Vợ quan phường ở Thái Bình bị khởi tố, ông Đặng Xuân Hậu liên đới?
(Kiến Thức) - Nếu có căn cứ cho thấy ông Đặng Xuân Hậu, cựu chủ tịch phường Lê Hồng Phong biết vợ mình thuê người đánh cán bộ tư pháp nhưng không ngăn cản, đồng tình với việc này, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm.
Hải Ninh
Liên quan đến vụ cán bộ tư pháp phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình Vũ Văn Pho bị đánh sau khi gửi đơn tố cáo lãnh đạo phường mình đang công tác, ngày 28/6, trao đổi với báo chí, đại diện Công an TP Thái Bình, xác nhận, một trong số 5 bị can bị khởi tố có bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt (SN 1982, trú tại số nhà 272, khu đô thị Kỳ Bá, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) - vợ của ông Đặng Xuân Hậu, nguyên Chủ tịch UBND phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình.
Tại cơ quan công an, bà Nguyệt khai chính mình là người đã tổ chức, nhờ 4 đối người khác dàn cảnh để đánh bất tỉnh ông Pho do cán bộ này đã tố cáo các sai phạm liên quan đến ông Đặng Xuân Hậu, chồng bà Nguyệt.
Dư luận có ý kiến cho rằng, nếu việc bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt thuê người đánh cán bộ tố cáo để giúp chồng bà nhưng ngược lại không những giúp chồng mà còn hại chồng, trong khi bản thân và những người liên quan bị rơi vào vòng lao lý, đang phải đối mặt với án tù theo quy định của pháp luật?
Ông Pho điều trị tại viện sau khi bị đánh.
Thực tế mới đây, ông Vũ Xuân Liệu, Bí thư Đảng uỷ phường Lê Hồng Phong cho biết, Đảng uỷ phường Lê Hồng Phong sẽ dừng việc giới thiệu, quy hoạch chức danh đối với ông Đặng Xuân Hậu do có vợ liên quan tới vụ việc hành hung ông Pho theo quy định 102 của Đảng về việc, đảng viên có vợ, con liên quan tới pháp luật sẽ chịu trách nhiệm.
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, nếu bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt chỉ vì chồng bị tố cáo mà thuê người đánh người tố cáo là cán bộ công chức nhà nước, đây là hành vi không thể chấp nhận được, rất côn đồ, manh động, thách thức pháp luật. Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xử lý với các đối tượng vi phạm là cần thiết.
“Khi thông tin sự việc là cán bộ tư pháp phường Lê Hồng Phong, TP Thái Bình bị đánh bất tỉnh đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về việc trả thù do mâu thuẫn cá nhân hoặc mâu thuẫn công việc. Tuy nhiên thông tin về việc vợ cựu chủ tịch phường đã tổ chức người đánh cán bộ tư pháp chỉ vì tố cáo chồng mình khiến nhiều người bất ngờ. ” – luật sư Cường nêu ý kiến.
Luật sư Cường nêu ý kiến, trước khi bị đánh, ông Vũ Văn Pho đã có đơn tố cáo một số cán bộ ở phương Lê Hồng Phong về các hành vi vi phạm điều lệ đảng, vi phạm pháp luật và căn cứ vào đơn tố cáo, một số cán bộ đã bị kỷ luật, trong đó có cựu chủ tịch phường. Như vậy nội dung tố cáo là đúng và đây là tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, một cán bộ, đảng viên gương mẫu cần phải được bảo vệ và tuyên dương. Tuy nhiên vị cán bộ này lại bị đe dọa, đánh đập như vậy cũng cần xem xét lại công tác cán bộ ở địa phương này. Đồng thời, phải xử lý nghiêm minh đối tượng gây thương tích và thuê thương tích theo quy định pháp luật.
