Hôm 18/11, một vài quả tên lửa bắn từ hệ thống của quân ly khai đã trúng vào một tòa nhà chung cư tại thị trấn Toshkovka, miền đông Ukraine. Đó là một vụ pháo kích nữa, điều xảy ra gần như mọi ngày tại đây, khi mà cả 2 phe trong cuộc nội chiến tại Ukraine đều dựa vào vũ khí hạng nặng để thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho họ.
Nhưng lại không có người lính nào bị thương trong cuộc pháo kích này. Thay vào đó, 3 thường dân đã thiệt mạng và 4 người khác, bao gồm 2 trẻ em, bị thương. Cuộc pháo kích diễn ra ở cách tiền tuyến 4 dặm, sau khi quân ly khai thân Nga đẩy lùi quân đội Ukraine trong một cuộc phản công lớn hồi tháng 8.
Phe ly khai giờ đã kiểm soát một vùng lãnh thổ trải dài 200 dặm từ Biển Đen cho đến biên giới với Nga. Trong đó có các thành phố Donetsk và Lugansk, 2 trong 3 thành phố lớn nhất miền đông Ukraine. Thế nhưng tình hình vẫn còn rất bấp bênh cho phe ly khai hình thành một quốc gia độc lập trong lòng Ukraine.
Quân lính Ukraine tại nơi quân ly khai tấn công bằng súng cối gần Slavyansk, Ukraine. |
Hiện Quân đội Ukraine đang nắm giữ những giao lộ quan trọng tại trung tâm lãnh thổ của phe ly khai. Họ cũng đang kiểm soát sân bay Donetsk, một cơ sở thiết yếu nếu phe ly khai muốn tồn tại ngoài sự kiểm soát của Kiev. Một vài thỏa thuận ngừng bắn đã không thể khiến cuộc chiến này dừng lại.
Tuy nhiên, cuộc chiến giờ đây đã có diện mạo hoàn toàn khác so với vài tháng trước. Các cuộc giao tranh đang ổn định dọc theo một mặt trận đơn nhất, với ít sự tiến công và rút lui, điều thường xảy ra vào hồi mùa hè.
Đối với Ukraine, nhiều vũ khí với chất lượng tốt hơn đã được sử dụng. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Kiev được kế thừa một lực lượng quân đội quá lớn và quá phức tạp đối với một nước nghèo không có bất cứ mối đe dọa rõ ràng nào. Cho đến thời điểm các nhà lãnh đạo nước này bắt đầu cải cách kết cấu quân đội thì cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra. Điều này khiến cho ngân sách quốc phòng gần như phá sản.
Pháo của quân đội Ukraine bắn vào vị trí của phe ly khai. |
Và câu hỏi giờ đây là liệu phe ly khai bị áp đảo về quân số nhưng lại được trang bị vũ khí tối tân có đủ sức đẩy lùi Quân đội Ukraine mà không cần đến sự trợ giúp toàn diện của nước Nga? Nếu câu trả lời là không, kết quả sẽ là rất bế tắc.
Nhưng các chính khách Ukraine cũng nên lo ngại việc phe ly khai thân Nga đang có được những vũ khí ngày càng mạnh mẽ hơn – cụ thể là xe tăng và pháo – có thể giúp họ thực hiện một cuộc tấn công nữa.
Ukraine vẫn chưa sẵn sàng
Quân đội Ukraine đông đảo và thiện chiến hơn so với nhóm ly khai. Kiev đang có hơn 41.000 quân, với vài ngàn người nữa đăng kí tham gia dân quân tự nguyện. Còn con số này ở phe ly khai là chưa rõ, nhưng nằm trong khoảng 10.000 - 20.000.
Nhưng Quân đội Ukraine lại có sự tổ chức yếu kém đến trầm trọng, điều này là lý do vì sao đến bây giờ nó vẫn chưa đánh bại được phe ly khai.
