Vì sao chồng phải uống đến say khướt?

Tôi sợ hãi mỗi chiều về nhà trọ phải đối diện với gương mặt cau có, khó chịu của em, đối diện với những lời ca cẩm tiền nong.

Vì sao chồng phải uống đến say khướt?

Học hết cấp 3, gia cảnh khó khăn, tôi không thi đại học mà bỏ lên thành phố làm công nhân. Hơn ba năm trong khu công nghiệp, tháng nào vừa nhận lương xong, tôi cũng nhẵn túi. Nghe lời người bạn, tôi bỏ xí nghiệp, lấy sầu riêng về bán. Chiếc xe ba gác cùng tôi rong ruổi khắp các ngả đường, bất kể nắng mưa. Bán sầu riêng cực nhọc nhưng lời lãi chẳng bao nhiêu, tôi vẫn luôn trong tình trạng “viêm màng túi”. Nghĩ phải học một cái nghề mới ấm tấm thân, tôi xin vào một tiệm sửa xe học việc.

Hơn nửa năm chịu khó học nghề, tôi cũng dần “cứng tay”. Một người bạn rủ tôi hùng mở tiệm sửa xe. Tôi về nhà, nhờ ba mẹ vay ngân hàng 30 triệu đồng làm vốn. Mãi gần một năm sau, tiệm sửa xe của tôi mới có khách lai rai. Khi đã kiếm được chút tiền, tôi và người bạn phát sinh mâu thuẫn. Bạn tôi “ép” tôi cưa đôi số đồ nghề và phụ tùng mà trước đây hai người hùn tiền mua chung. Cũng ngay lúc đó, bà chủ nhà “trở chứng” đòi lại mặt bằng. Chưa kịp dọn xong mớ đồ nghề thì bố tôi ở quê bệnh nặng, tôi phải về giúp mẹ chăm sóc bố, vì tôi là con cả trong gia đình, các em còn nhỏ. Hơn một tháng sau, tôi trở lại thành phố thì đồ nghề trong tiệm đã vơi hơn một nửa. Hóa ra bạn tôi cấu kết với chủ nhà, lấy lại mặt bằng để cùng con chủ nhà làm ăn chung, đẩy tôi ra ngoài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Cay cú ôm thùng gỗ đồ nghề ít ỏi, trong túi chẳng còn đồng bạc để thuê mặt bằng, tôi đành ra vỉa hè sửa xe. Ngày làm được đồng nào, tối về tôi đổ hết vào bia rượu vì chán nản cảnh gần 30 tuổi đầu vẫn sống trôi nổi, chẳng có chút sự nghiệp. Tôi gặp em trong những ngày tận cùng của vất vả, khó khăn. Em là khách sửa xe quen của tôi. Trước lạ sau quen, qua những câu chuyện, tôi biết em là cô giáo mầm non, cũng cùng cảnh nghèo và tha phương như tôi. Lâu dần, tình yêu đến với chúng tôi lúc nào không hay.

Vì tuổi hai đứa không còn trẻ nên sau một năm tìm hiểu, chúng tôi quyết định kết hôn, dù hoàn cảnh hai đứa vô cùng khó khăn. Tiền sính lễ, tôi phải nhờ anh em gom góp giúp. Tiệc cưới thì phải chờ khách về, gom góp phong bì để trả. Hai vợ chồng ở trọ trong một căn phòng bé xíu, ngày đêm gì cũng nóng hầm hập. Nghe lời em, tôi bỏ nhậu, chí thú làm ăn. May mắn nhờ số tiền cưới dư ra, vợ chồng tôi thuê một mặt bằng nhỏ mở tiệm. Tuy nhiên, từ khi sống chung, tôi mới hiểu hết bản tính của em. Khác với vẻ ngoài thật thà, chất phác khi đang yêu, em dần hiện rõ là người phụ nữ tham lam, đầy toan tính. Em không cho tôi qua lại với bạn bè cũ, sợ họ “lợi dụng” tôi. Em bảo, tôi hiền lành đến khờ khạo nên dễ bị bạn bè xấu lợi dụng.

