Xem toàn bộ ảnh
Nằm ở cửa ngõ sông Sài Gòn thuộc khu vực quận 4 TP HCM, Bến Nhà Rồng là một địa danh lịch sử của mảnh đất Sài Gòn xưa. Di tích này gắn với sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành xuống con tàu Amiral Latouche Tréville để ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 5/6/1911. |
Từ thế kỷ 19, khu vực Bến Nhà Rồng đã là một thương cảng sầm uất của Sài Gòn. Khu Nhà Rồng được Công ty vận tải đường biển Pháp xây dựng từ năm 1863 để làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. |
Tòa nhà được xây theo lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng theo mô típ "lưỡng long chầu nguyệt", một kiểu trang trí quen thuộc của đền chùa Việt Nam. Sự cải biên ở đây là hình ảnh trái châu ở giữa được thay bằng phù hiệu công ty. Do có hình tượng hai con rồng mà giới bình dân gọi đây là Nhà Rồng. |
Vào năm 1865, ở bờ bên kia kênh Bến Nghé, đối diện Nhà Rồng, Công ty vận tải đường biển cho dựng thêm cột cờ Thủ Ngữ. Từ "Thủ ngữ" có nghĩa là sở canh tuần tàu biển. Cột cờ treo cờ hiệu để cho tàu thuyền ra vào cảng nên biết vào ngay hay chờ đợi. |
Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài. Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một kiến trúc công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Sài Gòn. |
Sau 1975, Nhà Rồng được cải biến thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP HCM, là một chi nhánh nằm trong hệ thống các Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước. |
Bảo tàng là nơi lưu giữ hơn 10.000 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Ngày nay, Bến Nhà Rồng được coi là một trong những điểm đến mang tính biểu tượng của TP HCM. |