Ngày 30/8/1997, bố mẹ của cô bé Park Chorong Bitnari khi đó chỉ mới là học sinh lớp 2, tìm đến đến sở cảnh sát báo cáo về việc con gái mất tích . Sau đó, gia đình liên tục nhận được 3 cuộc gọi giọng nữ, yêu cầu số tiền 20 triệu won (khoảng 400 triệu đồng) nếu như muốn bé Park an toàn trở về.
Cô bé Park chỉ vừa lên 8 ở thời điểm bị bắt cóc. |
Ở cuộc gọi thứ 3, cảnh sát dò tìm được vị trí của người gọi và xác định tên này đang có mặt tại một cửa hàng cà phê khu Myungdong. Thế nhưng, ngay khi lực lượng chức năng có mặt tại tiệm cà phê, cuộc gọi tống tiền kết thúc và 13 vị khách bên trong lần lượt được cảnh sát yêu cầu khai báo từng người một.
Cảnh sát khi đó tiến đến tiếp cận thai phụ đang ngồi uống cà phê ở một góc, chưa kịp mở lời yêu cầu hợp tác thì người phụ nữ ấy đột nhiên nổi nóng rồi bảo đau bụng và cần đi bệnh viện khám ngay lập tức. Dù nhận thấy có điều gì đó bất thường nhưng tình huống khẩn cấp nên cảnh sát đành phải đồng ý để người này rời đi. Cuộc điều tra sau đó cũng không đi đến đâu.
Từ đó, kẻ tống tiền cũng không gọi điện liên lạc với gia đình lần nào nữa. Đến ngày thứ 5 Park mất tích, cảnh sát quyết định mở cuộc điều tra công khai trên khắp cả nước với sự đồng ý của bố mẹ cô bé. Khi đó, tất cả cơ quan truyền thông và báo đài đều đưa tin về vụ việc bé gái 8 tuổi bị bắt cóc, tống tiền. Cơ quan chức năng hi vọng việc mở rộng điều tra sẽ giúp họ có thể nhanh chóng tìm ra manh mối dù là nhỏ nhất.
Một tuần sau, cảnh sát nhận được một cuộc gọi báo mất tích từ một cụ ông. Được biết, đứa con gái đang mang thai của ông đã biến mất không dấu vết từ ngày 1/9 và từ đó đến nay không thể liên lạc được. Cụ ông cho biết vài ngày gần đây, ông cứ nhìn thấy nhiều viên cảnh sát đi qua đi lại khu nhà mình.
Những chi tiết trùng hợp khiến cảnh sát không thể loại trừ khả năng liệu con gái của cụ ông có liên quan đến vụ bắt cóc bé Park. Để làm rõ mối nghi hoặc, cảnh sát yêu cầu cụ ông đến trụ sở để xác nhận. Sau khi được cho nghe đoạn ghi âm tống tiền, ông liền nhận ra đó là giọng của con gái hiện cũng đang không rõ tung tích của mình. Tiếp tục điều tra sâu hơn, cảnh sát kết luận người phụ nữ bắt cóc bé Park chính là Jeon Hyun Joo, 28 tuổi, đang mang thai được hơn 8 tháng.
Sau đó, lực lượng chức năng không mất quá nhiều thời gian để truy ra nơi ẩn náu của Jeon Hyun Joo tại một khách sạn nhỏ khu Sillim, ngoại ô Seoul. Ngay khi bắt giữ tên tội phạm vào ngày 12/9/1997, cảnh sát liền tra hỏi về tình hình của bé Park. Ban đầu thai phụ họ Jeon quyết giữ im lặng nhưng về sau cũng chịu nhận tội, trước khi dẫn cảnh sát đến văn phòng ẩm thấp của chồng mình ở khu Sadang. Đến nơi, cảnh sát phát hiện bé Park đã chết và thi thể không một mảnh vải bị nhét vào chiếc vali nằm gọn một góc.
Jeon Hyun Joo được đưa đến hiện trường tái hiện lại quá trình giết chết bé Park. |
Điều tra về động cơ bắt cóc bé Park, cảnh sát phát hiện vợ chồng Jeon Hyun Joo nợ một khoản tiền gần 50 triệu won (khoảng 100 triệu đồng). Thai phụ họ Jeon cho rằng việc tống tiền gia đình nạn nhân sẽ giúp vợ chồng ả thoát nghèo, sống thoải mái hơn. Nhưng trong lúc bắt giữ, bé Park liên tục kêu la khiến Jeon Hyun Joo trong lúc nổi giận đã bắt bé uống thuốc ngủ và dùng tay bóp cổ nạn nhân đến chết. Tất cả mọi việc từ đầu đến cuối đều do Jeon Hyun Joo lên kế hoạch và thực hiện mà không có sự giúp đỡ của bất kỳ đồng phạm nào.
(Nguồn: Daum, Korea Herald). |
Công tố viên yêu cầu mức án tử hình dành cho Jeon Hyun Joo nhưng phán quyết cuối cùng của tòa là bản án chung thân đối với tội bắt cóc và giết người của ả. Tháng 10/1997, Jeon Hyun Joo hạ sinh con gái đầu lòng ở bệnh viện cảnh sát. Đứa bé này sau đó được một gia đình ở Mỹ nhận nuôi.
Dù kẻ thủ ác cuối cùng cũng bị bắt và đền tội nhưng vẫn không thể làm nguôi ngoai nỗi đau mất con của bố mẹ bé Park. Câu chuyện đáng buồn này từng được nhắc lại trong phim truyền hình "Signal" và sau bao nhiêu năm, nó vẫn khiến người ta không khỏi xót xa cho cuộc đời ngắn ngủi của nạn nhân nhỏ tuổi tội nghiệp.