Ảnh vợ chồng cố Thủ tướng Chu Ân Lai. |
Chu Ân Lai là một nhà cách mạng toàn tâm, ông cũng nổi tiếng về tinh thần lao động không mệt mỏi và đạo đức. Ông chính là vị “Thủ tướng kính yêu” của nhân dân Trung Quốc. Nỗi buồn sâu kín trong đời của Chu Ân Lai là không có con. Ông đã mất đi hai người con đẻ mà ông không có cơ hội một lần gặp mặt. Sau này vợ chồng ông đã dành tình thương vô bờ của mình cho những đứa trẻ mồ côi, đặc biệt là con của các chiến sĩ cách mạng đã hi sinh.
Tháng 8 năm 1925, Đặng Dĩnh Siêu (vợ của Chu Ân Lai) lãnh đạo phong trào công nhân Thiên Tân đã bị chính quyền Bắc Dương truy nã. Tổ chức Đảng vội vã sắp xếp cho cô ra Quảng Châu để đảm bảo an toàn. Ngày 8/8/1925, Đặng Dĩnh Siêu 21 tuổi và Chu Ân Lai 27 tuổi đã tổ chức hôn lễ. Tháng 10/1925 Chu Ân Lai dẫn học viên trường quân sự Hoàng Phố đến Sán Đầu chiến đấu. Lúc này Đặng Dĩnh Siêu biết mình mang bầu. Vì thời điểm đó, Chu Ân Lai vô cùng bận rộn, cô lại cảm thấy còn quá trẻ cần phải tập trung cho công việc nhất là phải lo cho cách mạng nên đã nghĩ đến việc bỏ đứa bé đi. Mẹ của Đặng Dĩnh Siêu vốn là bác sĩ đông y nên giúp con gái mua thuốc sảy thai. Đây là đứa con đầu tiên mà Chu Ân Lai không có cơ hội gặp mặt.
Lúc này Chu Ân Lai không ở Quảng Đông nên không biết chuyện này. Sau khi trở về biết chuyện, ông đã rất tức giận và nói rằng: “Tại sao lại tự ý bỏ đứa con đi, em không có quyền làm việc đó, đấy là đứa con của hai chúng ta, hơn nữa em cũng không thể so sánh việc sinh con với việc làm cách mạng được. Việc chúng ta sinh con cũng là để tiếp nối lớp cách mạng tại sao lại tự ý làm như thế?”. Nhưng việc cũng đã xảy ra rồi, vợ chồng Chu Ân Lai đành chỉ biết chờ đợi đứa con thứ hai. Lúc đó, Đặng Dĩnh Siêu mới chỉ có 21 tuổi nên cơ hội để sinh nở cũng còn rất nhiều.
Cuối năm 1926, Đặng Dĩnh Siêu lại phát hiện mình có mang, lần này bà đã chọn và đặt việc làm mẹ lên hàng đầu và muốn thỏa mãn ước mơ của Chu Ân Lai. Bà cảm thấy trách nhiệm cao cả và nhất định phải bảo vệ đứa con này nên rất chú ý ăn uống và giữ gìn sức khỏe. Mùa đông năm đó, Chu Ân Lai trở về từ Thượng Hải. Tháng 3/1927, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang công nhân lần thứ 3 tại Thượng Hải. Lại một lần nữa hai người xa nhau vào đúng lúc Đặng Dĩnh Siêu mang thai. Tháng 4 năm 1927, Dĩnh Siêu vào bệnh viện phụ sản ở Quảng Châu sinh con, bác sĩ thông báo thai nhi phát triển bình thường, chỉ là cân nặng vượt tiêu chuẩn.
Vì đứa trẻ quá lớn, sau 3 ngày 3 đêm không sinh được, kĩ thuật lúc bấy giờ cũng không hiện đại như bây giờ. Cuối cùng, Đặng Dĩnh Siêu phải nhờ bác sĩ thực hiện phương pháp móc xép để trợ sinh, nhưng vì đứa bé cân nặng quá lớn (hơn 4,5kg) so với thời kỳ đó nên đáng tiếc bé trai sinh ra đã không qua được. Trong khi đang nằn viện thì Đặng Dĩnh Siêu được báo phải rời Quảng Đông ngay, người của Quốc dân Đảng đang bắt cộng sản. Tổ chức yêu cầu bà phải tìm cách đến ngay Thượng Hải. Tình hình vô cùng cấp bách, chỉ có thể nhờ bác sĩ đỡ đẻ giúp đỡ. Vị bác sĩ này đã khóa hai mẹ họ vào cái kho ở sau viện. Ngay sau đó người của Quốc dân Đảng ập vào tra soát và tìm kiếm Đặng Dĩnh Siêu. Viện trưởng nói ở đây có một sản phụ họ Đặng sinh con nhưng đứa bé không may qua đời, sản phụ đã ra viện. Bọn họ lục lọi hồi lâu không thấy gì thì bỏ đi.
Bệnh viện cứ mỗi tuần đều có một chuyến thuyền máy nhỏ đi Hồng Kông mua thuốc. Bác sĩ sắp xếp cho Đặng Dĩnh Siêu đóng giả thành y tá, mẹ cô cải trang thành tạp dịch theo thuyền đến Hồng Kông. Sau khi đến được Hồng Kông hai mẹ con lại tiếp tục đi tàu đến Thượng Hải. Một sản phụ vừa trải qua một kỳ sinh nở đau đớn cả về thể xác và tinh thần nên sức khỏe vô cùng tồi tệ.
Đến Thượng Hải, sau khi vào khách sạn, họ đã đăng báo tìm Ngũ Hào, bút danh của Chu Ân Lai. Khi đọc được tin, Chu Ân Lai vội vã cho người đến khách sạn đón hai mẹ con họ đến phòng châm cứu của một người Nhật Bản. Bác sĩ sau khi khám xong thì kết luận, do Dĩnh Siêu sinh con không được nghỉ ngơi lại trải qua một chặng đường chòng chành lắc lư, thêm việc sinh khó ra nhiều máu mà không được điều trị nên tử cung đã không thể phục hồi, sau này khó mà có khả năng sinh nở. Thế là Chu Ân Lai lại mất đi đứa con thứ hai.
Không có con chính là sự nuối tiếc và ân hận lớn nhất đời vợ chồng Chu Ân Lai. Sau hai lần sinh nở không thành, Đặng Dĩnh Siêu cũng đã từng giấu tên đi khám chuyên gia sản khoa nổi tiếng Lâm Xảo Trĩ nhưng vòi trứng đã tắc và tuổi đã 45 nên Đặng Dĩnh Siêu đành chấp nhận số phận. Sau này mọi tình yêu thương vợ chồng Chu Ân Lai đều dành cho những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương, đặc biệt là con của các chiến sĩ cách mạng, trong đó có Thủ tướng nổi tiếng Lý Bằng cũng chính là con nuôi của họ.