Em lấy chuyện tôi từng bị cậu bạn lừa hùn tiền mở tiệm sửa xe để răn đe. Tôi cố gắng thuyết phục em mỗi người mỗi tính, không ai giống ai, nhưng em vẫn cương quyết không cho tôi gặp gỡ bạn bè. Ngay cả khi ai đó mời sinh nhật, thôi nôi, đám cưới…, em đều giành đi. Theo em, đàn ông đi chỉ “ăn nhậu bê tha” lại sa vào tệ nạn. Dần dà, tôi cảm giác em đang làm thay vai trò người chồng. Trong nhà, mọi chuyện lớn nhỏ em đều quyết định. Nhiều khi bạn bè cũ hẹn gặp nhau bàn công việc làm ăn, em giấu mất chìa khóa xe, để tôi không đi được. Hai vợ chồng thường xuyên trong tình trạng căng thẳng. Vì sợ em nên bạn bè dần xa lánh, lảng tránh tôi. Ngoài em ra, tôi gần như không còn một mối quan hệ nào khác.

Ba mẹ ở quê lên thăm, em cũng mặt nặng mày nhẹ. Em cho là ba mẹ tôi lên chỉ để “vòi tiền”. Nếu ba mẹ ở lâu, em khó chịu ra mặt, hết than giá cả tăng lại than ăn uống tốn kém. Nhiều lần như vậy, ba mẹ và đám em út tôi sợ hãi, không dám lên thăm tôi nữa. Em còn sợ tôi giấu tiền gửi cho cha mẹ, em út nên mỗi lần tôi chở ba mẹ ra bến xe, em nắn túi trước, sờ túi sau xem có giấu tiền không? Có hôm em còn mở cả giày của tôi ra kiểm tra. Không thể chịu nổi cô vợ quá quắt, tối nào tôi cũng la cà ngoài quán, uống đến say khướt mới về.

Tôi sợ hãi mỗi chiều về nhà trọ phải đối diện với gương mặt cau có, khó chịu của em, đối diện với những lời ca cẩm tiền nong. Cả tuần nay, vợ chồng tôi không nhìn mặt nhau. Tôi vẫn đi về trong những cơn say dài, em vẫn càu nhàu, nhiếc mắng tôi bằng những lời tệ hại nhất. Em luôn bảo tôi là “ngựa quen đường cũ” nhưng em không chịu hiểu vì sao tôi lại ra như thế.

Nhục vì chồng mê rượu

Gần tàn tiệc, thấy anh gọi thêm bia, chị ý nhị bấm áo chồng. Chẳng ngờ anh vùng ra, trừng mắt nói: “Bà ngồi yên! Đàn bà biết mẹ gì mà…”.

Nhục vì chồng mê rượu

Chị khóc tức tưởi, áo dây bẩn, tóc tai bê bết. Mọi người xung quanh cố dỗ. Ai cũng bảo: “Thôi chấp gì, say mà! Rượu nói chớ phải ổng nói đâu!”. Tôi thương chị, nhưng cũng thầm trách, đã “lệch” mà cứ “kê cho bằng”, đến nỗi hại mình.

Chị là bạn cũ của tôi, vốn là người đàn bà biết “giữ mặt” cho chồng, ít khi nào cự cãi lớn tiếng với chồng trước mặt con cái hay người ngoài. Hai vợ chồng cùng đi làm, nhưng lương công chức của anh không đủ vào đâu nên chị phải ra ngoài mở mối làm ăn riêng.

Nhờ đó, kinh tế gia đình khá hơn. Đi lại giao thiệp nhiều, chị cũng chăm chút ăn mặc, giữ gìn vóc dáng. Vợ chồng tôi từ nước ngoài về Việt Nam ăn Tết, mời bạn bè họp mặt. Đến dự tiệc tối hôm ấy, vợ chồng chị là một đôi đẹp, hai đứa con xinh xắn, họ là hình mẫu một gia đình tròn vẹn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Tôi chẳng bao giờ quên bữa ăn hôm ấy. Bia nhiều, rượu cũng nhiều. Cánh đàn ông “dô dô” mừng ngày hội ngộ, phụ nữ rủ rỉ chuyện trò con cái, gắp thức ăn, coi chừng bọn trẻ con. Gần tàn tiệc, thấy anh gọi thêm bia, chị ý nhị bấm áo chồng. Chẳng ngờ anh vùng ra, trừng mắt nói: “Bà ngồi yên! Đàn bà biết mẹ gì mà…”.

