Vẻ đẹp của vịnh biển có vị trí chiến lược đặc biệt nhất VN
(Kiến Thức) - Bên cạnh vị trí chiến lược về quân sự và hàng hải quốc tế, vịnh Cam Ranh còn có tiềm năng trở thành một khu du lịch biển tầm cỡ thế giới.
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Nằm ở địa phận thành phố Cam Ranh và huyện Cam Lâm, cách thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) 60km về phía Nam, vịnh Cam Ranh từ lâu đã được xem là một trong những cảng biển tự nhiên tốt nhất thế giới.
Vịnh có diện tích khoảng 185km2, gần như khép kín bởi bán đảo Cam Ranh với những dãy núi cao từ phía Bắc chạy phủ kín cả phía Đông, phía Tây, phía Nam là đất liền, chỉ mở ra một cửa lớn ở phía Đông. Do được bao bọc bởi một vành đai chắn gió nên mặt nước vịnh luôn êm đềm.
Vịnh có độ sâu phổ biến từ 5 - 20m, ra khỏi cửa vịnh sẽ tiếp cận với luồng sâu 40m, bảo đảm cho tàu trọng tải 100.000 tấn ra vào dễ dàng và có thể đón nhận nhiều đội tàu cùng một lúc. Đây là lợi thế tuyệt đối của Cam Ranh so với các hải cảng lớn của Việt Nam.
Tính từ đường hàng hải quốc tế vào vịnh Cam Ranh chỉ mất 1 giờ tàu biển, trong khi đó Vũng Tàu cách 3 giờ, vào Hải Phòng cách 8 giờ.
Với những lợi thế tự nhiên hiếm có, Vịnh Cam Ranh có vị trí rất quan trọng trên bản đồ quân sự quân sự thế giới. Rất nhiều biến cố lịch sử lớn của Việt Nam liên quan đến các cường quốc đã diễn ra tại vùng vịnh này.
Vào thời thuộc địa, người Pháp đã dùng vịnh Cam Ranh làm cảng hải quân chiến lược ở Đông Dương. Ngày 18/10/1946, trên đường về nước từ hội nghị Fontainebleau, Hồ Chủ tịch đã gặp cao ủy Pháp D’Argenlieu trên thiết giáp hạm Suffren ở Cam Ranh để bàn về tình hình Việt Nam.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, từ năm 1965-1972 quân đội Mỹ đã xây dựng Cam Ranh thành một căn cứ quân sự được bảo vệ “bất khả xâm phạm” để làm căn cứ tiếp liệu và khí tài quân sự cho chiến tranh, đồng thời khống chế hành lang phía tây Thái Bình Dương.
Sau khi hai miền Bắc Nam thống nhất thì cảng Cam Ranh được dùng làm căn cứ hải quân quan trọng của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan vỡ, Liên bang Nga tiếp nhận cảng Cam Ranh cho tới năm 2002.
Từ năm 2004, vịnh Cam Ranh được chuyển đổi dần sang mục đích dân sự. Vào năm này, sân bay Cam Ranh đón chuyến bay dân sự đầu tiên, đến năm 2009 trở thành sân bay quốc tế. Năm 2007, nhà máy đóng tàu Cam Ranh được xây dựng. Năm 2016, cảng quốc tế Cam Ranh khai trương...
Bên cạnh vị trí chiến lược về quân sự và hàng hải quốc tế, vịnh Cam Ranh còn có tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch.
Thiên nhiên ở vịnh vẫn còn nguyên sơ với nhiều đồi núi, rừng rậm, ghềnh đá và những bãi cát trắng vàng, trải dài mịn màng.
Ngoài cửa vịnh có cụm đảo "Tứ Bình", gồm bốn đảo Bình Hưng, Bình Tiên, Bình Lập và Bình Ba, được ví như "Maldives thu nhỏ" của Việt Nam với những bãi tắm tuyệt đẹp và làng chài có văn hóa độc đáo.
Lòng vịnh có nguồn hải sản trù phú, là cơ sở cho việc phát triển ngành đánh bắt và nuôi trồng hải sản trong khu vực. Các loại hải sản nổi tiếng nhất ở Cam Ranh là tôm hùm và sò huyết.
Trong những năm qua các loại hình du lịch biển quốc tế đã từng bước được đầu tư phát triển tại vịnh Cam Ranh như: tắm biến, bơi thuyền, câu cá, lặn biển xem san hô, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, leo núi...
Song song với thành phố biển Nha Trang, Cam Ranh đã trở thành nơi thường xuyên lui tới của khách du lịch từ trong nước cũng như quốc tế.
Các chuyên gia đánh giá, với tiềm năng của mình, vịnh Cam Ranh là nơi lý tưởng cho việc xây dựng một khu du lịch biển tầm cỡ thế giới trong tương lai.
Mời quý độc giả xem clip: Ca khúc Việt Nam quê hương tôi.