Thời gian gần đây, thực phẩm Mỹ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng mạnh. Không chỉ về số lượng, hàng Mỹ đồng loạt giảm giá đem lại cho người tiêu dùng cơ hội tiếp cận với các sản phẩm ngoại nhập, có nhiều lựa chọn hơn.
Chị Thu Phương (27 tuổi, Hà Đông) chia sẻ chị vừa có lần đầu tiên thưởng thức tôm hùm Alaska. Chị cho biết trước đó rất muốn thử nhưng giá loại tôm này quá cao khiến chị không quyết định “chịu chi”.
Giá rẻ, lượng nhập rau quả Mỹ tăng 70%
Vài năm trước, người tiêu dùng Việt muốn ăn tôm hùm Alaska phải bỏ ra số tiền 1,3-1,5 triệu đồng/kg, trung bình trên 3 triệu đồng/con. Thời điểm đó, người mua còn phải đợi cả tuần, thậm chí cả tháng để được thưởng thức loại hải sản vốn được coi là xa xỉ.
Tuy nhiên, hiện giá mỗi kg tôm hùm nhập khẩu từ Mỹ đạt mức rẻ nhất tính từ đầu năm tới nay. Theo ghi nhận của Zing.vn, giá trên thị trường của tôm hùm Alaska khoảng 550.000 đồng/kg đối với tôm 1-2 kg và từ 800.000 đến 1.000.000 đồng/kg đối với loại 2-5 kg. Thêm nữa, giờ muốn mua loại tôm này chỉ cần đặt hàng, đợi khoảng 1 tiếng, người bán sẽ giao đến tận nhà và đảm bảo tôm còn tươi sống.
Người tiêu dùng Việt có cơ hội thưởng thức nhiều mặt hàng xa xỉ với giá rẻ hơn gần một nửa. |
Cùng với tôm hùm Alaska, cua hoàng đế Alaska cũng giảm giá mạnh, hàng về Việt Nam với số lượng lớn. Cụ thể, cách đây 2 năm, cua hoàng đế Alaska đông lạnh về Việt Nam có giá hơn 1 triệu đồng/kg thì nay nhiều cửa hàng đang bán với giá 650.000 đồng/kg.Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 6 tháng đầu năm, có khoảng 3.785 kg tôm được nhập khẩu về dưới tên “tôm hùm Alaska”, giá trị ước tính là 27.526 USD . Tính ra, bình quân mỗi kg tôm này nhập về với giá khoảng 170.000 đồng/kg.
“Đợt này, bên tôi nhập hàng được thẳng từ bên Mỹ về, không qua một cầu nào cả. Vì vậy, giá bán cho khách hàng cũng tốt hơn”, chủ một hệ thống cửa hàng hải sản tại Hà Nội nói.
Cơ hội thưởng thức đồ nhập giá rẻ không chỉ dành riêng cho tín đồ hải sản. Với những ai “mê” nông sản Mỹ, đây là thời điểm cho người tiêu dùng tranh thủ tận hưởng nhiều thứ quả nổi tiếng đắt đỏ với giá rẻ hơn gần một nửa.
Tại các siêu thị và cửa hàng trái cây nhập khẩu, giá cherry phổ biến ở mức 280.000-350.000 đồng/kg, trong khi những năm trước con số này dao động 400.000-600.000 đồng/kg. Sản phẩm táo Mỹ cũng giảm xuống còn 39.000-49.000 đồng/kg.
Các loại quả nhập khẩu từ Mỹ khác như nho, việt quất cũng đồng loạt giảm khoảng 40% so với trước đây.
Sáu tháng đầu năm, Việt Nam cũng nhập khẩu 62.418 tấn thịt gà đông lạnh từ Mỹ với giá trị nhập khẩu đạt 48,62 triệu USD . Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu đã nhập khẩu 280 tấn cánh gà, 59.529 tấn đùi gà, 466 tấn thịt gà xay và 2.143 tấn chân gà.
Tính trung bình, mỗi kg cánh gà, đùi gà đông lạnh về Việt Nam có giá nhập lần lượt là 16.428 đồng và 17.470 đồng. Trong khi đó, giá nhập khẩu bình quân của thịt gà xay là 26.180 đồng/kg, của chân gà là 28.651 đồng/kg.
