Đòn “giương đông kích tây”
Trong cuộc họp báo ngày 2-4 tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc một số nước phương Tây công khai nói dối, bịa đặt, tung tin đánh lạc hướng dư luận trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông này. Ông ngoại trưởng Nga - Lavrov cho rằng, hiện dư luận nói nhiều về Chiến tranh Lạnh và thực tế tình hình hiện nay còn tệ hơn cả thời Chiến tranh Lạnh khi mọi nguyên tắc ngoại giao bị phớt lờ. Phương Tây và một số nước đã công khai nói dối, bịa đặt, tung tin đánh lạc hướng dư luận.
Ông Lavrov nhấn mạnh, nếu London không trả lời được các câu hỏi của Moskva tại cuộc họp bất thường ngày 4-4 của Ban chấp hành Tổ chức cấm vũ khí hóa học, điều đó chứng tỏ vụ đầu độc ông Skripal hoàn toàn là một hành động khiêu khích thô bỉ. Mục đích, như Ngoại trưởng Lavrov cho biết, rõ ràng Chính phủ Anh muốn hướng dư luận ra khỏi những vấn đề nội bộ liên quan đến tiến trình Brexit (nước Anh rời khỏi EU) đang trục trặc.
Ngoại trưởng Nga S.Lavrov tuyên bố có âm mưu chính trị nhằm vào Nga trong vụ án đầu độc điệp viên hai mang Sergei Skripal. Ảnh: EurActiv. |
Sau khi Anh và phương Tây tấn công ồ ạt Nga bằng các đòn ngoại giao đúng lúc nước Nga tổ chức bầu cử, giờ là lúc nước Nga “phản đòn”. Đại sứ Nga tại Anh Alexander Yakovenko khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình NTV của Nga ngày 1-4 đã nhấn mạnh có những nghi ngờ rất lớn rằng vụ khiêu khích này do các cơ quan tình báo Anh thực hiện.
Theo ông, Anh đã từ chối hợp tác với Nga, không cung cấp bất kỳ thông tin nào và "những thực tế đó khiến chúng tôi cho rằng đây là hành động khiêu khích của các cơ quan tình báo Anh" nhằm kiềm chế Nga.
Theo Đại sứ Yakovenko, năm 2015, Anh thông qua chiến lược an ninh quốc gia và đã chọn vai trò đi đầu trong cái gọi là liên minh kiềm chế Nga. Để kiềm chế Nga, cần phải có một hành động khiêu khích mạnh để chính phủ và người dân ủng hộ đường lối này.
Những căn cứ để tố ngược Anh thêm “dày” lên khi Nga công bố danh sách câu hỏi với Anh và Pháp trong “vụ Skripal”. Ngoài ra, Nga cũng nêu vấn đề chất giải độc nào và dưới hình thức nào đã truyền cho người bị nhiễm độc, cũng như làm thế nào các bác sĩ người Anh lại có được chất giải độc tại hiện trường?
Nga muốn biết căn cứ nào Anh chứng minh được “nguồn gốc Nga” trong chất độc được sử dụng tại Salisbury? Và liệu Anh có các mẫu kiểm soát chất độc mà London gọi là “Novichok” hay không?
“Bồi” thêm đòn ngoại giao, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc nước Anh đang vi phạm luật pháp quốc tế khi từ chối cung cấp thông tin liên quan Yulia Skripalcon - con gái cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal. Đại diện Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, cách hành xử của London đi ngược Hiệp định lãnh sự 1968 mà Nga (thời đó thuộc Liên Xô) và Anh đã ký, theo đó Moskva được phép tiếp cận và tư vấn cho các công dân của nước này trên lãnh thổ Anh. Bà Zakharova cho rằng với việc không bên nào bãi bỏ hiệp định, nên cho tới nay văn kiện này vẫn có hiệu lực theo luật pháp quốc tế.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh nếu London không đưa ra được bằng chứng khác, Moskva sẽ coi vụ Skripal là vụ tấn công đe dọa tính mạng công dân Nga để khiêu khích chính trị. Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matvienko tuyên bố Nga sẽ tiếp tục yêu cầu bằng chứng và sự thật trong vụ Skripal.
Bình luận về việc London đưa ra tài liệu được cho để chứng minh sự liên quan của Nga, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Duma quốc gia Nga (Hạ viện) Sergey Zhelezniak gọi đây là hành động tự lột “mặt nạ” của London. Nghị sĩ này chỉ ra rằng nếu không đưa ra bằng chứng nào ngoài những cáo buộc suông đối với Moskva, chứng tỏ London muốn “vận động chính trị và kéo bè chống Nga".
Vở kịch "Novichok"
Nước Anh ngày càng đuối lý. Dấu hiệu của một vụ lừa đảo thế kỷ đang dần lộ rõ. Những bằng chứng mà phía Anh không đưa ra được khiến nhiều người ngày càng tin rằng đang có sự dàn dựng trong vụ "Novichok" theo ý đồ riêng.
