiếu tín nhiệm cũng là một trong những nội dung mà từng ủy viên phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống.
Điều 4 quy định trách nhiệm của các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng; xác định trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện quy định.