Khi giá nhập hàng giảm, các cửa hàng bán trái cây, thực phẩm nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng doanh số tốt. Chị Thùy, chủ một tiệm trái cây nhập khẩu, cho biết lượng hàng Mỹ bán tăng 30-40% so với năm trước. Nhiều trung tâm thương mại của Việt Nam cũng tăng cường nhập khẩu nông sản, thực phẩm từ Mỹ. Có thương hiệu trước đây không kinh doanh các sản phẩm Mỹ đã lần đầu tiên quyết định bổ sung bò, gà Mỹ lên các kệ hàng của mình.
Tổng cục Hải quan cho biết 7 tháng đầu năm 2019, hàng hóa xuất xứ từ thị trường Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt kim ngạch 8,2 tỷ USD .
Báo cáo của hải quan cũng ghi nhận mức tăng trưởng hàng nông sản xuất khẩu từ Mỹ qua Việt Nam 6 tháng đầu năm hơn 20%. Riêng với rau quả, mức tăng trưởng là 70%. Con số này được dự báo tăng gấp đôi vào 6 tháng cuối năm.
Vì sao hàng Mỹ về Việt Nam với giá “bèo”?
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Công Thắng - phụ trách Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho rằng xu hướng hàng Mỹ giá rẻ xuất sang Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, đặc biệt khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.
Cụ thể, Trung Quốc đã hủy mua nhiều mặt hàng của Mỹ để trả đũa sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu 10% với khoảng 300 tỷ USD lên hàng hóa nước này từ 1/9. Do đó, một số mặt hàng trước kia Mỹ xuất bán sang Trung Quốc thì đang hoặc sắp tới sẽ được đẩy sang các thị trường khác và Việt Nam là một trong những điểm đến.
Trung Quốc đã hủy mua nhiều mặt hàng của Mỹ để trả đũa, số hàng này sẽ được Mỹ đẩy sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Ảnh: SCMP. |
Các chuyên gia cũng dự báo sau quyết định hủy đơn hàng từ Trung Quốc, lô thịt heo Mỹ với khối lượng lên tới 14.700 tấn sẽ tràn vào Việt Nam với mức giá chỉ khoảng 1 USD /kg.
"Trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, trung bình giá thịt heo Mỹ nhập khẩu tại cảng chỉ ở mức hơn 1 USD /kg. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ căng thẳng, giá thịt heo Mỹ nhập khẩu có thể sẽ giảm hơn khi Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu vào Việt Nam", ông Trần Công Thắng phân tích.
Trong khi đó, đối với thịt gà Mỹ, Tổng cục Hải quan cho rằng mức giá nhập khẩu gà rẻ vì Việt Nam chủ yếu nhập mặt hàng được coi là thứ phẩm, không được ưa chuộng tại thị trường Mỹ.
“Thói quen của người dân và thị trường Mỹ là tiêu thụ thịt trắng phần ức gà, đầu cánh gà. Trong khi đó, loại đùi gà, chân gà, cánh gà, xương gà các loại thường để chế biến bột thịt xương cho chăn nuôi hoặc xuất khẩu sang các thị trường châu Á, châu Phi, Nga”, Tổng cục Hải quan nêu.
Thực tế, trước khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, giá gà Mỹ nhập vào Việt Nam khoảng 19.000-23.000 đồng/kg. Hiện tại, mức giá nhập khẩu bình quân 4 loại cánh gà, đùi gà, thịt gà xay và chân gà đông lạnh là 22.420 đồng.
Việc thực phẩm Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam đồng loạt giảm giá đem lại cho người tiêu dùng cơ hội tiếp cận với các sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng điều này cũng đặt ra thách thức lớn đối với thị trường sản xuất nông sản trong nước.
Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lo ngại với mức giá thịt nhập khẩu chỉ khoảng 26.000-30.000 đồng/kg, thịt Mỹ ồ ạt nhập vào Việt Nam sẽ gây khó khăn, thậm chí "bóp chết" ngành chăn nuôi Việt Nam.
Bên cạnh đó, vị này cũng băn khoăn trước việc giá thịt heo Mỹ nhập khẩu khá thấp. "Có thể thịt nhập khẩu giá thấp là loại thịt có chất lượng kém, doanh nghiệp không nhập hàng chính phẩm", ông Đoán nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng lo ngại thách thức mà hàng nông sản giá rẻ nước ngoài đặt ra cho nền nông nghiệp trong nước.
"Nếu không có sự thay đổi kịp thời thì hàng nông sản Việt sẽ không giữ được ưu thế này nữa” - ông Hải nói tại cuộc Tổng kết 10 năm Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 8.
Không có tem tiếng Việt, bánh trung thu trứng chảy vẫn bày bán công khaiKhông có tem tiếng Việt, bánh trung thu trứng chảy vẫn bày bán công khai