Hành vi của các đối tượng trong vụ án này không chỉ coi thường tính mạng, sức khỏe của nạn nhân mà còn coi thường pháp luật, tạo ra những thế lực ngầm để thao túng quyền lực, đe dọa, trả thù người tố cáo làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến sự trong sạch của hàng ngũ cán bộ, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước. Do đó, bên cạnh việc xử lý nghiêm minh, kịp thời, có thể xét xử lưu động để tuyên truyền giáo dục với mức án nghiêm khắc, cơ quan chức năng phải có phương án bảo vệ người bị hại, bảo vệ người tố cáo trong các vụ việc tương tự để tránh trường hợp những người tố cáo gặp phải sự đe dọa, uy hiếp, trả thù như trường hợp này.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ mối liên quan giữa vợ cựu chủ tịch phường với các đối tượng trực tiếp gây thương tích cho nạn nhân. Nếu có căn cứ cho thấy người phụ nữ này đã thuê, chi phí tiền bạc, vật chất để các đối tượng này thực hiện hành vi gây thương tích đối với cán bộ tư pháp của phường này thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu người phụ nữ này được xác định là người chủ mưu và bị áp dụng tình tiết tăng nặng là thuê người gây thương tích nên hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.
Trong vụ việc này có rất nhiều tình tiết tăng nặng có thể áp dụng đối với các đối tượng vi phạm như: có tính chất côn đồ, thuê người gây thương tích, gây thương tích với người thi hành công vụ...
Luật sư Đặng Văn Cường.
Theo Điều 134, BLHS 2015 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nêu rõ: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: …đ) Có tổ chức; h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; i) Có tính chất côn đồ;…”.
Theo luật sư Cường, sau khi xảy ra sự việc trên, cơ quan điều tra sẽ có phương án bảo vệ người bị hại, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng để cứu chữa cho người bị hại, thu thập các tình tiết chứng cứ để làm rõ nội dung vụ án, làm rõ các đối tượng khác có liên quan với vụ án này.
Nếu có căn cứ cho thấy ông Đặng Xuân Hậu, cựu chủ tịch phường Lê Hồng Phong biết vợ mình thuê người đánh cán bộ tư pháp này nhưng không ngăn cản, đồng tình với việc này thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đàn ông này về tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm.
Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nếu có căn cứ cho thấy ông Hậu cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội với vợ mình, cựu chủ tịch phường Lê Hồng Phong này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ những sai phạm của vị cán bộ này trong thời gian công tác trước đây, liên quan đến nội dung tố cáo của nạn nhân để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật, nếu hành vi có dấu hiệu tội phạm thì sẽ xử lý hình sự.
“Đây sẽ là bài học đắt giá cho các cán bộ thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức và bài học cho các đối tượng ỷ thế quyền lực để ức hiếp người khác, coi thường pháp luật. Mức án cụ thể của các đối tượng này sẽ phụ thuộc vào tỷ lệ thương tích của nạn nhân phải phụ thuộc vào tính chất mức độ vi phạm và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” – luật sư Cường cho hay.
Ngày 18/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Thái Bình nhận được tin báo tại trước cửa số nhà 246, đường Lý Thường Kiệt, thuộc tổ 07, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, xảy ra vụ việc anh Vũ Văn Pho (SN 1989, trú tại tổ 02, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) - cán bộ tư pháp phường Lê Hồng Phong, thành phố Thái Bình) bị 2 nam thanh niên lạ mặt gây thương tích.
Ông Pho bị đánh ở thời điểm sau khi cán bộ phường này làm việc với UBKT Thành ủy Thái Bình theo giấy mời về việc cán bộ này có đơn tố cáo lãnh đạo phường mình đang công tác.
Theo đó, vào chiều ngày 18/6, khi ông Pho đi đến đường Lý Thường Kiệt, thành phố Thái Bình, bất ngờ có 2 thanh niên lạ mặt chở nhau trên xe máy xô vào phía sau xe của ông Pho rồi đánh tới tấp vào vùng mặt khiến ông Pho choáng váng, bất tỉnh bên đường.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 26/6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã ra Quyết định Khởi tố vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích”, Khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Ánh Nguyệt, (SN 1982, trú tại số nhà 272, khu đô thị Kỳ Bá, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình); Trần Như Tiến (SN 1999, trú tại số nhà 40/14/144, đường Trần Đăng Ninh, phường Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định); Vũ Duy Tùng (SN 1989, trú tại số nhà 08D Nam ô 17, phường Hạ Long, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định); Nguyễn Quang Bình (SN 1983, trú tại số nhà 6/3, khu quân nhân, phường Cửa Bắc, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) về tội “Cố ý gây thương tích”, quy định tại khoản 1, Điều 134.
