Giường bệnh của ông nằm sát cửa ra vào, nơi có lẽ là ồn ào và nhộn nhịp nhất. Thế nhưng, tôi luôn có cảm giác chỗ đó thật thanh bình và êm ấm. Bởi vì nơi đó ông – một người đàn ông già nằm thoi thóp, mệt nhọc và bà người phụ nữ mảnh dẻ, nhẹ nhàng, luôn cúi về phía nhau, rầm rì rầm rì dịu dàng, chậm rãi đầy thương yêu.
Ba tôi nhập viện được hơn một tuần. Con tôi đã lớn, có thể gửi qua nhà hàng xóm, nên tôi vào viện với ba. Những lúc trò chuyện, đút cơm đút cháo cho ba xong, ba ngủ hay lim dim, tôi chẳng biết làm gì lại vơ vẩn nhìn mọi người. Và tôi bắt đầu chú ý đến họ từ 4-5 ngày nay.
Cặp vợ chồng già trông thật đẹp đôi. Cả ông và bà đều áng chừng đã qua tuổi 70 nhưng nét đẹp từ thời còn trẻ vẫn lưu giữ trên khuôn mặt, dáng vóc của họ, nhất là ông. Vầng trán cao, những lọn tóc không còn dày lắm nhưng vẫn uốn lượn một cách lãng mạn, khuôn mặt xương xương thanh tú. Nhìn ông có thể đoán được ngày còn trẻ, ông là một người đàn ông rất hào hoa. Còn bà, bà cuốn hút tôi bởi sự dịu dàng, thanh lịch đến khó tin ở một phụ nữ tuổi như thế. Từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ của bà đều toát lên một điều: bà từng là con gái một gia đình quyền quý, học thức. Trong cái xô bồ, gấp gáp, mệt mỏi của bệnh viện, hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhẻ chăm sóc chồng và ánh mắt yêu thương đầy biết ơn của ông dành cho bà thật là một sự an ủi lớn cho những bực bội, mệt mỏi của tôi. Vì vậy mà tôi thường vô thức lắng nghe và quan sát họ.
Ảnh minh họa. |
Ông nằm yên, thở dài thật nặng rồi lầm bầm nói: “Sao có lúc tôi lại ngu dại thế, cứ tưởng rằng có thể sống không cần bà, cứ tưởng rằng thay một người phụ nữ khác trong đời là điều dễ dàng và đơn giản. May mà bà đã luôn giữ tôi lại…”. Người phụ nữ cười thành tiếng, cái tiềng cười nghe thật trẻ trung: “Sao ông đến giờ vẫn chưa nghiệm ra nhỉ. Thật ra tôi đâu có giữ ông lại, chính là ông vẫn luôn muốn ở lại với tôi và các con. Chứ nếu lòng ông thật sự muốn đi, làm sao tôi giữ lại…”. Ông lại nằm yên, thật yên và rồi nói giọng thầm thì: “Hồi đó, có lúc chính tôi cũng không thể nào hình dung nổi sao bà kiên trì chịu đựng… tôi đến thế. Tôi biết, bạn bè, người thân đều nguyền rủa tôi, mắng chửi tôi. Chỉ có bà luôn mở rộng cửa chờ tôi về. Chỉ có bà vẫn nấu cơm cho tôi ăn. Chỉ có bà vẫn xót xa khi tôi đau bệnh. Vì thế… tôi biết nếu vào đường cùng tận, bà luôn luôn là nơi tôi có thể quay về”.
Giọng bà chợt nghẹn lại: “Ừ, ngày ấy cũng nhiều người nói tôi ngu, nói tôi dại dột. Ông trăng hoa trăm bề mà tôi cứ tha thứ, hết lần này tới lần khác. Cũng có lúc tôi cảm thấy mình bế tắc, đi vào con đường mịt mù. Không biết ngày mai rồi sẽ ra sao. Nếu không có mấy đứa nhỏ, chắc là tôi đã chết. Có lúc tôi cũng giận ông lắm….” “Bây giờ bà tha lỗi cho tôi nghe bà. Tôi cứ càng nghĩ, càng thương bà, càng ân hận…”. Bà gắt giọng dịu dàng: “Ơ hay, cái ông này, nằm hoài rồi nghĩ… lung tung. Có gì mà ân hận? Có phải bây giờ, tôi với ông vẫn ở cạnh nhau hay không? Có phải bây giờ điều đó mới là quan trọng hay không?” Ông im lặng lâu thật là lâu rồi mới nói lẩm bẩm: “Vậy… bà không cho tôi xin lỗi thì… bà cho tôi cám ơn bà, bà nhé”.
Những ngày sau đó, thỉnh thoảng khi cùng bà đi dạo dưới sân, tôi được nghe bà nhắc về ông với giọng yêu thương và trìu mến: “Ngày xưa bác trai đẹp trai lắm, mà cũng đào hoa lắm. Gia đình cũng bao nhiêu lần muốn tan vỡ vì những lần ổng có người này người kia”. Tôi hỏi bà: “Sao bác chịu đựng được, tha thứ được hả bác? Con bây giờ nè, con nghĩ chồng con mà có bồ, dù chỉ 1 lần thôi, con cũng bỏ ngay lập tức”. Bà cười hiền hậu bảo: “Bởi vì bác nghĩ chồng như thân thể, như tay chân, như tim óc của mình. Đâu phải cứ chặt đi là xong. Đâu thể kiếm cái khác ghép vào là được. Nên bác phải tùy lượng tình hình bịnh của những bộ phận đó mà chữa bịnh chứ con. Chừng nào chữa không khỏi thì hãy… tính. Cũng may mà bác đã luôn tìm ra bịnh để chữa, cũng không phải ai cũng may mắn vậy đâu, bác biết”.
Tôi không biết bà nói đến chữ may mắn ấy dành cho ai? Cho bà hay cho ông. Nhưng nhìn họ giờ ân cần và bình yên bên nhau, tôi thấy hết được giá trị của sự yêu thương, hy sinh, và hy vọng vào hạnh phúc lâu dài của tình vợ chồng.