Về “thủ phủ” dông giữa miền cát trắng Ninh Thuận

Với giá bán ổn định khoảng 500.000 đồng/kg dông thịt, người dân Ninh Thuận đã có nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa truyền thống hay chăn nuôi gia cầm.

Clip: Nông dân Ninh Thuận nói về việc nuôi dông

Mô tả video

Hơn 5 năm trở lại đây, người dân tại thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư xây dựng chuồng trại, tạo môi trường tự nhiên để nuôi dông thương phẩm trên cát.
Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, nhiều hộ thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng mỗi năm, vươn lên làm giàu trên vùng đất cằn cỗi, bỏ hoang mấy chục năm qua.
Ve “thu phu” dong giua mien cat trang Ninh Thuan
Các hộ dân ở đây cho biết, chi phí đầu tư nuôi dông rất thấp và chỉ đầu tư ban đầu là có thể nuôi được lâu dài. (Ảnh: Duy Quan). 
Mỗi năm thu 80 triệu đồng
Trước đây, dông chỉ là một loài bò sát hoang dã sinh sống trên những cồn cát ven biển. Thế nhưng, khi được người dân đưa về nuôi trong môi trường nhân tạo, con dông đã trở thành loại đặc sản quý ở tỉnh Ninh Thuận. Từ đó, việc nuôi dông ở một số địa phương trong tỉnh ngày càng phát triển, bởi nhu cầu thị trường với loại đặc sản này ngày càng cao. Nhờ đó, việc nuôi dông đem lại nguồn thu nhập ổn định, mở ra hướng phát triển mới cho các hộ gia đình ở vùng nông thôn.
Trên diện tích hơn 3.000m², gia đình bà Trần Thị Nhỉnh (thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải) đầu tư gần 100 triệu đồng xây chuồng trại nuôi dông và thỏ thịt. Để tránh con dông đào hang thoát ra ngoài, chuồng nuôi được xây tường gạch cao gần một mét bao quanh, bên dưới nền đổ một lớp xi măng mỏng. Trong chuồng nuôi đắp gò cát, trồng cây xanh tạo không gian cho con dông chạy nhảy, đào hang.
Ve “thu phu” dong giua mien cat trang Ninh Thuan-Hinh-2
Sau khi trừ chi phí, mỗi năm các hộ dân lãi từ 50 - 80 triệu đồng/hộ. (Ảnh: Duy Quan). 
Bà Nhỉnh cho biết, con dông dễ nuôi, nguồn thức ăn chủ yếu có sẵn ở địa phương, có thể tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp như rau, khoai lang, dưa, cà chua. Con dông nuôi trong chuồng sinh sản nhanh, mau lớn, tỉ lệ dông sống khi nuôi trong chuồng đạt 95%. Từ lúc trứng nở đến lúc bán khoảng 18 - 20 tháng, trọng lượng dông thịt đạt từ 3 - 4 con/kg.
Hiện tại, gia đình bà Nhỉnh nuôi trên 5.000 con dông thịt, với giá bán từ 400.000 - 450.000 đồng/kg dông thịt, 500.000 đồng/kg dông giống. Mỗi năm gia đình bà bán hơn 100kg dông thịt và dông con giống. Sau khi trừ chi phí lãi hơn 80 triệu đồng/năm.
Một trong những hộ điển hình nuôi dông trên cát bền vững có thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm, ông Nguyễn Càng (thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải) cho hay, chi phí đầu tư ban đầu để xây chuồng (tùy vật liệu) và con giống từ 50 - 60 triệu đồng/1.000m². So với dê, thỏ, con dông dễ nuôi hơn nhiều bởi dông sinh sản nhanh, một lần đẻ từ 6 - 8 trứng, 30 ngày sau trứng nở ra dông con.
“Dông sinh sản nhanh, mau lớn và ít bị bệnh nên không cần chăm sóc nhiều. Thức ăn cho dông dễ kiếm, người dân có thể tận dụng mua rau quả thải giá rẻ ngoài chợ về rửa thật sạch rồi thả vào quanh chuồng để dông tự tìm ăn”, ông Càng cho biết thêm.
Nuôi dông chỉ đầu tư một lần đầu về chuồng trại và con giống. Sau đó, người nuôi vừa bán dông thịt vừa tự nhân con giống để nuôi trong nhiều năm.
Ninh Thuận có thủ phủ dông đầu tiên
Theo thống kê của UBND huyện Ninh Phước, xã Phước Hải có gần 50 hộ nuôi dông thương phẩm trên diện tích hơn 2ha, thu nhập trung bình từ 50 triệu đồng đến trên 80 triệu đồng/hộ/năm. Với bán ổn định trên dưới 450.000 đồng/kg, thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay chăn nuôi gia cầm, nên đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu từ con dông.
Ve “thu phu” dong giua mien cat trang Ninh Thuan-Hinh-3
Thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay chăn nuôi gia cầm, nên đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu từ con dông. (Ảnh: Duy Quan). 
Ông Nguyễn Hữu Lương, Chủ tịch hội Nông dân xã Phước Hải, huyện Ninh Phước cho biết, trước đây ở thôn Hòa Thủy chỉ có vài hộ nuôi dông thử nghiệm. Qua thời gian, thấy hiệu quả kinh tế từ nuôi dông mang lại, đến nay, cả thôn có trên 30 hộ nuôi dông thương phẩm cho thu nhập trung bình từ 50 - 80 triệu đồng/năm.
Thôn Hòa Thủy hiện là “thủ phủ” nuôi dông của tỉnh Ninh Thuận. Tuy nuôi dông không phải nghề chính nhưng giá bán ổn định trên dưới 450.000 đồng/kg dông thịt, người dân có nguồn thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa hay chăn nuôi gia cầm. Chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, dễ bán, thu nhập cao giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ con dông.
Ve “thu phu” dong giua mien cat trang Ninh Thuan-Hinh-4
Hiện nay, thôn Hòa Thủy, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi dông đầu tiên của tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Duy Quan). 
Hiện tại, sản phẩm dông thịt của địa phương đang được các thương lái thu mua và cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận như: Bình Thuận, Khánh Hòa, TP.HCM…. Trong năm 2018, UBND xã Phước Hải có kế hoạch thành lập tổ nghề nghiệp chăn nuôi dông để hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhân rộng mô hình cũng như mở rộng thị trường đầu ra cho các hộ nông dân. Đồng thời, xây dựng sản phẩm đặc thù vùng hạn tỉnh Ninh Thuận trong tương lai.

Tin mới