Vừa qua, đã diễn ra kỳ họp lần thứ 41 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì cuộc họp.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam.
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Tổng Công ty có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II – Công ty Gang thép Thái Nguyên (Dự án TISCO II), gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội.
Đặc biệt, đối với ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có vi phạm, khuyết điểm khi cho một số ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Hoàng Trung Hải. |
Các cá nhân khác như: nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Văn Trọng Lý, Nguyễn Hữu Vũ và Nguyễn Văn Tài, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Đỗ Cảnh Dương, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên cán bộ Văn phòng Chính phủ có vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu Lãnh đạo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo đối với Dự án TISCO II.
Theo UBKT T.Ư, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép Việt Nam, của Ban cán sự đảng Bộ Công thương và các cá nhân nêu trên đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, đến mức phải xem xét kỷ luật.
Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên. |
Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy Gang thép Thái Nguyên được khởi động từ năm 2005 do Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) là chủ đầu tư.
Dự án có Tổng mức đầu tư (TMĐT) ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được chia thành 2 gói thầu, trong đó gói thầu chính là EPC dây chuyền công nghệ luyện kim có giá trị 160,9 triệu USD, được thực hiện bởi nhà thầu là Tập đoàn Xây lắp Luyện kim Trung Quốc (MCC).
Đây là hợp đồng thực hiện theo phương thức EPC (E là tư vấn thiết kế, P là thiết bị và C là xây lắp). Hợp đồng có hiệu lực từ tháng 9/2007, thời gian thực hiện hợp đồng là 30 tháng.
Tuy nhiên sau khi ký hợp đồng, do bối cảnh chung là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng quá cao dẫn đến nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần C (phần xây lắp) để cho bên Việt Nam đảm nhiệm. Năm 2009, Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được chọn đảm nhiệm phần việc này.
Cũng do biến động của chi phí đầu vào quá lớn nên đến tháng 5/2013 VNS và Tisco nâng mức TMĐT lên hơn 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng với thời gian thực hiện đến hết năm 2014. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên nguồn vốn chưa thể bố trí dẫn đến việc đình trệ dự án từ đó đến nay.
Tình trạng hiện tại của dự án là cả 3 hợp phần đều còn dang dở, dẫn đến hậu quả là một số thiết bị xuống cấp, gây lãng phí, còn tổng thể nhà máy thì chưa biết đến khi nào hoạt động được.
Theo số liệu của TISCO, tổng giá trị thanh toán tính đến 31/12/2016 là gần 4.500 tỉ đồng, trong đó chi phí thiết bị hơn 2.100 tỉ, chi phí xây dựng gần 1.000 tỉ... Tổng dư nợ gốc, lãi vay ngân hàng phải trả của dự án là 3.900 tỉ (hiện lãi vay phải trả trên 40 tỉ đồng/tháng).
Nhà máy gang thép Thái Nguyên thành đống sắt gỉ dù đã đầu tư 8.100 tỷ. |
Theo Thanh tra Chính phủ, thực tế dự án này đã phải kéo dài, chậm tiến độ trên 10 năm, đã tạm dừng thi công từ năm 2013 đến nay.
Tổng mức đầu tư của dự án đã phải tăng nhưng toàn bộ các hạng mục chính chưa hoàn thành. Nhà thầu là Công ty Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc chưa chuyển đủ thiết bị theo danh mục, tình trạng máy móc thiết bị hư hỏng, sai khác về xuất xứ, thông số kỹ thuật... ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng dự án.
Mới đây, trên cơ sở phương án của Tổng công ty Thép Việt Nam, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến các bộ ngành về việc thoái 65% vốn tại Tisco được coi là một hướng mở hy vọng để tái khởi động dự án.