Xem toàn bộ ảnh
Tiểu thuyết Những người khốn khổ của đại thi hào Victor Hugo có một số lượng nhân vật nữ rất đông đảo, nhưng khi gấp sách lại người đọc không thể không nhớ tới nàng Fantine. |
Tên của Fantine trong Những người Khốn khổ được dùng làm tiêu đề cho phần thứ nhất của cuốn truyện mặc dù nàng chỉ xuất hiện trong khoảng gần 70 trang sách (chiếm gần 1/7 số trang của Phần 1). |
Qua ngòi bút của nhà văn, Fantine hiện lên với vẻ đẹp thanh khiết, đoan trang, trong trắng. Tuy nhiên, những dòng miêu tả không nhiều. Hầu hết số trang còn lại tái hiện quãng đời bất hạnh của nàng. |
Vì thế nhớ đến Fantine, người đọc không nhớ nhiều đến sắc đẹp thời son trẻ của nàng mà khắc ghi tình mẫu tử thiêng liêng mà người mẹ ấy dành cho cô con gái Cosette. |
Chi tiết gây xúc động mạnh và đắt giá nhất chính là cảnh người mẹ nghèo khổ bán răng, bán tóc - những tài sản duy nhất của mình – để đổi lấy tiền với niềm vui chắc mẩm trong tim rằng: 'Mình đã lấy tóc dệt cho con mặc”, “con mình sẽ không chết vì cái bệnh ác nghiệt ấy nữa, vì có thuốc rồi…". |
Đặc biệt, tình mẫu tử thiêng liêng còn khiến người mẹ khốn khổ ấy tự nhủ "đành bán nốt vậy" và đi làm gái điếm để lo cho con. Nhưng cuối cùng, Fantine chết vì bệnh lao mà chưa kịp nhìn mặt con gái. |
Sau này, khi Những người khốn khổ (Les Misérables) một bộ phim nhạc kịch, sử thi ra mắt năm 2012 do Tom Hooper đạo diễn, nàng Fantine được giao cho diễn viên Anne Hathaway. Suốt thời lượng 158 phút của phim, nhân vật Fantine chỉ có “đất” diễn trong khoảng 30 phút đầu phim, nhưng, diễn xuất của Anne Hathaway đã lay động trái tim khán giả. |
Để quay cảnh cô gái điếm Fantine phải bán thân, rồi bán cả răng lẫn tóc để có tiền nuôi con, Anne Hathaway đã giảm 4,5 kg trước khi quay phim. Vì kết cục của Fantine là chết một cách tuyệt vọng trên đường phố nên trong quá trình quay, cô phải giảm thêm 7 kg nữa. “Tôi đã phải nhịn ăn trong suốt 13 ngày quay trước cảnh phim này”, Anne Hathaway chia sẻ. |
Việc phải nhịn ăn không chỉ khiến Anne Hathaway gầy đi mà còn khiến cô ấy cảm thấy căng thẳng nặng nề về mặt tinh thần. “Khi về nhà, tôi vẫn bị choáng ngợp với những gì đã xảy ra với vai diễn này. Phải mất vài tuần tôi mới cảm thấy là chính mình”, nữ diễn viên chia sẻ thêm. |
Tại Việt Nam, nhiều người so sánh hình tượng nhân vật Fantine với nhân vật chị Dậu. Chị Dậu trong “Tắt đèn” vì cứu chồng mà bán chó, bán con. Mặc dù sự so sánh là khập khiễng, nhưng đây chính là những nhân vật phụ nữ đại diện cho sự khốn cùng và đức hi sinh cao cả. |