Liên quan đến hàng loạt sai phạm khi thực hiện các dự án tại ven hồ Đại Lải (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) do Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT chỉ ra, mới đây tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định đính chính số liệu cấp sai thông số tại dự án của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam.
Được biết, quyết định đính chính trên đưa ra căn cứ theo đề nghị của Sở Xây dựng và biên bản làm việc giữa UBND tỉnh với các Sở Xây dựng và Sở NN&PTNT ngày 4/8/2020.
Quyết định nêu rõ: “Đính chính thông số thiết kế cao độ san nền trong quyết định số 41/QĐ-UBND ngày 5/1/2017 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải tại xã Ngọc Thanh”.
Dự án của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện theo quyết định 41. |
Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc đính chính về hạng mục san nền, thiết kế san nền của dự án từ 17,65m (trong quyết định 41) thành 21,5m tại khu vực phía Tây, giáp hồ Đại Lải.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang ký ngày 5/8 thừa nhận “do sơ xuất trong quá trình thẩm định và soạn thảo văn bản nên cơ quan thẩm định đã trình vị trí có cốt san nền 17,65m”.
Quyết định đính chính nêu: Trong hồ sơ quy hoạch đã được duyệt tại quyết định số 41 của tỉnh có duy nhất một điểm khống chế tại khu đất có ký hiệu OBT57 thể hiện cao độ san nền thấp nhất 17,65m.
Tuy nhiên, theo quy hoạch chi tiết 1/2000 (năm 2010) và quy hoạch 1/500 (năm 2012) đã xác định vị trí này có cao độ thấp nhất là 21,5m.
Bốn tháng thành lập đoàn kiểm tra, đến nay vẫn chưa có kết luận?
Là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định 41, Sở Xây dựng thời điểm đó do GĐ Phạm Hoàng Anh (nay là Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên) ký tờ trình số 2055 ngày 20/12/2016 đề nghị UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết liên quan đến dự án của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam.
Tại mục “5.4. quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật” của tờ trình 2055 thể hiện hạng mục san nền như sau: Thiết kế san nền thấp nhất 17,65m tại khu vực phía Tây và phía Tây Nam khu vực quy hoạch để thoát ra hồ Đại Lải.
Liên quan đến việc lấn hồ Đại Lải, Văn phòng Chính phủ cuối tháng 7/2020 có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo về những nội dung mà báo chí phản ánh liên quan đến các dự án ven hồ Đại Lải.
Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT ngày 7/8 quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc quản lý sử dụng đất tại các dự án ven hồ Đại Lải.
Về phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sau hơn bốn tháng thành lập đoàn kiểm tra (từ ngày 17/4), đến nay tỉnh vẫn chưa có kết luận kiểm tra liên quan đến những sai phạm của các dự án mà Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT chỉ ra.
Dự án Đảo Ngọc của Công ty Đạt Tiến tại Đại Lải được xác định có vi phạm |
Sự việc lấn hồ Đại Lải thực hiện các dự án được dư luận chú ý khi cuối tháng 2/2020, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNN công bố kết luận kiểm tra số 253 nêu lên nhiều bất cập và vạch rõ các sai phạm của các doanh nghiệp khi triển khai các dự án tại hồ Đại Lải.
Theo kết luận của Tổng cục Thủy lợi, công ty TNHH Đại Lải Việt Nam thực hiện thi công đổ đất vào lòng hồ (trong phạm vi đất được giao) chiều dài khoảng 700m, cao từ 2-3 m. Tuy nhiên, theo kết luận này, Công ty Đại Lải Việt Nam "không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi".
Bên cạnh đó, kết luận kiểm tra của Tổng cục Thủy lợi lại chỉ ra một số vị trí ô đất trong quyết định nảy sinh bất cập. Cụ thể, bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất tỉ lệ 1/500 phạm vi giao đất xây biệt thự có diện tích dưới cao trình mực nước dâng bình thường gồm các mảnh số 2 ký hiệu OBT63, 64, 66; mảnh 3 ký hiệu OBT 58, 61, 62 và mảnh 7 kí hiệu OBT 35, 38.
"Theo thông số kĩ thuật thì phần diện tích này là phần đất ngập hoàn toàn của hồ, tạo dung tích làm việc của hồ", kết luận của Tổng cục Thủy lợi khẳng định.
Cũng theo kết luận của Tổng cục Thủy lợi: "Việc tôn nền đối với phần diện tích cao trình dưới mực nước dâng bình thường làm ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đất đã được xác định là hồ chứa thủy lợi vi phạm quy định tại khoản 2, điều 163, Luật Đất đai và khoản 39, điều 2, Nghị định 01/2017 của Chính phủ".