Xem toàn bộ ảnh
Theo quan chức của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, Việt Nam mới đây đã bày tỏ sự quan tâm tới việc mua sắm xe bọc thép hiện đại nhằm thay thế cho họ xe tăng PT-76B và xe bọc thép lội nước BTR-60PB trong lực lượng hải quân đánh bộ. Đây là thông tin rất vui vì PT-76B đã khá lạc hậu trên thế giới, khó lòng gây tổn hại được tới các phương tiện chiến tranh hiện đại, trong khi lại dễ bị hư hại. |
TASS cho biết, phía Nga đã đưa ra hai ứng viên gồm: Xe chiến đấu bộ binh BMP-3F và xe tăng 2S25 Sprut-SD. Nguồn tin cho biết, Việt Nam có thể chọn một trong hai hoặc cả hai. Dẫu vậy, dù chọn phương án nào đi nữa thì 2S25 Sprut-SD và BMP-3F đều là những cỗ máy chiến tranh hiện đại, có sức chiến đấu khủng khiếp. Trước hết hãy cùng tìm hiểu về xe tăng lội nước 2S25 Sprut-SD. |
2S25 Sprut-SD được nhà máy Volgograd thiết kế trong giai đoạn từ 1984-2001, chính thức phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga từ năm 2005 đến nay. Nó được thiết kế theo yêu cầu của lực lượng đổ bộ đường không Nga (VDV) - hay chính là lính dù Nga. Tuy nhiên, nó được đánh giá là đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của lực lượng lục quân hay hải quân đánh bộ. |
Có một điểm đáng lưu tâm, 2S25 Sprut-SD được phân hạng là pháo tự hành diệt tăng, tuy nhiên các tính năng của nó giống với một xe tăng bơi hơn. Thực tế, Volgograd cũng chỉ định 2S25 Sprut-SD cho vai trò chống tăng, tiêu diệt bộ binh, công phá công sự phòng ngự yểm trợ trong các chiến dịch đổ bộ đường không và đổ bộ đường biển. Nó có sức mạnh của một xe tăng chiến đấu chủ lực, tính cơ động và khả năng bơi lội của xe tăng bơi hoặc xe chiến đấu bộ binh. |
Xét về các tính năng của 2S25 Sprut-SD so với PT-76B, trước hết về tính cơ động, tuy nặng tới 18 tấn (hơn 14,6 tấn của PT-76B) nhưng 2S25 bơi ngang ngửa 10km/h với động cơ waterjet. |
2S25 trang bị động cơ diesel làm mát bằng nước 510 mã lực cho tốc độ tối đa lên tới 70km/h với đường nhựa (của PT-76B chỉ là 44km/h), tốc độ việt dã địa hình 45km/h. |
Đương nhiên, ngoài sông hồ thì 2S25 hoàn toàn có khả năng tác chiến trên mặt biển, giới hạn là trong điều kiện sóng gió cấp 3. |
Đặc biệt, hệ thống treo hiện đại cho phép 2S25 có khả năng thay đổi độ cao khung gầm tùy ý (từ 190-590mm). Rất phù hợp để ngụy trang dưới các công sự khi cần. |
Về mặt hỏa lực, trong khi PT-76B chỉ được trang bị cỡ pháo nhỏ 76,2mm được đánh giá là vô tác dụng với xe tăng, xe bọc thép hiện đại, thì 2S25 Sprut-SD vũ trang khẩu pháo lớn nòng trơn 2A75 125mm – sức mạnh tương đương khẩu 2A46M trên dòng xe tăng T-72/80/90. |
Khẩu 2A75 125mm tích hợp cả hệ thống nạp đạn tự động đảm bảo tốc độ bắn tối đa lên tới 6-8 phát/phút với đạn thông thường và cả đạn tên lửa chống tăng. |
Tầm bắn sử dụng đạn xuyên giáp APFSDS (có thể tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép hiện đại) lên tới 2.000m, với đạn nổ phá mảnh lên tới 12,2km. |
Pháo có thể bắn tên lửa chống tăng 9M119 Svir qua nòng, tầm bắn lên tới 4-5km, dùng hệ thống dẫn hướng bán tự động laser. |
2S25 được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực hiện đại cho phép khai hỏa trong khi hành tiến trên mặt biển, mặt đất. Hệ thống này được trang bị laser đo xa và máy tính đường đạn cung cấp dữ liệu về mục tiêu cùng bộ ổn định hai trục. |
Về giáp bảo vệ, trong khi giáp thép trên PT-76 chỉ chịu được đạn xuyên cỡ 7,62mm bắn từ khoảng cách 30m, khó có thể chống được đạn xuyên giáp cỡ 20-30mm. Trong khi đó xe tăng 2S25 trang bị hệ thống bảo vệ kết hợp giữa hợp kim nhôm với tấm giáp composite tăng đáng kể khả năng chống đạn. Giáp trước vát nghiêng có thể chống chịu đạn pháo 23mm cách 500m. |