Chị sượng trân, vợ chồng tôi cũng sượng. Tư cách chủ tiệc, chẳng lẽ cản anh kêu thêm đồ uống, chồng tôi vui vẻ tìm cách gỡ gạc. Nhưng từ lúc ấy, tôi thấy chị cúi mặt xuống. Con cua trên tay, chị kẹp hoài mà không bóc được, chị đưa cho người ngồi cạnh, chắc định nhờ giúp. Con cua chưa kịp chuyển sang tay người khác, chồng chị đã giật phắt lấy. Anh cầm con cua ném mạnh vào người vợ, nước xốt me văng tung tóe trên chiếc áo đầm chị đang mặc. Anh quát: “Ăn được thì ăn, không ăn được thì xuống kia hốt c… mà ăn!”. Cả bàn ăn lặng đi, chị sững người, rồi bật khóc, chạy vào phòng vệ sinh. Anh vẫn đang la lối chuyện gì đó lớn tiếng, cả nhà hàng cùng nghe thấy, đại khái là con vợ mất nết, thứ đồ đàn bà hư…

Chị khóc tức tưởi, áo dây bẩn, tóc tai bê bết. Mọi người xung quanh cố dỗ. Ai cũng bảo: “Thôi chấp gì, say mà! Rượu nói chớ phải ổng nói đâu!”. Nhưng tôi lại nghĩ chị biết, chắc trong lòng anh có những ẩn ức nào đó, chắc rượu bia đã mở tung cái chốt chặn, nên những bọt bèo rác rưởi tăm tối xưa nay dồn tụ, đã đẩy anh đến chỗ hạ nhục vợ giữa chốn đông người. Tôi thương chị, nhưng cũng thầm trách, đã “lệch” mà cứ “kê cho bằng”, đến nỗi hại mình.

Rồi tôi trở về với nếp sống, nếp nghĩ ở xứ người, nơi đàn bà đường đường được luật pháp bảo vệ. Vợ chồng chị, tôi cứ nghĩ họ sẽ đường ai nấy đi sau một lần hành xử với nhau như thế. Vậy mà sau đó tôi biết, họ vẫn sống với nhau, vẫn mặn nồng diễn vở gia đình tròn vẹn, hạnh phúc trước mắt thiên hạ. Chị vẫn đi làm, lo chu toàn kinh tế gia đình, chăm chút ăn mặc, giữ gìn vóc dáng. Anh vẫn ngày hai buổi xách cặp đến chỗ làm. Tôi đã nghĩ trừ những bạn bè thâm giao có mặt trong bữa tối hôm ấy, ngoài ra thì chẳng ai biết chị đã lãnh nguyên một con cua ném thẳng vào người, đã khóc tức tưởi trước một người chồng say rượu. Thế mà không phải, bạn bè bảo những chuyện đó vẫn thỉnh thoảng xảy ra vì… bia rượu.

Rượu bia đổ vào miệng phải trả tiền, rượu bia tàn phá thần kinh hại thân thể phải đến bệnh viện chữa trị, rượu bia biến đổi nhân cách của người uống, hạ nhục nhân phẩm của người thân… bao nhiêu điều tồi tệ đến vậy, mà người ta vẫn chặc lưỡi bỏ qua, như thể đó chỉ là một thứ lỗi lầm vô chủ. Chẳng biết ngoài bạn tôi, có bao nhiêu người đàn bà khác nữa, đang âm thầm từng ngày chịu đựng nhục, bị hành hạ, chà đạp dưới những cơn say?

Người đàn bà bỏ chồng

Chị sẽ là người đàn bà bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ, sẽ thỉnh thoảng chị cô đơn đến nhói lòng khi nhìn người ta có cặp có đôi. 

Người đàn bà bỏ chồng

Không nhiều đồ đạc cần phân chia khi anh chị quyết định đường ai nấy đi. Một chiếc tủ đứng cũ kỹ đã bong cả vecni, nham nhở những mẩu vụn gỗ xù xì và đầy những đường vẽ chì màu của hai thằng “giặc cỏ” nhà chị. Một cái bàn khập khiễng và bốn cái ghế nhựa. Một chiếc giường gỗ có chạm đôi chim tung cánh hai bên cặp trái tim lồng vào nhau là quà cưới của bố chị - vốn là một thợ mộc, tặng hai người. Khó chia có chăng là hai thằng con trai, một đang học lớp 2 và một chưa đầy năm tuổi, chia kiểu nào cũng dở. Và, rất nhiều nỗi đau trong lòng chị, chẳng biết phải chia sớt thế nào.

