Hoàng đế Minh Thái Tổ tên thật là Chu Nguyên Chương. Ông là vị hoàng đế khai quốc của vương triều nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc, cai trị từ năm 1368 đến 1398.
Chu Nguyên Chương nổi tiếng là vị vua có tính tình quyết đoán và tàn độc. Song nhờ những công lao để lại cho hậu thế, ông được xem là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Cũng giống như các bậc đế vương khác, sau khi lên ngôi, xây dựng thiên hạ thái bình, Chu Nguyên Chương cũng lập hậu cung tuyển chọn mỹ nữ. Theo sử sách ghi lại: “Thái tổ có tổng cộng 40 phi tần, có tài liệu ghi là 46 phi tần. Bất luận là con số nào mới chính xác thì điều này chứng minh rằng phi tần của Chu Nguyên Chương không dưới 40 người."
Sở hữu hậu cung đông đảo các phi tần mỹ nữ, Chu Nguyên Chương không chỉ tàn bạo với quân thần mà còn với cả các phi tần cung nữ. Chỉ cần để ông cho rằng những phi tần này không chung thủy với mình, ông sẽ có cả hàng ngàn cách để trừng trị tội ngoại tình. Thế nhưng cả đời này, người đàn ông khét tiếng tàn bạo ấy lại chỉ chung thủy với "người vợ chân to" Mã Hoàng hậu.
Mã Hoàng hậu (1332 - 1382), không rõ tên thật, dã sử địa phương gọi bà là Mã Tú Anh. Ngày còn nhỏ, Tú Anh được cha gửi cho người bạn tốt là Quách Tử Hưng nuôi dưỡng. Quách Tử Hưng vốn là người đứng đầu nghĩa quân chống nhà Nguyên.
Về phần Tú Anh, do từ nhỏ không chịu bó chân theo truyền thống (một trong những biểu tượng của người phụ nữ đẹp trong xã hội thời bấy giờ) nên có biệt danh là “nàng Mã chân to”. Song đổi lại, Tú Anh lại được trời phú trí tuệ thông minh hơn người. Quách Tử Hưng nhận thấy được sự thông minh, tài trí của cô con gái nuôi nên hết sức cân nhắc trong việc gả chồng cho con.
Chu Nguyên Chương sau khi lập công nhờ gia nhập nghĩa quân của Quách Tử Hưng đã được đồng ý cho gả con gái Mã thị. Từ khi một kẻ ăn mày vô danh được leo lên chức Phó nguyên soái sau khi kết hôn, Chu Nguyên Chương bị nhiều người ghen ghét nên đã dựng chuyện hãm hại.
Chính trong thời gian khó khăn bị nhốt trong biệt lao đó, Mã Tú Anh đã là người luôn bên chồng, hàng ngày giả bệnh để lén đem phần thức ăn qua mật đạo thông đến cửa sổ phòng giam nhốt Chu Nguyên Chương. Sự chung thủy sắt son và lòng chân thành của nàng đã khiến Chu Nguyên Chương khắc ghi trong lòng cho đến cả khi có trong tay cả giang sơn.
Sử sách ghi lại rằng, sau khi đăng cơ Hoàng đế, Chu Nguyên Chương liền lập Mã Tú Anh làm Hoàng hậu. Trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ, sống trên vạn người nhưng Mã Hoàng hậu vẫn luôn giữ phẩm hạnh nhân từ và lối sống giản dị.
Mã Hoàng hậu luôn là người tự tay chăm lo từng bữa cơm cho chồng. Theo nhiều ghi chép Mã Hoàng hậu do không thể sinh con nên Chu Nguyên Chương đã đưa con của các phi tần khác tới để Hoàng hậu nuôi dưỡng. Là con nuôi nhưng người ta đều thấy Mã Hoàng hậu một lòng yêu thương, săn sóc như con mình dứt ruột đẻ ra.
Trong một cuộc bạo chính của Chu Nguyên Chương khi mới lên ngôi, Mã Hoàng hậu từng ra sức khuyên nhủ chồng hãy cứu mạng các trung thần. Thân là mẫu nghi thiên hạ song Mã Hoàng hậu cũng không cho người nhà mình được nhận những bổng lộc của triều đình mà bản thân không xứng đáng.
Bà còn được ca ngợi là một người “khoan với người, nghiêm với mình”. Trong dân gian vẫn có không ít người lôi đặc điểm chân to của bà ra như mỉa mai nguồn gốc xuất thân nghèo khó. Sử sách ghi rằng, có một lần Chu Nguyên Chương đi chơi lễ hội hoa đăng thì nhìn thấy một bức tranh đoán chữ bí hiểm vẽ một người phụ nữ với đôi chân rất to đang cười tít mắt ôm một quả dưa hấu.
Không thể đoán ra bức tranh nói đến chữ gì, vị quan bên cạnh lại không chịu nói nên Chu Nguyên Chương bèn mang về hỏi Hoàng hậu. Mã Hoàng hậu biết chuyện chỉ cười mà nói rằng bức tranh đó chính là ám chỉ mình.
Chu Nguyên Chương biết vậy nổi giận lôi đình, truyền lệnh bắt giam kẻ làm ra câu đố đó song chính Mã Hoàng hậu đã là người ngăn cản: “Hôm nay ngày tốt lành, không nên động chuyện sát sinh. Huống hồ tiện thiếp thực sự xuất thân bần hàn, chân to. Họ nói có gì sai đâu?”.
Phẩm hạnh của Mã Hoàng hậu đã khiến Chu Nguyên Chương một lòng tạc dạ khắc ghi. Không may, năm bà 51 tuổi đã bệnh nặng rồi qua đời. Những phút giây cuối được bên vợ, Chu Nguyên Chương luôn trân trọng, cho truyền những danh y giỏi nhất đến chữa trị, hàng ngày mang cơm, bón thuốc.
Sau khi Mã Hoàng hậu ra đi, Chu Nguyên Chương đau lòng khôn xiết, phong cho hoàng hậu thụy hiệu cao quý : Hiếu Từ Chiêu Hiến Chí Nhân Văn Đức Thừa Thiên Thuận Thánh Cao hoàng hậu. Sau đó vị hoàng đế này cũng không lập hậu thêm.