Theo các nguồn tin được một số tờ báo Nga đăng tải, sự thật là "Novichok" không phải là tên gọi vũ khí hóa học siêu bí mật, như Vil Mirzayanov một cựu điệp viên mô tả, "Novichok" là tên mã hóa của một chiến dịch phản gián của Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) được tiến hành để xác định một nguồn rò rỉ thông tin bí mật từ cơ quan tình báo của họ.
Theo cách diễn đạt hình ảnh của ông Alechsander Chepurin, Đại sứ của Nga tại Serbia, Anh đã dàn dựng vụ “Nga đầu độc điệp viên hai mang Sergei Skripal bằng loại vũ khí hóa học cực độc có tên "Novichok".
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là tên gọi vũ khí hóa học "Novichok" từ đâu mà ra? Cơ quan Tình báo Israel phát hiện hơn 20 nước có thể sản xuất được chất độc Novichok. Trang mạng DEBKAfile dẫn nguồn tin từ các chuyên gia quân sự Israel cho biết, sở dĩ Chính phủ Israel không tham gia vào chiến dịch trừng phạt Nga là do các cơ quan tình báo của nước này đã điều tra có ít nhất 20 chính phủ đã tiếp cận và có thể sản xuất loại vũ khí hóa học bất hợp pháp này; trong đó có cả Mỹ, Anh. Vậy thì tại sao không điều tra Anh, Mỹ?
Quy kết trách nhiệm cho Nga chỉ vì trước kia họ từng sản xuất được chất độc này quả là rất khó thuyết phục.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ đi về đâu?
Tính đến ngày 30-3, đã có 27 quốc gia, trong đó có Mỹ và đa số các nước thành viên trong Liên minh châu Âu cùng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) công bố quyết định trục xuất các nhân viên ngoại giao Nga. Nga đã và đang có những hành động trả đũa tương xứng. Các cuộc ăn miếng trả miếng này đang khiến Moskva ngày càng bị cô lập hay tăng vị thế trên trường quốc tế?
Hơn 100 nhà ngoại giao Nga đã bị các nước trục xuất, trong đó có 23 người từ Anh. Nga đã trả đũa bằng cách trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh. Hôm 30-3, Bộ Ngoại giao Nga triệu tập Đại sứ Anh Laurie Bristow và nói với ông rằng London có 1 tháng để cắt giảm thêm (khoảng hơn 50 người) nhân sự phái bộ ngoại giao của họ ở Nga ngang bằng với số lượng nhân viên ngoại giao của Nga ở Anh. Nga cũng đã trục xuất 59 nhà ngoại giao từ 26 nước khác vì ủng hộ Anh.
Những biện pháp trả đũa trên của nước Nga được tiến hành theo nguyên tắc được gọi là cân xứng và tỷ lệ. Cân xứng như trong trường hợp cụ thể khi Tổng thống Mỹ Barack Obama trục xuất hơn 30 nhân viên ngoại giao Nga vào cuối năm 2016, Nga đã đáp trả một cách tương tự. Tỷ lệ, có nghĩa là không phát động, ít ra là trong hiện tại, một cuộc leo thang trong một vòng xoáy không giới hạn mà sẽ chờ xem quy mô của các biện pháp trừng phạt khác như thế nào rồi mới hành động.
Theo dự đoán thì Nga chỉ trục xuất các nhân viên ngoại giao phương Tây và sẽ làm cho công việc của các nhà đại diện ngoại giao của Mỹ và của EU tại Nga trở thành phức tạp hơn, như là đóng cửa các cơ sở bất động sản, đặt thêm nhiều thủ tục hành chính nhiêu khê, giới hạn quyền tự do đi lại của thành viên ngoại giao đoàn. Như thế, chính quyền Nga có thể chứng tỏ là không khoanh tay ngồi yên.
Hãng tin AP của Mỹ thừa nhận Tổng thống Putin và nước Nga ngày nay dường như khó bị khuất phục hơn bất kỳ thời điểm nào trong suốt 18 năm cầm quyền của ông Putin. Trong suốt 14 năm trên cương vị Tổng thống và 4 năm trên cương vị là Thủ tướng Nga, ông Putin đã làm thay đổi diện mạo nước Nga trên quy mô toàn cầu.
Các sự kiện đáng chú ý gần đây là việc Nga sáp nhập Crimea, can thiệp quân sự ở Syria và mới nhất là việc ông Putin công bố các vũ khí chiến lược mới. Trong khi đó, tờ New York Times của Mỹ cho rằng một nguyên tắc mà Nga kiên quyết tuân theo là nguyên tắc có đi có lại và Điện Kremlin mới đây đã xác định rõ rằng sau khi đánh giá mức độ thiệt hại đối với các cơ quan ngoại giao của Nga ở nước ngoài, họ sẽ đáp trả bằng việc trục xuất các nhà ngoại giao phương Tây khỏi Nga.
