Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Nga (MAKS) được cho là nhằm minh chứng trước các nước phương Tây về sự thành công của Moscow tại thị trường phương Đông. Tuy vậy, tới ngày kết thúc triển lãm hôm 27/8, người ta vẫn ít thấy những thương vụ lớn liên quan tới vũ khí tối tân Nga được ký kết.
Với sự tham gia của các “khách sộp” như Ả-rập Xê út, Jordan, Iran, Trung Quốc và Ai Cập, các nhà phân tích dự đoán sẽ có nhiều thương vụ lớn được kế kết, nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.
“Tôi nghĩ triển lãm này gây chút thất vọng”, ông Yury Barmin, chuyên gia buôn bán vũ khí Nga tại UAE nhận xét. “Nó chỉ như một cuộc triển lãm đúng nghĩa. Trong khi năm 2013, Nga ký 18 tỷ USD vũ khí bán được tại MAKS, thì con số năm nay thấp hơn nhiều”.
Các hệ thống vũ khí Nga tại MAKS ế ẩm. |
Giám đốc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, ông Ruslan Pukhov cũng cho rằng, “rõ ràng triển lãm năm ngoái thành công hơn và cho thấy vũ khí Nga thu hút các nước phương Tây”.
Đầu tháng 8 vừa qua, truyền thông Nga đưa tin, Tổng Công ty Máy bay thống nhất Nga (UAC) (sở hữu thương hiệu máy bay MiG và Sukhoi) đã ký một hợp đồng bán 48 tiêm kích Su-35 mới trị giá 100 tỷ rúp (1,5 tỷ USD) cho Bộ Quốc phòng Nga. Nhưng tại một cuộc họp báo của công ty hôm tuần trước, Giám đốc UAC cho biết hợp đồng này vẫn đang ở tình trạng sẵn sàng và sẽ có thể được ký vào cuối năm nay.
UAC đang hoàn thành hợp đồng ký từ năm 2009 với Bộ Quốc phòng Nga, theo đó sẽ cung cấp 48 chiếc Su-35 trong năm nay, còn các tiêm kích tàng hình T-50 đang bị trì hoãn do gặp phải các vấn đề phát triển và do đồng rúp sụp giá. Không quân Nga đã chọn giải pháp tiếp tục sử dụng các tiêm kích thế hệ 4++ của Su-35 để lấp chỗ trống.
Tuy nhiên, theo ông Pukhov, thành viên ban cố vấn công của Bộ Quốc phòng Nga, những bất đồng về giá cả đã cản trở hợp đồng này. “Mỗi bên đều muốn được lợi, và chưa sẵn sàng nhượng bộ để ký hợp đồng trên tại triển lãm MAKS năm nay”.
Mẫu chiến đấu cơ Su T-50 tham gia bay biểu diễn tại MAKS 2015 nhưng không được trưng bày dưới mặt đất. Hãng máy bay MiG cũng thông báo sẽ ký hợp đồng phát triển tiêm kích MiG-35 với Bộ Quốc phòng Nga trong năm tới sau một số năm không nhận được sự quan tâm đối với cả khách hàng trong nước lẫn quốc tế.
Cũng có tin cho rằng Iran và Nga sẽ ký hợp đồng S-300 gây tranh cãi tại MAKS 2015, nhưng Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin đã thông báo hôm khai mạc 25/8 rằng sẽ không có hợp đồng nào như vậy được ký kết. Thay vào đó, hai bên đã ký một biên bản ghi nhớ rằng, thương vụ sẽ được thực hiện.
Cường kích Su-34 bay lượn tại MAKS. |
“Iran đang muốn lấy tất cả của chúng tôi, từ công nghệ, giá cả, các điều kiện chuyển giao, và gây sức ép khi cáo buộc chúng tôi đã gian lận với họ”, nguồn tin thân cận tại Bộ Quốc phòng Nga cho biết. “Họ cũng cũng tìm cách tác động tới chúng tôi khi cho biết, chúng tôi cần họ cho thị trường máy bay chở khách Superjet-100 và Tupolev-204”, cũng theo nguồn tin trên.
Tại MAKS 2015, Nga còn đã không ký được hợp đồng cụ thể nào với các đối tác lớn truyền thống của mình như Trung Quốc, Ấn Độ và các khách hàng trực thăng lớn ở Mỹ La tinh.
“Tôi nghĩ rằng Moscow đã dự tính được điều này, đó là lý do vì sao họ quyết định mời các phái đoàn Ả rập giàu có để thể hiện rằng, cuộc khủng hoảng quan hệ với phương Tây thực tế đã giúp họ chuyển trọng tâm tới các khu vực khác trên thế giới”, ông Barmin nhận định.
“Bởi vậy, về chính trị, triển lãm đã thành công. Tổng thống Putin đã chứng tỏ được mối quan hệ “anh em” với các lãnh đạo Ả rập và các quan chức Nga có thể phô trương về các đơn đặt hàng ấn tượng của công nghiệp quốc phòng Nga”, ông Barmin cho biết thêm.
Ông Anatoly Isaikin, Giám đốc cơ quan xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport, cho biết, các đơn hàng xuất khẩu thiết bị hàng không tồn đọng đã vượt quá 18 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng các đơn hàng quốc phòng tồn đọng trị giá 40 tỷ của Nga.