Tôi và anh ấy là bạn học trung học. Không ai nghĩ rằng sau khi ra trường gần 5 năm, chúng tôi lại trở thành vợ chồng.
Chúng tôi đã trải qua bao thăng trầm với 2 mụn con, trai có gái có, nhà cửa đàng hoàng. Tuy nhiên, sau gần 10 năm chung sống, anh ấy chợt nhận ra rằng tôi không phải là người phụ nữ phù hợp. Tôi thấy cuộc sống vẫn ổn, nhưng anh cho rằng nó không ổn.
"Em ơi..." - "Ơi"
Từ khi lấy nhau, có lẽ sự thay đổi lớn nhất trong giao tiếp của chúng tôi là đổi cách xưng hô từ “ấy – tớ” sang “anh - em”. Còn lại, anh vẫn là một cậu bé trung học trong mắt tôi. Việc gì để anh làm, tôi cũng không yên tâm, tôi luôn phải giành quyền quyết định. Lâu dần, anh cũng không tham gia vào các việc lớn của gia đình nữa bởi dù bàn thế nào thì ý kiến của tôi cũng sẽ là ý kiến cuối cùng. Tôi thấy như vậy cũng ổn vì gia đình luôn “êm ấm”.
“Em ơi…” – “Ơi”. Bất cứ khi nào anh gọi, tôi cũng nhanh chóng đáp lời một cách “ngoan ngoãn”. Có lần mẹ chồng nhắc “Sao bố mày gọi mà mẹ mày cứ ơi?”, tôi chỉ cười “Ôi giời, quen rồi”. Tôi cũng không để ý xem chồng có thái độ gì, bởi tôi thấy thế có sao đâu, “ơi” hay “vâng” thì cũng là thưa mà. Cuộc sống cứ trôi đi như thế. Vẫn ổn cả.
Ảnh minh họa. |
Anh là quản lý của một công ty lớn, tôi cũng là trưởng phòng của một công ty liên doanh, thu nhập ngang ngửa nhau. Vì vậy, trong mắt tôi, anh và tôi chẳng có gì khác nhau cả.
Thu nhập của hai chúng tôi đáp ứng đầy đủ những nhu cầu chi tiêu của cả gia đình. Tôi thuê 2 người giúp việc, vừa làm việc nhà, vừa chăm hai đứa trẻ. Vì thế, cuộc sống của tôi rất nhẹ nhàng. Tôi có thể ngồi café hàng giờ với bạn, hay đi beauty salon cả ngày mà không phải lo cái ăn cái uống cho hai đứa bé. Mọi sự học hành, đi chơi của bọn trẻ đã có giúp việc lo. Chồng tôi ngày nào cũng có quần áo phẳng phiu đi làm, chiều về có cơm dẻo canh ngọt mà tôi chẳng cần phải mó tay vào.
Anh cũng vì thế mà trở nên “nhàn rỗi”. Anh không có cảm giác phải “chia sẻ” việc nhà với vợ như những người đàn ông khác. Chiều tan làm, thường anh không bao giờ về nhà ngay. Thâm chí, có hôm ham vui với đám anh em cùng công ty, anh cũng không về nhà. Lúc đầu, tôi cũng hơi bực bội và than phiền. Nhưng rồi, tôi nghĩ anh bận công việc cả ngày, để anh “giải tỏa” căng thẳng một chút, miễn sao anh không làm gì bậy bạ là được.
Với suy nghĩ ấy, tôi cũng dễ dãi với bản thân mình hơn. Chồng đi chơi là việc của chồng, vợ đi chơi là việc của vợ. Tôi đi mua sắm và làm đẹp với lũ bạn thân, tôi ngồi café tới khuya và quên dần các công thức nấu ăn. Cuộc sống cứ thế trôi đi cho đến một ngày…
Khoảng cách mỗi ngày một xa
Anh trở về nhà trong một bộ dạng say khướt và tâm trạng khác thường. Anh không muốn gần tôi và dường như né tránh tôi. Tôi nghĩ rằng anh có chuyện căng thẳng trong công việc nên không muốn “tra khảo” anh.
Cứ thế mỗi ngày anh lại một đi chơi nhiều hơn. Anh vắng mặt liên tục trong các bữa cơm chiều và các sự kiện của gia đình. Anh khiến tôi có cảm giác anh không muốn về nhà và không muốn nhìn thấy sự hiện diện của tôi.
Khoảng cách giữa tôi và anh lớn dần lên mà tôi không hiểu lý do. Tôi thấy mọi thứ trước đây đang rất ổn. Khi tôi gặng hỏi mãi thì anh chỉ nói: “Anh thấy cuộc sống này không còn phù hợp với anh nữa”.
Một ngày, tôi trở về nhà và nhìn thấy tờ giấy ly hôn được đặt ngay ngắn trên bàn. Tim tôi thắt lại.
Tôi những tưởng cuộc sống như vậy là thoải mái cho cả anh và tôi. Đàn ông vốn thích tự do, không mong được kiểm soát, không phải thế sao?
15 năm nhìn lại
Chặng đường 10 năm ở bên nhau chưa đủ dài cho một cuộc hôn nhân nhưng có lẽ lại là quá dài cho sự chịu đựng của anh về một người vợ “vô tư” như tôi. Tôi đã làm mọi cách nhưng không thể níu kéo được anh, người đàn ông mà tôi vẫn yêu rất nhiều. Chúng tôi đã chia tay nhau như thế, nhẹ nhàng và không oán hận. Các con, mỗi người một đứa, và vẫn liên lạc thường xuyên với nhau.
Hôm nay, 5 năm sau ngày ấy, tôi nghe tin anh chuẩn bị lập gia đình, tim tôi thắt lại một lần nữa. Tôi đã đánh mất anh bởi suy nghĩ sai lệch của một người vợ bằng tuổi. Mong anh, ở nơi đó sẽ tìm thấy hạnh phúc thật sự của mình.