Điều kiện để ký hợp đồng mua bán tài sản còn thiếu nhiều yếu tố, nhưng Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nhật (Công ty Việt Nhật) và Công ty cổ phần Tasco Thiên Trường (Tasco Thiên Trường) vẫn lập hồ sơ mua bán dự án, để lại những dấu hỏi về tính minh bạch và nghĩa vụ thuế với Nhà nước.
Cụ thể, năm 2010, Công ty Việt Nhật (chủ thương hiệu Big C thời điểm 2012) ký hợp đồng thuê Trung tâm thương mại Thiên Trường (Nam Định) của Tasco Thiên Trường trong thời gian 43 năm với giá 160 tỷ đồng và thanh toán tiền đầy đủ một lần. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, hai bên đã thay thế hợp đồng thuê bằng hợp đồng mua bán cổ phần. Thông qua hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, Công ty Việt Nhật trở thành chủ sở hữu của Trung tâm thương mại Thiên Trường. Tuy nhiên, điều đáng nói, thương vụ này các bên có dấu hiệu “qua mặt” các cơ quan chức năng tỉnh Nam Định (?).
Phiếu chi hoàn trả lại tiền thuê chưa hết của Tasco Thiên Trường cho Công ty Việt Nhậ do người của Tasco Thiên Trường ký nhận? |
Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, ngày 17/9/2012, đại diện của Công ty Việt Nhật là ông Trần Thanh Hải đã thống nhất với ông Nguyễn Văn Dũng, đại diện pháp nhân của Tasco Thiên Trường về việc mua bán Trung tâm thương mại Thiên Trường để triển khai hệ thống Big C Nam Định với giá 95 tỷ đồng, chưa bao gồm thuế VAT.
Tuy nhiên, có lẽ cảm thấy giá mua “bị hớ”, ngày 18/9/2012, đại diện Big C hạ giá xuống 80 tỷ đồng, kèm theo đó là việc Big C xuất trả lại hóa đơn 146,8 tỷ đồng - là số tiền thuê còn lại sau gần 2 năm thuê Trung tâm thương mại.
Theo luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật Hồng Phú (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc xuất trả lại hóa đơn này là vi phạm pháp luật và làm lợi cho chủ thương hiệu Big C 15 tỷ đồng, là giá trị chênh lệch giữa 2 lần làm việc.
Bên cạnh đó, theo điều tra của Đầu tư Bất động sản, giá trị chuyển nhượng của Trung tâm thương mại Thiên Trường lúc bấy giờ gồm 80 tỷ đồng như đã nêu và 146,8 tỷ đồng tiền thuê trước đó không phải trả lại. Như vậy, giá trị thực của thương vụ mua bán Trung tâm thương mại Thiên Trường là 226,8 tỷ đồng. Với chi phí đầu tư xây dựng là 60 tỷ đồng theo báo cáo tài chính của Tasco Thiên Trường, thương vụ trên đem lại khoản lãi 180,26 tỷ đồng cho công ty này, tương ứng với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tasco Thiên Trường đã không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với lý do làm ăn thua lỗ, trong đó có việc phải trả lại cho chủ thương hiệu Big C 146,8 tỷ đồng tiền thuê chưa hết mà Công ty Việt Nhật đã trả trước. Nhưng trên thực tế, Tasco Thiên Trường không phải trả số tiền này.
Làm việc với phóng viên Báo Đầu tư
Bất động sản, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco Thiên Trường lúc bấy giờ thanh minh: “Khi ấy, Tasco Thiên Trường có mỗi dự án này và thua lỗ rất nhiều vì phải đền trọng tài quốc tế rất lớn và sức ép của tỉnh!? Đồng thời, phải trả lại tiền thuê còn lại và không được hoàn thuế vì Công ty Việt Nhật ép trả tiền mặt chuyển sang tiền mua”.
Khi phóng viên hỏi có chứng cứ cho việc trả lại số tiền thuê chưa hết này không, thì ông Dũng cho rằng: “Việc trả lại tiền cho Công ty Việt Nhật có chứng từ đầy đủ và do anh Sáng (ông Sáng lúc này là cổ đông của Tasco Thiên Trường - phóng viên) ký nhận. Việc chuyển nhượng được tỉnh cho phép nên chúng tôi thực hiện”.
Tuy nhiên, theo tư liệu chúng tôi có được thì phiếu chi ngày 19/11/2012 với nội dung hoàn trả lại một phần giá trị thuê theo Hợp đồng số 130 ngày 19/11/2012 cho Công ty Việt Nhật của Tasco Thiên Trường do ông Dũng ký và ông Nguyễn Quang Sáng (người của Tasco Thiên Trường) lại ký nhận với số tiền lên đến hơn 160 tỷ đồng. Liệu đây có phải là hành vi làm giả chứng từ để trốn thuế của Tasco Thiên Trường (?!). Ngoài ra, theo Mục 3 của Thỏa thuận chấm dứt và thanh lý hợp đồng thuê thì Tasco Thiên Trường không phải trả lại số tiền thuê như ông Dũng giải thích. Mặt khác, tiền lệ phí phải trả cho trọng tài quốc tế là do Công ty Việt Nhật gánh chịu.
"Bằng phương pháp xuất hóa đơn trái pháp luật, Công ty Việt Nhật đã được hưởng lợi 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó còn giúp sức cho Tasco Thiên Trường không phải nộp 40 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là con số thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước”, luật sư Trương Tiến Hùng chia sẻ.
Điều khó hiểu là khi phân tích hồ sơ, chúng tôi phát hiện có nhiều dấu hiệu “bị qua mặt” một cách dễ dàng của các cơ quan hữu quan tỉnh Nam Định lúc bấy giờ trong vụ chuyển nhượng thiếu minh bạch này.