Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup chia sẻ về việc bằng tốt nghiệp của VinUni sẽ được công nhận ở các quốc gia nào, khi các đối tác chiến lược của trường đều là các trường Đại học danh tiếng hàng đầu thế giới.
Bà Lê Mai Lan, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. |
- Thông tin về trường Đại học VinUni đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa VinUni và hàng trăm trường Đại học khác tại Việt Nam, thưa bà?
Bà Lê Mai Lan: Chúng tôi đặt mục tiêu đóng góp cho Việt Nam một trường đại học đẳng cấp thế giới (world - class university). Vì vậy, VinUni được thiết kế để thực hiện mục tiêu này, nghĩa là phải đáp ứng các chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu, giảng dạy, việc làm và triển vọng quốc tế.
Điểm khác biệt của VinUni nằm ở chỗ, chương trình học phải là thương hiệu của Đại học VinUni, theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Sinh viên ra trường được trang bị kiến thức và năng lực trình độ quốc tế nhưng phải giữ được lòng tự tôn dân tộc và các phẩm chất, văn hóa tốt đẹp của người Việt.
Không cần tái thích ứng, vì các em luôn được phát triển trong lòng Việt Nam, vì Việt Nam. Đây chính là điểm đột phá mà VinUni muốn đóng góp cho chất lượng giáo dục đại học tại Việt Nam.
Chúng tôi tự tin rằng chương trình học tập của sinh viên VinUni đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam và quốc tế, góp phần giải quyết các tồn tại của giáo dục Việt Nam hiện tại về nội dung, phương pháp, các hoạt động thực hành và cơ sở vật chất.
- Bà có thể tiết lộ chi tiết hơn về chương trình học của sinh viên VinUni?
Bà Lê Mai Lan: Chúng tôi thiết kế chương trình học dựa trên các tiêu chuẩn cao nhất về kiểm định chất lượng. Sinh viên luôn là trung tâm, phẩm chất và năng lực của sinh viên khi ra trường là trọng tâm là của toàn bộ hoạt động mà VinUni hướng tới. Vì thế, chương trình được xây dựng theo “quy trình đảo ngược”, tức là bắt đầu từ việc xác định mục tiêu “Đầu ra”, kết quả cuối cùng trước, từ đó quy hoạch chương trình khung.
Tiếp theo mới xây dựng chương trình chi tiết bao gồm các hoạt động giảng dạy, thực hành, ngoại khóa, các dự án và trải nghiệm cũng như hoạt động khảo thí, thực tập, tốt nghiệp.
Sinh viên theo học sẽ được ứng dụng triệt để công nghệ giáo dục tiên tiến, vận dụng công nghệ số trong thế kỷ 21, bao gồm đào tạo theo nhóm (Team-based Learning-TBL), đào tạo dựa trên mô phỏng, sử dụng e-learning và công nghệ thông tin tiên tiến hiện đại.
Trong quá trình học, chúng tôi thúc đẩy các dự án liên môn, liên ngành giữa các sinh viên, thiết kế để giải quyết một vấn đề hoặc nhu cầu cụ thể của môi trường, xã hội, kinh tế...Đặc biệt, chương trình sẽ bao gồm ít nhất một học kỳ trao đổi sinh viên tại trường nước ngoài, tín chỉ được công nhận ở VinUni và đại học nước ngoài.
- Với một chương trình học đặc sắc như vậy, trường sẽ tuyển sinh đầu vào như thế nào?
Bà Lê Mai Lan: Chúng tôi dự kiến bắt đầu tuyển sinh từ năm 2020 với số lượng khóa đầu là 300 sinh viên ưu tú và tiềm năng nhất cho 3 ngành Kinh doanh, Công nghệ và Khoa học sức khỏe.
VinUni sẽ áp dụng mô hình Tuyển chọn toàn diện của Đại học Ivy trong tuyển sinh. Sinh viên được đánh giá một cách toàn diện trên 3 khía cạnh: Kết quả học tập, phẩm chất cá nhân và các hoạt động thực tế thể hiện tính cách lãnh đạo, tư duy nhân văn vì cộng đồng, khả năng tổ chức và kết nối….
Quy trình tuyển sinh tại VinUni được phát triển với mục tiêu tuyển sinh nhằm vào nhóm sinh viên ưu tú và tiềm năng nhất. Quy trình này được tư vấn và hỗ trợ chặt chẽ từ các đối tác Trường Ivy của chúng tôi. Bài luận, bài phỏng vấn là một công cụ trong mô hình tuyển chọn toàn diện mà chúng tôi sẽ áp dụng.
