Báo Pháp luật TP.HCM cho biết, theo đơn thư phản ánh của các chủ nhà hàng ở thị trấn Hòa Bình (huyện miền núi Tương Dương) từ năm 2011 đến nay, Văn phòng UBND huyện Tương Dương nợ tiền ăn, uống tiếp khách nhưng chưa trả.
Trong đó, chủ nhà hàng M.M cho biết Văn phòng UBND huyện Tương Dương nợ 162 triệu đồng từ năm 2013 và mới trả được 70 triệu đồng. Theo biên bản đối chiếu công nợ của UBND huyện vào ngày 20-6-2016, Từ năm 2011 - 2016, văn phòng UBND huyện nợ nhà hàng V.P hơn 1 tỉ đồng. Đến năm 2015, văn phòng UBND huyện đã chuyển trả hơn 500 triệu đồng và hiện vẫn chưa trả hết tiền nợ.
Một trang chụp lại những bữa nhậu “ghi sổ nợ” của Văn phòng UBND huyện Tương Dương (Nghệ An). |
Bà Nguyễn Thị Lệ Q. (từng có thời gian phục vụ tại nhà ăn UBND huyện Tương Dương) phản ánh, đến cuối tháng 7-2015, Văn phòng UBND huyện nợ bà hơn 1,4 tỉ đồng.
Ngày 4-3, ông Nguyễn Văn Hải – Bí thư huyện ủy Tương Dương cho biết: Huyện Tương Dương đã lập đoàn thanh tra để làm rõ việc nhiều nhà hàng trên địa bàn huyện “tố” Văn phòng UBND huyện Tương Dương nợ tiền ăn.
Trả lời báo chí, ông Hải nói: “Việc nợ như thế nào, ai nợ đoàn thanh tra đang làm rõ. Nếu có nợ thì phải trả vì đó là mồ hôi nước mắt của người dân. Tuy nhiên, phải làm rõ, đối chiếu từ các chứng từ cụ thể chứ không phải cứ ghi hết cho văn phòng UBND huyện là không đúng. Có những khoản nợ người dân ghi từ năm 2009 đã qua rất nhiều lãnh đạo nên việc ra soát, kiểm tra, đối chiếu mất rất nhiều thời gian. Nếu đúng có nợ thì sẽ trả cho người dân. Còn chỗ nào vi phạm công tác quản lý tài chính thì phải kỷ luật theo quy định của pháp luật”.
Thật là một mẩu tin ngắn đọc mà “méo cả mặt” vì mức độ… bi hài của nó. Các cán bộ công chức ở Văn phòng UBND huyện Tương Dương- những người đang mang công mắc nợ một loạt nhà hàng có đơn thư tố cáo này?
Nhìn vào ảnh chụp một trang sổ nợ ghi vào năm 2012 mà các chủ nhà hàng cung cấp, có thể thấy những bữa ăn “tiếp khách” được chi khá đậm, có bữa ăn trưa lên tới 7,2 triệu, rất nhiều bữa 2-3 triệu đồng, bên cạnh số tiền là cả chức danh người ăn nhậu và chữ ký. Số tiền ăn nhậu này từ năm 2012, đến nay đã 7 năm qua đi mà Văn phòng UBND huyện vẫn chưa thanh toán, hoặc mới trả được 1 phần.
Cái chuyện đi ăn nhậu dưới danh nghĩa “tiếp khách” và ghi sổ nợ, sau đó chuyển trả bằng “kinh phí tiếp khách”, tất nhiên là kinh phí này lấy từ tiền ngân sách này đúng là chuyện thường ngày ở huyện.
Nợ dai dẳng từ năm 7-8 năm nay, chắc các chủ nhà hàng đi lại mòn dép vẫn không đòi được, cực chẳng đã mới phải “tố” lên công luận để đoàn thanh tra vào cuộc.
Đoàn thanh tra của huyện, với tinh thần “đòi nợ” tiền mồ hôi nước mắt cho người dân chắc chắn sẽ làm việc công tâm để đưa ra đáp án, ai nợ, nợ bao nhiêu. Thế nhưng còn bao nhiêu địa phương khác nữa cũng có tình trạng ăn nhậu tiếp khách này, tiền lấy từ ngân sách ra mỗi năm bao nhiêu cho những bàn tiệc trị giá 7 triệu đồng (hoặc hơn), có ai thống kê và công khai rõ ràng?
Cũng hôm qua, một thông tin cho biết, số tiền 15.025 đồng thưởng cho hộ dân bàn giao mặt bằng ở Quảng Nam, sau hơn 1 tháng nhưng người được thưởng vẫn chưa chịu đến nhận sẽ được hoàn trả lại công quỹ.