Chị không xinh đẹp, càng không đào hoa. Cuộc sống lam lũ với vai trò con gái lớn trong gia đình khiến chị phải phụ bố cáng đáng nhiều việc, từ đồng áng đến nuôi lợn, chăn gà. Người anh cả thoát ly cuộc sống ở vùng quê mà anh chê “ao tù nước đọng” theo người ta đi hái thuê hồ tiêu, cà phê. Bố bảo, thôi thế cũng được, miễn nó làm được cái mà ăn rồi nên người. Mà chắc anh cũng làm ăn được thật, mỗi khi có người về, anh không quên gửi mấy bộ quần áo mới và ít đồ cũ về cho các em. Có khi, anh gửi cả tiền, món tiền nhỏ nhưng khiến bố mừng rơi nước mắt và đủ để chị thấy cảm phục khi nghĩ về anh. Quá nhiều nỗi lo, chị dặn mình không được nghĩ đến việc lấy chồng sớm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
17, 18 tuổi, khi các cô gái cùng lứa đã biết liếc mắt làm duyên thì chị vẫn cặm cụi như một con gà mái mẹ. Rồi đúng là “cái tuổi nó đuổi xuân đi”, bố chị bắt đầu sốt ruột. Chị quen anh khi bước sang ngưỡng “đã toan về già”. Anh hơn chị 11 tuổi, đã qua một đời vợ. Người thì nói anh bỏ vợ. Người nói anh bị vợ bỏ. Chẳng biết thế nào. Cuối cùng, chỉ thấy anh ở một mình, ba đứa con đi cùng mẹ, chả mấy khi về thăm bố. Anh làm thợ hồ, đến xây nhà hàng xóm của chị, khi bị mọi người ghép đôi, họ bắt đầu để ý đến nhau.

Mấy đứa em chị ra sức phản đối, không muốn chị mình lấy một người bị vợ bỏ, lại có những ba đứa con riêng. Anh trai cả điện về, bảo tùy cô quyết định. Bố chị nửa chạnh lòng, nửa muốn con gái mình yên bề, dù gì chị cũng chẳng còn trẻ trung. Còn chị, chị mong có một bờ vai để tựa…

Bố đóng một chiếc giường cưới cho con gái. Anh cả thu xếp về được một tuần lo cái đám cưới nho nhỏ cho em. Không đứa nào trong số ba con riêng của anh tới dự, mấy đứa em chị cũng tạm hài lòng.

Hai thằng con trai lần lượt ra đời khiến gánh nặng cơm áo càng nặng hơn trên đôi vai vốn chai sần của chị; nhất là khi công việc thợ hồ của anh bữa đực bữa cái, anh mắc thêm cái bệnh đau lưng của người “sắp già” hay làm việc nặng. Tằn tiện, tích cóp, vay mượn thêm của anh cả và vài người bà con, anh chị mua được mảnh đất nhỏ, cất một cái nhà, gọi là có chỗ chui ra chui vào. Bố chị vui trông thấy, mấy đứa em chị thôi nhắc chuyện ngày xưa.

Hai đứa con và người chồng tóc bạc gần nửa khiến chị cảm thấy nhẹ lòng. Dù sao, ông trời vẫn còn thương chị…

Cho đến khi anh đổ mình vào những con bài. Cái nhà vốn chẳng nhiều đồ đạc càng bị anh làm trống trải thêm. Cái ti vi cũ mà hai đứa con mỗi lần muốn xem lại phải đập đập mới chịu có hình, cái quạt điện anh cả mua cho bố, rồi bố chị nhường cho các cháu, đến cả cái nồi nấu cám lợn và mấy con gà đang đẻ cũng lần lượt ra đi sau những lần anh cố gỡ gạc. Chị nhắc mãi, nhẹ nhàng, khóc lóc rồi van xin, dọa bỏ… Anh đối phó với chị ban đầu bằng cách ăn năn, hứa hẹn, rồi sau bằng cả những cái bạt tai. Đồ đạc thì cứ lần lượt theo anh ra khỏi nhà.

