Vì sao người từng mắc SARS đã tiêm vaccine COVID-19 kháng mọi biến thể virus?
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Singapore cho thấy người từng mắc SARS sẽ có "kháng thể chức năng mạnh mẽ" nếu được tiêm vắc xin Pfizer. Họ không chỉ có kháng thể cao chống COVID-19 mà còn có một phổ kháng thể lớn chống 10 loại virus đường hô hấp khác.
Tâm Anh (theo Nikkei)
Xem toàn bộ ảnh
Các nhà khoa học tại Trường Y Duke-NUS và Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Singapore (NCID) mới công bố kết quả nghiên cứu đáng chú ý về người từng mắc SARS và đại dịch COVID-19. Theo các chuyên gia, người khỏi bệnh SARS sẽ có "kháng thể chức năng mạnh mẽ" nếu được tiêm thêm đủ 2 liều vắc xin Pfizer.
Nhóm các nhà nghiên cứu ở Singapore cho hay kháng thể ở những người khỏi bệnh SARS không chỉ có khả năng vô hiệu hóa những biến thể nCoV đã biết mà còn cả virus corona ở động vật khác có nguy cơ lây nhiễm cho con người.
Theo các chuyên gia, trước khi tiêm vắc xin Pfizer, những người từng mắc SARS không có hoặc chỉ có kháng thể nCoV ở mức độ thấp. Thế nhưng, sau khi tiêm 2 liều Pfizer, tất cả đối tượng tham gia thí nghiệm đều sinh kháng thể cao chống COVID-19 và một phổ kháng thể lớn chống 10 loại virus đường hô hấp khác.
Cách đây gần 20 năm, nhiều nước trên thế giới đối mặt với sự bùng phát của dịch SARS. Trong năm 2003, Singapore ghi nhận 238 ca nhiễm và 33 người chết vì dịch bệnh nguy hiểm này.
Thế giới ghi nhận có tới 8.096 người nhiễm SARS và 774 người tử vong kể từ cuối năm 2002 đến giữa năm 2003. Với nhiều nỗ lực, giới chức y tế và cơ quan chức năng thành công trong việc khống chế và dập tắt đại dịch SARS.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên thế giới trong gần 2 năm qua. Đặc biệt, biến thể Delta đang hoành hành ở nhiều nước có tốc độ lây lan nhanh trở thành một trong những thách thức trong việc dập dịch. Chính vì vậy, các chuyên gia tại Singapore tiến hành nghiên cứu về kháng thể ở những người từng mắc SARS. Khi những người này được tiêm vắc xin Pfizer thì sẽ tạo ra kháng thể mạnh.
Phó giáo sư David Lye, giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Đào tạo về Bệnh truyền nhiễm của NICD cho hay: "Biến thể mới đáng lo ngại có khả năng né tránh miễn dịch ở mức độ nào đó với thế hệ vắc xin đầu tiên".
Theo phó giáo sư David Ly, việc phát hiện kháng thể mạnh mẽ ở người từng mắc SARS được tiêm vắc xin Pfizer có thể giải quyết vấn đề trên. Đồng thời, các nước cần đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho toàn dân để nhanh chóng dập tắt dịch bệnh.
Các nhà khoa học nhận định với kết quả nghiên cứu trên, đây là lần đầu tiên giới chuyên gia phát hiện phản ứng trung hòa chéo ở người. Điều này tạo bàn đạp để tiến tới giải pháp hiệu quả hơn, chống lại các loại virus corona khác.
Vì vậy, các chuyên gia hy vọng dựa trên kết quả nghiên cứu này sẽ tạo ra bước đột phá trong việc tạo ra loại vắc xin ngừa COVID-19 hiệu quả hơn. Loại vắc xin mới được kỳ vọng sẽ có thể ngừa được các virus corona khác nhau và kháng thể trung hòa trị bệnh.
Mời độc giả xem video: Bộ Y tế lập thêm 3 trung tâm hồi sức Covid-19 tại TP.HCM | Tin tức 24h. Nguồn: ANTV.