Biểu ngữ của phe ly khai ở Donetsk. |
Trong phần lớn thời kì hậu Liên Xô, Quân đội Ukraine giống như một cái bãi phế thải hơn là một quân đội đích thực. Hàng ngàn xe tăng và xe bọc thép, cùng với hàng trăm máy bay, bị bỏ không. Quân đội được tài trợ một phần qua quỹ đặc biệt của chính phủ, quỹ này lấy tiền từ việc bán vũ khí và cơ sở hạ tầng quân sự mà Ukraine sở hữu. Nhà phân tích quân sự Vyacheslav Tseluyko từng viết: “Lực lượng Vũ trang Ukraine đang ở trong tình trạng đình trệ, không hề có một lý do nào để tồn tại”.
Đến năm 2000, binh lính có mức lương thấp và ít được huấn luyện đã chiếm 90% sức mạnh quân sự. Rất ít trong số hàng trăm máy bay có thể hoạt động. Phần lớn quân đội được đặt ở phía tây gần biên giới với NATO – một liên minh mà Kiev muốn gia nhập.
Tất cả những điều này được hi vọng là sẽ thay đổi vào năm 2008. Một chính quyền thân NATO lên nắm quyền năm 2007 với chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng, được chia thành nhiều phần như một sự phản ứng với cuộc chiến giữa Nga và Gruzia. Ngân sách quốc phòng của Kiev được tăng thêm 1/3, với quỹ đặc biệt sẽ chi trả phần lớn tổng số tiền này. Nếu kế hoạch được thực hiện, Quân đội Ukraine sẽ chuyên nghiệp hơn, mua sắm trang thiết bị hiện đại và chuyển căn cứ về phía đông thay vì hướng về phía tây để đối đầu với NATO.
Nhưng nó lại diễn ra vào thời điểm tệ nhất. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 quét qua Ukraine, khiến tất cả kế hoạch bị chệch hướng. Quân đội phải vật lộn mới có thể chi trả các chi phí thông thường.
Thay vì tăng lên 1/3, ngân sách quốc phòng bị cắt bớt đi đúng bằng con số đó. Binh lính phải ăn những suất ăn ngoài chiến trường vì đã không còn tiền để chi trả cho các nhà thầu làm việc trong nhà bếp quân đội.Các hoạt động diễn tập giảm đến tối thiểu.
Quân đội Ukraine đã phần nào hồi phục trước khi phải bắt đầu cuộc chiến với phe ly khai. Nó không còn là gánh nặng nữa, nhưng quân đội vẫn còn quá lớn, với nhiều vị trí nhân sự bị thừa thãi. Còn các binh lính, thủy thủ và phi công cũng nhận thấy kĩ năng của họ đã bị thui chột.
Hé lộ kho vũ khí khủng của ly khai
Khi cuộc xung đột mới diễn ra, phần lớn vũ khí của quân ly khai là những trang thiết bị hay vũ khí bị thu giữ và được mua ở thị trường dân sự, theo ARES, một công ty tư vấn chuyên lần theo các vũ khí sử dụng trong chiến tranh vũ trang.
Cả 2 phe đều đang phần lớn sử dụng những vũ khí hạng nhẹ từ thời Liên Xô. Bao gồm các phiên bản của súng trường Kalashnikov cổ điển và súng máy hạng nhẹ RPK. Một vài tay súng ly khai còn liều mình sử dụng súng trường Mosin-Nagant từ thời Thế chiến II. Họ cũng có thể tự sản xuất súng bán tự động.
Với nhiều loại vũ khí cũ hơn, có nhiều mức độ tùy biến. Các loại vũ khí dân dụng – mua ở các cửa hàng súng và qua mạng Internet – đều rất phổ biến với binh lính 2 bên. Các phụ kiện đi cùng bao gồm ống ngắm tùy chỉnh, bộ giảm thanh, các phụ kiện trang trí và được đánh giá là “phản ánh một xu hướng thời trang thế giới được dẫn dắt bởi nền công nghiệp vũ khí phương Tây”, theo ARES.
