Vì 3 triệu USD, Nguyễn Bắc Son phù phép giấy tờ, quyết mua bằng được AVG

Sau khi nhận 3 triệu USD, ông Son khai đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H. khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD.

Cơ quan CSĐT – Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”; “Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị liên quan, đồng thời đề nghị truy tố 14 bị can liên quan ve62 hai tội danh nêu trên.

Trong đó, bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đều là cựu Bộ trưởng Bộ TT-TT; Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch và Cao Duy Hải, nguyên Tổng giám đốc Mobifone bị đề nghị truy tố cả hai tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và "Nhận hối lộ”; bị can Phạm Nhật Vũ, nguyên Chủ tịch AVG bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”; các bị can còn lại bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.

Quyết tâm thực hiện dự án vì tiền

Theo kết luận điều tra, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai, bản thân ông ta biết nhiệm kỳ Bộ trưởng đến đầu năm 2016 là hết nên muốn Mobifone phải mua được AVG trong năm 2015 và AVG sẽ cảm ơn ông bằng vật chất. Do đó, khi Mobifone có văn bản số 337 ngày 27-1-2015 về đầu tư dịch vụ truyền hình, Son đã giới thiệu cho Mobifone mua AVG.

Mặc dù biết đây là dự án nhóm A, chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng Son đã gửi thư chỉ đạo việc mua bán, thậm chí còn thống nhất giá mua gần 9.000 tỷ đồng, tương đương 95% cồ phần AVG (bao gồm các khoản đầu tư ngoài ngành của AVG, mà không tính tiền).

Trong khi đó, Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp đã có Phiếu trình số 380/PTr-QLDN ngày 21-12-2015 nêu rõ: “Bộ TT&TT không có chức năng và điều kiện để xác định lại giá mua, hiệu quả của dự án… Văn phòng Chính phủ đã xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng hai Bộ cũng không có ý kiến về nội dung này…giao Hội đồng thành viên Mobifone chịu trách nhiệm quyết định về giá mua”, nhưng Nguyễn Bắc Son vẫn chỉ đạo cấp dưới phải triển khai ngay dự án và đảm bảo hoàn thành trong năm 2015.

Vi 3 trieu USD, Nguyen Bac Son phu phep giay to, quyet mua bang duoc AVG
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son 

Thậm chí, khi nhận được văn bản số 2678 ngày 14-12-2015 của Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Bắc Son xác định đây không phải là quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, nhưng Son đã gạch bỏ nội dung: “Giao HĐTV Mobifone chịu trách nhiệm quyết định giá mua” tại Tờ trình và gạch “Quyết định giá mua” tại điều 2 của dự thảo quyết định, rồi có bút phê giao cho Trương Minh Tuấn, khi đó là Thứ trưởng ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Mobifone, với vốn đầu tư của dự án là 8.900 tỷ đồng, trong đó giá mua 95% cổ phần AVG là 8.898,3 tỷ đồng.

Son cũng thừa nhận đã chỉ đạo Lê Nam Trà ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG vào chiều ngày 25-12-2015, để đảm bảo thương vụ kết thúc gọn trước thời điểm ông ta hết nhiệm kì Bộ trưởng.

Sau khi hoàn thành dự án, Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, Phạm Nhật Vũ đã đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son tại số 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đưa cho ông Son 3 triệu USD. Sau khi nhận tiền, ông Son khai đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H., khoảng 10 lần, mỗi lần từ 300.000-400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.

Ngoài ra ông Nguyễn Bắc Son còn thừa nhận, vào dịp lễ, tết, ông Son đã nhận tiền của ông Cao Duy Hải, cựu Tổng giám đốc Mobifone, cụ thể 200 triệu đồng dịp 30/4/2015. Ông Son cũng nhận 200.000 USD của ông Lê Nam Trà, cựu Chủ tịch Mobifone dịp Tết âm lịch 2016.

Sau khi ông Son có lời khai, cơ quan điều tra đã triệu tập Nguyễn Thị Thu H. (con gái ông Son) lên làm việc. Mặc dù chị H. thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ và bố mẹ có vào TP Hồ Chí Minh thăm con gái vài lần, song chị này khẳng định không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. “Kết quả đối chất với ông Nguyễn Bắc Son, H. vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền” – kết luận điều tra nêu.