Ông Aleksei Chepa thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nga tuyên bố Nga sẽ không khuất phục trước cuộc chiến ngoại giao của phương Tây. Theo ông, nước Nga sẽ không để cho mình bị đánh bại, phương Tây càng cố gắng đe dọa, Nga sẽ càng đáp trả mạnh mẽ hơn.
Theo ông Aleksei, Nga ngày càng cảm thấy thoải mái hơn trong một cục diện quốc tế mà đang dần có xu hướng giống như một cuộc đấu giữa các cường quốc vốn chỉ theo đuổi các lợi ích quốc gia của họ một cách độc lập với những thể chế đa phương đang tồn tại.
Để trả lời cho câu hỏi, cuộc khủng hoảng ngoại giao Nga - phương Tây hiện nay sẽ đi về đâu, có lẽ chúng ta phải xem xét lại tác động của cuộc trừng kinh tế Nga từ năm 2014 đến nay của các nước phương Tây. 4 năm đã trôi qua từ sau vụ sáp nhập Crimea, Nga tiếp tục củng cố vị thế của mình trên trường quốc tế. Bằng chứng là quốc gia này tiếp tục củng cố các mối quan hệ về chính trị, kinh tế, thương mại và quân sự với nhiều quốc gia khác bên ngoài phương Tây, để khẳng định vị thế ngày càng tăng của họ.
Chính sách đối ngoại hướng sang phương Đông của Nga dường như đang được tăng cường. Điều này có được là nhờ vào sự tăng trưởng không ngừng của các nước châu Á trên trường quốc tế cũng như sự chia sẻ các lập trường tư tưởng khác với các lập trường tư tưởng của phương Tây, vốn được định nghĩa là "bảo thủ" và tập trung vào các giá trị "mang tính quốc gia" chứ không mang tính phổ quát.
Trong khi đó về mặt kinh tế, Nga ngày càng có nhiều luận chứng thuyết phục dành cho các đối tác của họ. Quốc gia này đang trải qua quá trình tăng trưởng liên tục và một số lĩnh vực của họ đang phát triển cao hơn bao giờ hết, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó EU lại đang phải tính toán các thiệt hại mà họ phải chịu khi áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga.
Theo các báo cáo do Viện Nghiên cứu kinh tế Áo (WIFO) công bố năm 2017, các quốc gia trong EU đã tính toán, chỉ riêng năm 2015 (một năm sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga và sự đáp trả lại của Nga sau đó), các thiệt hại về doanh thu mà phương Tây phải chịu là khoảng 17,6 tỉ euro. Tương tự, các số liệu của Viện Nghiên cứu cũng cho thấy, trong năm 2015, tại châu Âu, Đức là quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất do lệnh trừng phạt kinh tế của châu Âu đối với Nga, hậu quả là 400.000 người đã bị mất việc.
Có thể trong một thời gian dài, các mặt hàng nông sản của phương Tây, nhất là của các quốc gia châu Âu sẽ không thể tiếp cận với thị trường rộng lớn của Nga. Quốc gia này đang tăng cường vị thế của mình trên trường quốc tế qua sức mạnh xuất khẩu của mình. Trên thực tế, theo những thông tin mới nhất, Nga đã trở thành quốc gia xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, trước Mỹ.
Năm 2017, sản lượng ngũ cốc của Nga đạt 134,5 triệu tấn so với sản lượng 64,5 triệu tấn năm 2000. Từ ví dụ này cho thấy, Nga không chỉ là cường quốc trong lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ và vũ khí mà thôi.
Hơn thế nữa, mỗi năm, hàng trăm ngàn sinh viên nước ngoài vẫn tiếp tục đến Nga du học. Các trường đại học của Nga rất nổi tiếng trong việc đào tạo ra các kỹ sư giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ mới, chưa kể đến Nga là một trong những quốc gia đi đầu về lĩnh vực hàng không vũ trụ... Đó là lí do vì sao một số chính trị gia phương Tây đã đánh giá Nga là một “cường quốc trong khu vực”.
Bên cạnh đó, các cơ hội mới cho Nga sẽ mở ra tại châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh, những nơi có tỉ lệ tăng trưởng và mức tiêu dùng cao. Các châu lục này nói chung vẫn chào đón Nga hơn, vì vậy, bất chấp các áp lực về địa chính trị mà phương Tây đã và đang áp đặt lên nước Nga, quốc gia này đã thể hiện rõ, họ không những có thể thích nghi được với tình hình thực tế, mà thông qua đó còn dành được những lợi ích đáng kể.
Tờ Sputnik của Nga nhận xét: Moskva đã sẵn sàng để đối phó với các khiêu khích của phương Tây nhưng những quốc gia này cũng phải sẵn sàng đón nhận những đòn trả đũa từ Nga.