- Vậy học phí sẽ ở mức nào, thưa bà?
Bà Lê Mai Lan: Học phí của VinUni thể hiện đúng định vị về chất lượng chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, có cân đối phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Học phí xác định theo chuyên ngành đào tạo, cố định cho khóa tuyển sinh đầu tiên. Mức học phí cho các khóa tiếp theo sẽ được điều chỉnh theo các nguyên tắc và thông lệ chung phổ biến tại các trường trong nước và quốc tế.
- Theo thông tin chính thức, Đại học VinUni hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận. Nhiều người hiểu rằng, như vậy có nghĩa con em họ sẽ được theo học ở một trường có chất lượng quốc tế với chi phí thấp. Cách hiểu này có đúng không, thưa bà?
Bà Lê Mai Lan: Đây không phải cách hiểu đúng. Tôi xin giải thích rõ thế này: Công ty phi lợi nhuận được định nghĩa là công ty mà cổ đông không được hưởng lợi nhuận do công ty mang lại mà đem tái đầu tư để phát triển và phục vụ cộng đồng, chứ không phải là miễn phí cho người sử dụng dịch vụ. Bởi vậy, khi theo mô hình này, mọi hoạt động kinh doanh, vận hành của VinUni vẫn sẽ diễn ra như bình thường, các mức phí vẫn theo thông lệ của thị trường.
Theo luật hiện hành, công ty phi lợi nhuận chỉ cần dành ra trên 51% để nghiên cứu, đầu tư, phát triển hoặc nâng cấp chất lượng dịch vụ… Tuy nhiên, giống như mô hình phi lợi nhuận của Vinmec hay Vinschool, VinUni cũng cam kết sẽ dành toàn bộ 100% lợi nhuận thu được cho các hoạt động tái đầu tư để liên tục nâng cấp và phát triển hệ thống.
- Với sự hợp tác chiến lược với các trường Đại học trong nhóm Ivy League và cũng là các trường thuộc Top 20 Đại học hàng đầu thế giới như Upenn hay Cornell, bằng tốt nghiệp của Đại học VinUni có được công nhận toàn cầu không?
Bà Lê Mai Lan: Theo chúng tôi được biết, hiện tại chưa có bất cứ trường Đại học Ivy nào hợp tác đào tạo tại Việt Nam. Do đó việc hợp tác với UPenn và Cornell là lợi thế quan trọng và khác biệt của VinUni ngay từ khi thành lập. Về việc công nhận toàn cầu, có lẽ chúng ta cũng nên hiểu rằng, do quy định pháp lý khác nhau của từng nước mà chứng chỉ của trường uy tín nhất ở nước này chưa chắc đã được công nhận ở nước khác và ngược lại.
Một cách tiếp cận khác về vấn đề này là triển vọng việc làm toàn cầu từ góc độ sinh viên tốt nghiệp. Có nghĩa là sinh viên tốt nghiệp sẽ được chào đón và tuyển dụng bởi các tổ chức hàng đầu trên toàn cầu, bao gồm các trường đại học, bệnh viện, tổ chức xã hội, công ty/tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước, kể cả các tập đoàn đa quốc gia trong danh sách FORTUNE 500. Đây sẽ là cách tiếp cận chủ đạo của VinUni.
Với một Đại học mới thành lập như VinUni, một trong những ưu tiên là phải xuất hiện trên Bản đồ giáo dục đại học toàn cầu. Cụ thể cần được xếp hạng và xếp loại bởi các tổ chức đánh giá chất lượng đại học uy tín trên thế giới như QS (Quacquarelli Symonds) và THE (Times Higher Education); đồng thời các chương trình đào tạo phải được kiểm định theo tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hàng đầu thế giới như:AACSB cho lĩnh vực quản trị; ABET cho lĩnh vực kỹ thuật ; và ACGME-I cho lĩnh vực khoa học sức khỏe…
Việc hợp tác với các đại học Ivy League như đại học Cornell và đại học Pennsylvania chính là nhằm giúp VinUni xây dựng được chương trình và thu hút các GV đẳng cấp quốc tế và đạt được các kiểm định chất lượng trong thời gian ngắn nhất.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!