Bố chị già sọp hẳn đi khi thấy con rể ngày càng đổ đốn. Mấy đứa em chẳng nỡ nhắc đến chuyện buồn, ôm chị khóc rưng rức, bù đắp bằng cách phụ chị nuôi hai đứa cháu. Anh cả về, khuyên cô đi theo con đường của anh ngày xưa, dù phải xa nhà xa quê nhưng dễ sống hơn. Bố có thể ở nhà cùng mấy đứa em hoặc theo anh cả để anh phụng dưỡng. Chị thấy lời khuyên của anh cũng xuôi.

Cuộc họp gia đình diễn ra chóng vánh. Chồng chị bảo muốn đi đâu thì đi, muốn mang theo một hay cả hai đứa con đều được, càng rảnh nợ. Rồi anh ta tu nguyên cả chai rượu, lè nhè đi khỏi nhà. Đêm về, nồng nặc mùi rượu, anh ta trèo lên người chị, vừa hành hạ vừa lảm nhảm những câu vô nghĩa. Chị cắn răng…

Rồi chị sẽ là người đàn bà một nách hai con nhỏ trông cậy vào anh trai và những người xa lạ. Rồi chị sẽ là người đàn bà bỏ chồng hoặc bị chồng bỏ. Rồi, có thể lắm, sẽ thỉnh thoảng chị cô đơn đến nhói lòng khi nhìn người ta có cặp có đôi. Nhưng, đau thì cũng đã đau rồi, chị tự nhủ, dù gì mình vẫn có hai đứa con…

Là đàn ông…

Là đàn ông, hắn có đủ bản lĩnh để nâng niu những điều yêu dấu trong cuộc đời và có đủ hơi ấm tỏa ra từ trái tim hào hiệp.

Là đàn ông…

Chẳng ai nói với cô là đàn ông thì phải như thế nào, nhưng cô nghĩ cứ như “hắn” thì không thể gọi là đàn ông. Là một trong bảy nam nhân hiếm hoi trong lớp đại học toàn nữ, thế mà có bao giờ cô thấy hắn có chút nam tính nào như sáu tên kia đâu.

Lần đầu tiên cô thể hiện thái độ phủ nhận với hắn là khi bầu ban cán sự lớp. Hắn xung phong làm bí thư, cô gạch tên thẳng tay. Người gầy nhom, ẻo lả như con gái, nói năng nhẹ nhàng… không ra hơi, lại thích bon chen! Chẳng hiểu có phải vì thiếu một phiếu không mà lần ấy, hắn vuột mất chức bí thư. Nhưng trông hắn vẫn ra dáng quan chức lắm, ngày ngày quần tây áo sơ mi sạch tinh tươm lên lớp (có hôm bác giữ xe còn nhầm hắn là giảng viên!). Hắn là chúa đi học muộn, bao giờ thầy bắt đầu giảng chừng năm phút thì hắn mới rụt rè bước vào, lẻn ngay vào một góc cuối lớp. Cô ghét nhất loại con trai vô nguyên tắc, thiếu kỷ luật một cách… có quy luật như thế. Cộng thêm vài lần làm việc nhóm chung, cô khốn khổ vì không bao giờ tập hợp được hắn đến các buổi họp, cô điên người khi hắn trả lời tin nhắn: “Tui cần làm phần nào, bạn nhắn qua email nha, tui sẽ nộp đủ. Chứ đến họp, hết nửa buổi ngồi tám với ăn hàng không à…”, vậy là cô nghiến răng lưu tên hắn trong điện thoại: “T. đáng ghét!”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Con người đáng ghét ấy trái ngược với mọi tiêu chuẩn vàng về đàn ông trong cô: phải “ra dáng”, phải phong trần chút đỉnh, phải cao to vạm vỡ, phải có mặt ngay khi con gái cần, phải ga lăng, phải… Hắn biến mất tăm trong mọi dịp con trai thể hiện mình. Biến đi đâu, cuối cùng cô cũng biết: hắn dành mọi thời gian rỗi rảnh không phải đến trường để đi làm thêm. Hóa ra, hắn lại còn… ham tiền, thiệt là ghét… hết sức!