Cựu lãnh đạo Mobifone biết sai vẫn làm để... giữ “ghế”

Tại CQĐT, nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone Lê Nam Trà khai, khi được Nguyễn Bắc Son gợi ý xem xét mua AVG, mặc dù biết tình hình tài chính của AVG cực kỳ bết bát, kinh doanh thua lỗ, ảnh hưởng đến lợi nhuận, kết quả kinh doanh của Mobifone, nhưng để thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, Trà vẫn yêu cầu Ban Tổng giám đốc lập dự án, tiến hành các bước để mua lại AVG.

Lê Nam Trà cũng thừa nhận việc ký thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với AVG khi chưa có quyết định của Thủ tướng là trái pháp luật, nhưng vẫn thực hiện vì “phi vụ” này sẽ giúp Lê Nam Trà nhận được sự ủng hộ từ lãnh đạo Bộ TT-TT, giữ được chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone và được “lại quả”.

Cũng vì vậy mà sau khi Bộ TT-TT có quyết định số 236 phê duyệt đầu tư dự án, mặc dù Tổng Giám đốc Mobifone là Cao Duy Hải không ký Thỏa thuận và Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần với các cổ đông AVG, nhưng Trà vẫn ký theo chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, đồng thời chỉ đạo cấp dưới thu xếp nguồn vốn để thực hiện hợp đồng.

Tương tự, bị can Lê Nam Trà, Cao Duy Hải cũng khai quá trình thực hiện dự án, ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục sớm hoàn thành dự án. Sau khi Mobifone chuyển tiền thanh toán thương vụ chuyển nhượng 95% cổ phần AVG, ông Phạm Nhật Vũ đã mang biếu cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà số tiền 2,5 triệu USD; biếu Cao Duy Hải – nguyên Tổng giám đốc Mobifone số tiền 500.000 USD.

Sau khi nhận tiền “lót tay” từ Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà khai mang biếu ông Nguyễn Bắc Son 700.000 USD (trong đó có 500.000 USD trích từ tiền nhận của Phạm Nhật Vũ); bị can Cao Duy Hải cũng khai “cắt lại” 200.000 USD từ số tiền nhận của Phạm Nhật Vũ để biếu ông Nguyễn Bắc Son nhân dịp 30/4/2016. Tuy nhiên, bị can Trà và Hải xác định đây là quan hệ dân sự giữa hai bị can này và ông Son nên không yêu cầu xem xét trong vụ án.

Cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn thì thừa nhận, trong quá trình thực hiện dự án đã được ông Phạm Nhật Vũ nhiều lần gọi điện thúc giục tạo điều kiện thực hiện nhanh. Sau khi hoàn thành dự án, ông Vũ đã đến phòng làm việc của ông Tuấn đưa số tiền 200.000 USD. Ông Tuấn nhận thức được việc ông Vũ đưa tiền cho mình vì ông có tham gia dự án, ký quyết định 236.

Quá trình điều tra, các bị can đều nhận thức số tiền nhận từ ông Phạm Nhật Vũ là hưởng lợi bất chính nên xin khắc phục hậu quả, trong đó ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng; ông Tuấn xin nộp 2,12 tỷ đồng. Riêng bị can Lê Nam Trà xin khắc phục toàn bộ số tiền 54 tỷ đồng; Hoàng Duy Quang nộp 54 tỷ đồng...

Ngoài ra, CQĐT cũng kê biên căn nhà số 14, ngõ 36C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của vợ chồng ông Nguyễn Bắc Son; căn nhà tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội của vợ chồng ông Trương Minh Tuấn; phong tỏa tài khoản ngân hàng của Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà để đảm bảo thi hành án.

Thủ tướng thi hành xóa tư cách Bộ trưởng ông Nguyễn Bắc Son

(Kiến Thức) -Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bắc Son bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016.

Ngày 26/10, Thủ tướng ký Quyết định số 1433/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011-2016 đối với ông Nguyễn Bắc Son do đã có những vi phạm khi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ này.

Xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT của ông Nguyễn Bắc Son

(Kiến Thức) - Tại phiên họp thứ 28, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định kỷ luật xoá tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT với ông Nguyễn Bắc Son.

Ngày 22/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tại phiên họp trù bị của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo với Quốc hội việc xử lý kỷ luật ông Nguyễn Bắc Son - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT.