Tính đến ngày hôm nay đã là gần 20 ngày kể từ khi Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện cơ sở may mặc ở Thạch Bàn, Long Biên cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và thay bằng nhãn NEM, IFU trên sản phẩm quần áo.
Theo một lãnh đạo quản lý thị trường, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra xác minh.
Đáng nói, ngay sau vụ việc hãng thời trang IFU có rất nhiều động thái lạ. Cách đây vài hôm, hàng loạt cửa hàng IFU đã bất ngờ đóng cửa không rõ lý do.
Hàng loạt cửa hàng IFU đóng cửa không rõ lý do. |
Trước câu hỏi của phóng viên về việc QLTT đã làm việc với chủ sở hữu của IFU chưa?
Trả lời câu hỏi này, vị này cho biết: “Chúng tôi đã gửi văn bản đến Cục Sở hữu trí tuệ để xác minh, phải tìm xem ai là chủ sở hữu nhưng vẫn chưa có văn bản trả lời”.
Đối với hãng thời trang NEM, quản lý thị trường cho biết vụ việc đang tiến hành điều tra nên không thể để lộ thông tin.
Cũng theo vị này trong vụ việc này liên quan đến nhiều chủ, nhiều hãng nên không thể làm ngay được. Khi có kết quả vụ việc, quản lý thị trường sẽ cung cấp thông tin rộng rãi đến cơ quan truyền thông.
Như Infonet đã phản ánh, sáng 20/11, hàng chục cửa hàng của thương hiệu thời trang IFU tại Hà Nội đã đóng cửa hàng loạt, tất cả trong tình trạng “cửa đóng then cài” và không hề có bất cứ thông báo nào, không rõ lý do vì sao đóng cửa.
Trước đó, ngày 15/11, đội Quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Bình) kiểm tra đột xuất cửa hàng IFU, địa chỉ số 137 Trần Hưng Đạo, Thái Bình kinh doanh quần áo thời trang nữ các loại nhãn hiệu IFU.
Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng có 414 sản phẩm quần áo thời trang nữ các loại có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa, chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Trị giá hàng hóa vi phạm theo giá niêm yết trên sản phẩm là 297.034.000 đồng.
Và vào chiều 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội QLTT số 17) kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM, IFU trên các sản phẩm quần áo.
Cụ thể hàng hóa gồm: 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 04 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.
Toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, sẽ mời đối tượng liên quan lên giải trình tất cả các hóa đơn chứng từ, xem có xuất xứ của NEM không hay của đơn vị nào.
NEM là thương hiệu thời trang tại Việt Nam, có mặt từ năm 2002. Đến nay hệ thống thời trang NEM có 86 cửa hàng trên toàn quốc, trong đó riêng Hà Nội chiếm tới 19 cửa hàng.
Ông chủ của NEM là ông Trương Việt Bình. Sau đó một công ty Nhật mua cổ phần NEM. Hiện ông Trương Việt Bình vẫn là Giám đốc của hãng thời trang này.
Trong khi đó, thương hiệu thời trang IFU chủ yếu dành cho phái nữ mới xuất hiện tại Việt Nam. Hệ thống thời trang IFU gồm 18 cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, trên các website, fanpage facebook của IFU đều không có thông tin địa chỉ liên hệ, trụ sở văn phòng.
Đáng chú ý, theo nguồn tin của Tuổi trẻ thủ đô thì thương hiệu thời trang IFU này là do vợ ông Trương Việt Bình quản lý.