Việt Nam “gia công” vắc xin Sputnik, doanh nghiệp có cơ hội vượt bão?
(Kiến Thức) - Việc Vabiotech được phía Nga tin tưởng đảm trách một phần trong dây chuyền sản xuất vắc xin Sputnik V mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt ổn định sản xuất và phát triển.
Nga chuyển giao công nghệ vắc xin Sputnik cho Việt Nam
Mới đây, ông Đỗ Tuấn Đạt - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) cho biết, công ty đã được phía Nga tin tưởng đảm trách một phần trong dây chuyền sản xuất vắc xin Sputnik V.
|
Vabiotech đã được phía Nga tin tưởng đảm trách một phần trong dây chuyền sản xuất vắc xin Sputnik V. |
Hiện tại, Công ty JSC Generium của Nga đang thẩm định dây chuyền sản xuất của công ty tại Hà Nội. Dự kiến, quá trình này hoàn tất trong tháng 6. Từ tháng 7, công ty sẽ bắt đầu phụ trách gia công, đóng ống, đóng gói bao bì vaccine Sputnik V.
Dự kiến, Công ty Vabiotech sẽ gia công 5 triệu liều vắc xin Sputnik V.
Đây được xem là tiền đề quan trọng để Nga có thể chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất vắc xin Sputnik V cho Việt Nam trong thời gian tới.
Doanh nghiệp dễ dàng mua, tiêm cho người lao động?
Tuy nhiên, Vabiotech chỉ đảm trách phần gia công nên toàn bộ số vaccine thành phẩm sẽ do phía Nga quyết định xem có được giữ lại Việt Nam một phần hay chuyển toàn bộ về quốc gia này để họ phân phối. Hiện hai bên vẫn chưa có thỏa thuận chính thức.
Ngày 2/6, Bộ Y tế cho biết phía Nga đã đồng ý cung ứng cho Việt Nam 20 triệu liều vắc xin trong năm 2021.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Đây là một kết quả tích cực cho quá trình đàm phán liên tục, không ngừng của Bộ Y tế để có vắc xin".
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ và đề nghị các doanh nghiệp, tập đoàn tiếp tục trao đổi, hợp tác chặt chẽ với phía Nga trong chuyển giao công nghệ để có thể thiết lập nhà máy sản xuất vắc xin công suất lớn tại Việt Nam nhằm đảm bảo thị trường trong nước cũng như hướng đến xuất khẩu trong tương lai.
Trên thị trường thế giới, vắc xin Sputnik V hai liều có giá dưới 10 USD/liều (chưa đến 230.000 đồng/liều). Theo đó, nếu nhà máy sản xuất vắc xin công suất lớn có thể thiết lập tại Việt Nam thì nhiều khả năng giá vắc xin Sputnik V tại nước ta sẽ thấp hơn. Điều này cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội mua vắc xin tiêm cho người lao động.
Có thần dược trị COVID-19, doanh nghiệp vượt bão thành công?
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh và sản xuất của các doanh nghiệp. Một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14-21 ngày thì coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp cũng sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, lao động mất việc không còn thu nhập.
|
Hàng không, du lịch có nhiều cơ hội phát triển khi hết dịch. Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh đó, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho người lao động để họ ổn định, duy trì sản xuất đã trở thành yếu tố then chốt để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho sản xuất.
Nếu như có được 90 triệu liều vaccine COVID-19 và nhanh chóng triển khai tiêm cho người dân, thì Việt Nam sẽ sớm kiểm soát dịch. Kinh tế đất nước sẽ khởi sắc khi kiểm soát được dịch. Kinh tế khởi sắc thì doanh nghiệp có lợi.
Việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 rộng rãi cho phép các doanh nghiệp hoạt động bình thường trở lại. Thậm chí, nhiều ngành như hàng không, du lịch còn có cơ hội tăng trưởng vượt bậc khi nhu cầu tăng đột biến.
Trước đó, ngay từ tháng 5/2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả nguồn vắc xin phòng Covid-19, mục tiêu sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Bên cạnh nguồn vắc xin của Nga, Bộ đã nỗ lực đàm phán với các nguồn vắc xin khác như COVAX; Astrazeneca; Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson…
38,9 triệu liều vắc xin Astrazeneca qua nguồn COVAX được đàm phán thành công và đang dần được chuyển về Việt Nam. Bộ Y tế cũng đăng ký với COVAX để mua thêm vắc xin theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí.
Bên cạnh đó, Việt Nam đàm phán thành công và ký kết với Pfizer/BioNTech về việc cung ứng 31 triệu liều vắc xin Covid-19. Tháng 11/2020, nước ta cũng đàm phán và ký kết với Astrazeneca khoảng 30 triệu liều.
*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị định 84/NQ-Cp ngày 29/5/2020 của Chính phủ.