Hiện nay trong tác chiến biển xa, đặc biệt là tấn công kẻ địch ở ngoài tầm phát hiện của radar tìm kiếm của tàu mặt nước, Hải quân phát triển thường sử dụng máy bay trinh sát cảnh báo sớm để tìm kiếm và phát hiện sớm mục tiêu đối phương, từ đó chỉ thị cho tàu chiến quân ta tấn công bằng hỏa lực một cách vô cùng hiệu quả, có thể phát huy hết tầm bắn của các loại vũ khí sát thương. Dù vậy, quân đội ta hiện nay lại chưa hề được trang bị loại máy bay chuyên dụng này. Ảnh: Biên đội tàu hộ vệ tên lửa và tàu tên lửa tấn công nhanh Hải quân Việt Nam tác chiến trên biển. |
Do đó, kể từ năm 2012, Viện Kỹ thuật Hải quân đã xây dựng được hệ thống chỉ thị mục tiêu cơ động cho tên lửa đối hải từ tàu chiến của Hải quân ta công kích tàu mặt nước kẻ thù một cách hiệu quả. Đây là một bước phát triển quan trọng giúp vươn xa tầm quan sát cũng như tầm bắn của lực lượng tác chiến ta trên biển. Ảnh: Biên đội tàu chiến Việt Nam thực hành huấn luyện dàn hàng ngang sẵn sàng công kích. |
Hệ thống được lắp đặt trên các tàu cảnh giới, trinh sát trên biển của lực lượng ta, có thể nhận nhiệm vụ chỉ thị mục tiêu, tính toán tự động các tham số bắn cho tên lửa đối hải và truyền về cho chỉ huy sở. Theo đánh giá, hệ thống hoạt động đáng tin cậy, đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ thuật, chiến thuật đặt ra, góp phần nâng cao đáng kể tính năng và hiệu quả chiến đấu cho tàu tên lửa. Ảnh: Tàu trinh sát 500CV của Cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB 6008 - Nguồn: VOV |
Chức năng của nó khi được trang bị trên các tàu trinh sát của quân ta là trinh sát phát hiện sớm mục tiêu, tính toán tọa độ và tham số, nhanh chóng truyền thông tin về cho chỉ huy sở, các lực lượng tên lửa bờ, tàu mặt nước, máy bay chiến đấu,… và chỉ thị mục tiêu cho quân ta tấn công bất ngờ đối phương khi tàu địch nằm ngoài tầm phát hiện của radar tìm kiếm, đảm bảo chính xác và phát huy tầm bắn tối đa của tên lửa chống hạm. Ảnh: Tàu trinh sát hiện đại của Cảnh sát biển Việt Nam. |
Quân đội nhiều nước phát triển trên thế giới đều phát triển những hệ thống chỉ thị mục tiêu hiện đại. Ví dụ Quân đội Nga đã sản xuất và sử dụng trực thăng Kamov Ka-32 có chức năng chỉ thị mục tiêu, hay lắp đặt hệ thống chỉ thị mục tiêu trên máy bay cảnh báo sớm,v.v… Tuy nhiên, nhìn chung, giá thành của những hệ thống này là vô cùng đắt đỏ, có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Ảnh: Máy bay C-295 AEW - phiên bản máy bay cảnh báo sớm của vận tải cơ C-295 đang được sử dụng trong Không quân Việt Nam. |
Có thể thấy rằng, các nhà khoa học của Viện Kỹ thuật Hải quân đã nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa,.. để thiết kế, xây dựng hệ thống chỉ thị mục tiêu từ biên ngoài trang bị, lắp đặt trên tàu cảnh giới/trinh sát cơ động trên biển. Nó đã được lắp đặt, thử nghiệm thành công và bàn giao cho các đơn vị phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Biên đội tàu tên lửa tấn công nhanh 12418 Molniya và tàu hộ tống TT-400TP hành tiến trên biển. |
