Theo ghi nhận của nhóm nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (Nghiên cứu của Học viện Khoa học Quốc gia), kích thước cơ thể lớn sẽ giúp các loài động vật có vú sống dưới nước như cá voi duy trì nhiệt độ cơ thể chúng cao hơn nhiệt độ môi trường nước xung quanh.
Giáo sư Jonathan Payne từ Đại học Stanford ở Mỹ nói: "Khi chúng còn nhỏ, cơ thể chúng sẽ mất nhiệt rất nhanh và không có cách nào bổ sung thực phẩm cấp tốc để làm chậm quá trình đó".
Kích thước của các loài động vật có vú thủy sinh bị hạn chế bởi những khó khăn khi tìm kiếm nguồn thức ăn để duy trì sự sống. Do vậy, chúng chỉ có thể phát triển đến một mức độ nào đó và không thể lớn thêm được nữa.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu dữ liệu trên 3.859 loài sinh vật sống và 2.999 loài đã tuyệt chủng để đi đến kết luận: Một khi động vật có vú chuyển đổi môi trường sống của chúng từ trên cạn xuống dưới nước, chúng sẽ tiến hóa rất nhanh để có một kích thước cơ thể lớn hơn.
Thân hình đồ sộ của cá voi giúp chúng có thể giữ nhiệt và tồn tại giữa đại dương lạnh lẽo (Ảnh: Getty) |
Giáo sư Payne chia sẻ: "Nhiều người cho rằng sống dưới nước rất thuận lợi để động vật có vú phát triển nhưng thực tế đang chứng minh là nó có nhiều hạn chế hơn. Đừng nhầm tưởng rằng môi trường nước giúp cho các con vật trở nên to lớn hơn - thực tế chúng phải trở nên đồ sộ vì chúng không còn sự lựa chọn nào khác".
Các nhà nghiên cứu nhận thấy nhu cầu năng lượng của động vật có vú sống dưới nước luôn cao hơn khả năng tìm kiếm nguồn thức ăn của chúng. Do đó, kích thước của các loài sống dưới nước không đa dạng như những loài sống trên cạn.
Cá voi tấm sừng luôn có kích thước rất lớn vì chúng có phương pháp tìm kiếm và chọn lọc nguồn thức ăn rất hiệu quả so với cá voi có răng.
Cá voi xanh thuộc bộ cá voi tấm sừng với chiều dài gần 30m được ghi nhận là sinh vật to lớn nhất từng tồn tại.