Thực tập chung ở tỉnh xa, không ngờ hắn lại đỡ đần cô nhiều thứ. Lần đầu tiên cô nhận ra ánh mắt hắn ấm áp và đàn ông… Phải, “đàn ông” từ những chăm chút ân cần nhỏ nhất. 5h sáng, cả lũ con gái còn ngủ nướng, hắn đã dậy quét sân, lau nhà. Đi đường xa, hắn nhường cô áo khoác để tránh cái nắng oi nồng xứ cao nguyên. Hắn gồng lên chăm lo cho cả mười đứa nhắng nhít còn ham ăn ham chơi. Lần đầu tiên cô thấy hắn không… mềm yếu như vẻ ngoài. Là đàn ông, hình như không cứ phải phong trần bụi bặm, bởi trong vẻ mềm mỏng của hắn có bao nhiêu trách nhiệm và sự khoan dung mà cô ngỡ ngàng nhận ra mình thật an tâm khi dựa vào.

Cô cũng ngỡ ngàng khi hắn đùng đùng đứng lên cự lại đám thanh niên địa phương say xỉn chặn đường chọc ghẹo cô. Lần ấy cô sợ xanh mặt, cứ nghĩ lỡ tên say nào đó vung tay đánh hắn một cái, hắn làm sao đỡ nổi. Vậy mà chẳng hiểu ánh giận dữ cương quyết nào đó trong mắt hắn đã khiến mấy tên kia chỉ gầm gừ rồi văng tục, bỏ đi. Hắn quay lại, thấy cô rơm rớm nước mắt, khẽ gắt “Sợ gì chứ!”.

Sinh nhật cô được tổ chức ở chốn núi rừng giữa đợt thực tập. Hắn ngắt về mấy bó bằng lăng cắm thành một bình to để giữa phòng, rồi lặng lẽ nhét vào tay cô một dải dây dừa kết thành hình trái tim. Những vật bé mọn run lên trong tay cô. Lần đầu tiên cô thấy hắn… ga lăng theo kiểu rất “đàn ông”. Và, dù đôi mắt hắn ẩn nhiều xa xăm khó hiểu, cô biết mình đã gắn bó với hắn rồi.

Hắn đưa cô về quê chơi, kèm lời dặn trước: “Quê tui chẳng có gì, đừng trông chờ. Nhà tui nghèo lắm đó, đừng buồn nghe…”.

Mẹ hắn đứng đón ở cổng, cười móm mém khi vừa thoáng thấy xe hắn ló ra từ mấy lùm cây đầu con ngõ, rồi cười sượng khi thấy cô. Mẹ hắn không biết có khách, nên chẳng chuẩn bị gì. Cô lại bối rối nhận ra hắn phải gánh vác nhiều thứ quá: mẹ hắn già rồi, có bảy đứa con nhưng chỉ trông vào mình hắn thôi. Ai biểu hắn là đứa thảo nhất, học hành đàng hoàng nhất. Ông anh cất cái nhà, túng quá, hắn ráng kiếm thêm tiền giúp anh. Thằng em nghỉ học sớm, ở nhà làm vườn năm ba hôm lại cạn vốn, cũng hỏi hắn. Em gái út vừa qua lớp 12, cũng nhờ hắn luôn… Cô hiểu ra, đó chính là nguyên nhân của những lần hắn nghỉ học, trốn họp trước đây…

Trên đường về thành phố, cô nép đầu vào vai hắn, cảm thấy đôi vai ấy đủ rộng dài để cô tựa vào đó mà yên tâm về đến nhà mình.

Chẳng ai nói cho cô biết là đàn ông thì phải thế nào, nhưng giờ cô biết, hắn là người đàn ông của cô. Vẻ phong trần nam tính bên ngoài có thể mờ phai theo tháng năm, ga lăng hào hoa có thể chai sạn cùng sự quen hơi quen mặt. Nhưng… là đàn ông, hắn có đủ bản lĩnh để nâng niu những điều yêu dấu trong cuộc đời và có một hơi ấm tỏa ra từ trái tim hào hiệp, để ít nhất cô đã nhận ra.

Tin mới