Đồng thời, khởi tố bị can đối với Phạm Thanh Tùng (SN 1987, trú tại phường Năng Tĩnh, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 2 Điều 134 - Bộ luật hình sự; ra lệnh bắt bị can để tạm giam trong thời hạn 3 tháng đối với Phạm Thanh Tùng, các bị can còn lại áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Theo lời cán bộ tư pháp phường Lê Hồng Phong Vũ Văn Pho, năm 2018, năm 2018, ông Pho cũng có đơn tố cáo nhiều cán bộ của phường trục lợi chính sách an sinh xã hội. Những người bị tố cáo sau đó đã nhận hình thức kỷ luật, trong đó có nguyên Chủ tịch phường Lê Hồng Phong là ông Đặng Xuân Hậu với hình thức kỷ luật cách chức.
Mới đây, ông Pho tiếp tục có đơn tố cáo hai cán bộ phường đã bị kỷ luật là nguyên phó Bí thư phường Đặng Thị Kim Thoa và ông Đặng Xuân Hậu, nguyên Chủ tịch UBND phường vẫn được giới thiệu bầu chức danh nhiệm kỳ tới.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thái Bình: Một cán bộ tư pháp bị hành hung sau khi tố cáo cấp trên
Cán bộ phường không cấp giấy chứng tử bị xử lý thế nào?
Liên quan đến việc cán bộ phường Tân Phước Khánh (TX. Tân Uyên, Bình Dương) không cấp giấy chứng tử cho người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo làm rõ, xử lý nghiêm (nếu có) vi phạm.
Theo đó, bà Huỳnh Thị Chính, Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên, Bình Dương cho biết, 2 cán bộ gồm: Ông Lê Quốc Thông - Công chức tư pháp hộ tịch và ông Nguyễn Minh Trí, Công chức văn phòng thống kê là những người liên quan đến việc gây khó trong cấp giấy chứng tử cho người dân.
Kiểm tra vụ dân tố cán bộ phường gây khó trong việc cấp giấy chứng tử
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có công văn yêu cầu UBND TP Huế xem xét quá trình thụ lý thủ tục của cán bộ tư pháp phường Trường An, nếu phát hiện sai phạm thì xử lý theo thẩm quyền.
Ngày 5/4, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh văn phòng UBND Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh đã có công văn yêu cầu UBND TP Huế kiểm tra, xác minh thông tin cán bộ phường Trường An làm khó người đi làm giấy chứng tử.
Phó chủ tịch phường Ngọc Thụy bị tố tháo dỡ công trình khi chưa có QĐ cưỡng chế
(Kiến Thức) - Người dân phản ánh về việc, hàng chục cán bộ UBND phường Ngọc Thụy (Long Biên – Hà Nội) tiến hành tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng giữa chỉ thị cách ly dịch COVID-19 của Thủ tướng mà không có quyết định cưỡng chế.
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hiền (SN 1976, trú tại quận Long Biên, Hà Nội), gia đình bà mua thửa đất có sổ chứng nhận của bà Xiêm ở thôn Bắc Cầu 3, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Từ lúc mua đến nay, gia đình bà sử dụng, sản xuất, trồng trọt ổn định không có tranh chấp trên đất đã mua.
Bà Hiền cho biết, do bà thấy có 3,4 hộ ở cạnh mảnh đất nhà mình có xây dựng nhà cấp 4 để sinh sống, do nhu cầu của gia đình cần có 1 nhà tạm để chứa đồ sản xuất như phân đạm, máy móc...