Xe bọc thép đổ bộ của phe ly khai gần Schastia bị Quân đội Ukraine bắt giữ. |
Nhiều bộ phận được tìm kiếm bất chấp sự lạ lùng đối với chúng của những người lính. Một binh sĩ Ukraine sử dụng khẩu súng trường lắp thêm ống ngắm đắt tiền làm tại Thụy Điển, nhưng lại lắp ngược ở phần đầu, khiến cho chiếc ống ngắm trở nên vô dụng trên thực tiễn.
Nhưng như báo cáo từ ARES giải thích, đó chỉ là một phần. Một binh sĩ Ukraine khác chiến đấu ở miền đông sở hữu ống ngắm Zombie Stopper giá 589USD.
Đối lập với những khẩu súng hoen gỉ, lâu đời và đầy tùy biến ở miền đông Ukraine là thiết bị quân sự của binh sĩ Nga.
Khi lính Nga đáp trực thăng xuống Crimea hồi tháng 2, họ mặc đồng phục ngụy trang kiểu mới và sử dụng súng trường đời mới AK-74M làm bằng polymer màu đen, loại súng chỉ độc quyền của Nga. Và ngay lập tức những người lính này được nhận diện là Quân đội Nga.
Tìm kiếm chứng cứ cho việc Nga cung cấp vũ khí ở miền đông Ukraine không dễ dàng như ở Crimea. Khi Quân đội Ukraine tiến công đến các thành phố do quân ly khai kiểm soát, phe ly khai bắt đầu tấn công bằng những vũ khí hiện đại chỉ được sử dụng bởi quân đội Nga và một vài nước khác, nhưng không phải Ukraine.
Những vũ khí này bao gồm súng bắn tỉa VSS và súng máy PKP, những loại súng mà Quân đội Ukraine không có. Phe ly khai còn sử dụng cả súng không giật ASVK, thiết kế để bắn đạn hạng nặng vào xe tăng và các tòa nhà. Quân đội Nga bắt đầu sử dụng loại súng này từ năm 2012 và là quân đội duy nhất được biết sử dụng nó.
Máy bay trực thăng MI-24 của Quân đội Ukraine. |
Phe ly khai cũng sở hữu rất nhiều xe tăng và hiện vẫn chưa rõ con số chính xác. Nhưng phần lớn là loại xe T-64, vài tá chiếc T-72B3 được Nga sản xuất nhưng không xuất khẩu, cho đến thời điểm này.
Những loại xe tăng này được sản xuất năm 2013 và có ống ngắm tầm nhiệt cùng hệ thống máy tính kiểm soát. Quân đội Ukraine cũng có vài trăm chiếc T-72 cũ hơn trong kho, nhưng chúng không được hiện đại như thế này.
Tuy nhiên phía Ukraine lại là phe sử dụng nhiều xe tăng hạng nặng hơn, theo thông tin từ ARES. Vấn đề là quân đội Ukraine có lợi thế về xe bọc thép – phần lớn là trên xe tăng T-64 – không đáng kể nếu xét tới lượng vũ khí chống tăng hạng nhẹ mà phe ly khai sở hữu.
Tiểu đoàn Donbass của quân đội Ukraine |
Cùng với các tên lửa chống tăng thu giữ được, phe ly khai giờ đã có thêm tên lửa 9K135 Kornet hiện đại. Những tên lửa làm từ Nga này nằm trong số những vũ khí chống tăng nguy hiểm nhất. Tuy nhiên, phe Ukraine lại không có thứ vũ khí này.
Phe ly khai cũng có nhiều các loại tên lửa chống tăng bắn trên vai. Chúng hiện đại hơn nhiều so với các loại tên lửa làm từ thời Liên Xô tại Trung Đông. Trong kho vũ khí của phe ly khai có RPG-18 – một loại vũ khí nưa mà quân đội Ukraine không sở hữu. Ngoài ra phe ly khai còn có bệ phóng vũ khí nhiệt áp RPO-A và MRO-A, cũng nằm ngoài danh sách sở hữu của quân đội Ukraine.