Cùng với các hệ thống cảnh báo/chỉ thị mục tiêu hiện có, việc đưa vào sử dụng hệ thống mới này sẽ góp phần nâng cao hơn nữa khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như tính hiệu quả trong tác chiến đối hải của Hải quân nhân dân Việt Nam đối với các mục tiêu nằm xa ngoài tầm radar phát hiện. Ảnh: Huấn luyện tác chiến mô phỏng tàu chiến Gepard 3.9 tại Học viện Hải quân. |
Trước đó, các tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 Việt Nam cũng đã được trang bị máy bay trực thăng Kamov Ka-28. Trực thăng ngoài nhiệm vụ săn ngầm chuyên dụng còn có thể sử dụng làm máy bay trinh sát phát hiện sớm mục tiêu để thông tin cho tàu chiến của ta hiệu quả. Dù vậy, với tầm hoạt động của trực thăng không thể có được khả năng thực hiện hiệm vụ xa và lâu dài như trên máy bay cảnh báo sớm cánh cố định. |
Nhưng việc kết hợp cả nhiều phương pháp trinh sát/cảnh báo phát hiện sớm và chỉ thị mục tiêu trên biển sẽ giúp nâng cao hơn nữa tỉ lệ thành công trong phát bắn cũng như tầm bao phủ rộng lớn trên biển. Khi mà lực lượng tàu chiến mặt nước trang bị tên lửa chống hạm của ta còn hạn chế, chưa thể hoạt động rộng khắp thì sự có mặt của các tàu cảnh giới/trinh sát là một điều vô cùng quý giá hỗ trợ hơn nữa cho lực lượng ta tác chiến đạt hiệu quả cao. Ảnh: Trực thăng Ka-28 trên tàu Gepard 3.9 trong một cuộc diễn tập Hải quân Quốc tế. |
Phải nói rằng, bằng trí sáng tạo cũng như tinh thần nhiệt huyết với Quân đội, hệ thống chỉ thị mục tiêu của Viện Kỹ thuật Hải quân là một loại phương tiện hỗ trợ vô cùng đắc lực cho Quân đội ta, giải quyết hiệu quả những khó khăn trước mắt về việc thiếu thốn trang bị kỹ thuật, lại đảm bảo về giá thành sản xuất, tự chủ được thiết kế cũng như giữ bí mật tuyệt đối với thông số của khí tài. Ảnh: Tàu tên lửa 12418 Molniya thực hành công kích tên lửa trên biển. |
Dẫu vậy, trong tương lai, Việt Nam vẫn thực sự cần một loại máy bay cảnh báo sớm để chỉ thị mục tiêu trên biển. Bởi việc trang bị cho tàu mặt nước có tốc độ di chuyển chậm hơn máy bay rất nhiều, hơn nữa tầm quan sát bao quát không thể bằng máy bay cảnh báo sớm chuyên dụng. Khả năng bị đối phương tấn công cũng khó hơn khi dùng máy bay bởi tàu trinh sát rất dễ bị tổn thương trước hỏa lực kẻ thù nếu bị lộ nhiệm vụ. Ảnh: Máy bay cảnh báo sớm đa năng A-50U của Không quân Nga. |
Hi vọng không xa nữa, chúng ta sẽ có máy bay cảnh báo sớm thực thụ, để kết hợp cùng lực lượng cảnh báo trên biển, tạo thành thế trận liên hoàn, rộng khắp, bao quát một khu vực rộng lớn trong toàn bộ lãnh hải để Tổ quốc không bị động, bất ngờ từ phía biển. Nâng cao hơn nữa sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta. Ảnh: Tàu hộ vệ tên lửa Hải quân Việt Nam tham gia lễ duyệt binh Hải quân Quốc tế tại LB Nga. |
Video Hải quân Việt Nam làm chủ tàu chiến hiện đại Gepard, Molniya - Nguồn: QPVN