Theo Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam (CAAV), CTCP Hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) đã đề xuất thành lập công ty cung cấp dịch vụ mặt đất để cung cấp dịch vụ cho chính VJC tại Sân bay quốc tế Nội Bài và sân bay quốc tế Cam Ranh từ năm 2020.
Vietjet Air |
Tuy nhiên, đề xuất này đã đối mặt với sự không đồng thuận từ các công ty cung cấp dịch vụ mặt đất hiện tại tại các sân bay này bởi Vietjet hiện đang là một khách hàng lớn.
Các công ty dịch vụ mặt đất này là CTCP Phục vụ Mặt đất Hà Nội (HGS) tại sây bay Nội Bài và CTCP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS, mã chứng khoán SGN) tại sân bay Cam Ranh.
Trong báo cáo nộp cho CAAV, hai công ty này cho biết, Vietjet chiếm lần lượt 62% và 70% tổng lưu lượng phục vụ tại sân bay Nội Bài và sân bay Cam Ranh của công ty trong 6 tháng 2019.
Theo đó, CAAV cần ý kiến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho đề xuất này.
Nếu đề xuất của Vietjet được Bộ GTVT thông qua, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng diễn biến này sẽ giúp Vietjet hưởng lợi. Bởi khi thành lập công ty dịch vụ mặt đất sẽ giúp Vietjet giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động cho hãng hàng không này.
Tuy nhiên, việc phê duyệt thành lập công ty dịch vụ mặt đất mới sẽ khiến cuộc cạnh tranh càng trở nên gay gắt tại sân bay Nội Bài và Cam Ranh và ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty hiện đang cung cấp dịch vụ mặt đất tại 2 sân bay này.
Hiện tại có 2 công ty cung cấp dịch vụ mặt đất tại sân bay quốc tế Nội Bài là Phục vụ Mặt đất Hà Nội và Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS).
Còn tại sân bay Cam Ranh, hiện có 2 công ty cung cấp dịch vụ này là Phục vụ Mặt đất Sài Gòn và Công ty TNHH Dịch vụ Mặt đất hàng không (AGS).
Trong khi đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) là một trong những công ty lớn trong ngành này khi sở hữu 48% cổ phần tại SGN và 20% cổ phần tại HGS.
Tuy nhiên, Chứng khoán Bản Việt cho rằng tác động đối với ACV sẽ là không đáng kể khi SGN và HGS chỉ đóng góp khoảng 2,4% lợi nhuận cho ACV trong 6 tháng 2019.