Lùm xùm lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại Mỹ
Trong quý 2/2019, Minh Phú dính vào cáo buộc lẩn tránh thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ.
Đầu tháng 6, nghị sỹ Mỹ Darin LaHood gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ tiến hành điều tra Minh Phú về cáo buộc "vua tôm" Việt Nam nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang Mỹ với xuất xứ tôm Việt Nam.
Minh Phú sau đó cho biết chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ các cơ quan của Chính phủ Mỹ liên quan đến cáo buộc trên. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Mỹ của Công ty vẫn diễn ra bình thường.
Về nội dung cáo buộc, Minh Phú không phủ nhận việc nhập khẩu từ Ấn Độ với một tỷ trọng nhỏ để bổ sung nguyên liệu chế biến nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt tôm nguyên liệu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 10% tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú.
"Không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản mà trong nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước là một việc hết sức bình thường, phổ biến và hoàn toàn không vi phạm pháp luật của bất kỳ quốc gia nào", phía Minh Phú cho hay.
Minh Phú bị dính cáo buộc thuế vào tháng 6/2019. |
Khó khăn bủa vây
Chỉ trong vòng 1 tháng dính đến cáo buộc về thuế, cổ phiếu MPC giảm gần 20% giá trị, tương ứng vốn hóa bốc hơi hơn 1,000 tỷ đồng, trong đó khối tài sản của vị Chủ tịch Lê Văn Quang giảm gần 300 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Minh Phú cũng rất đáng buồn. Trong 9 tháng, Công ty báo doanh thu tăng nhẹ 2% lên 12.729 tỷ đồng nhưng lãi ròng giảm đến 36% xuống 387 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, Minh Phú chỉ mới thực hiện được 31% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Cũng trong 9 tháng, doanh thu xuất khẩu của Minh Phú đạt 484,6 triệu USD, giảm 9% so với 9 tháng 2018 và mới chỉ đạt trên 56% kế hoạch của cả năm 2019.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của Minh Phú xấp xỉ so với đầu năm, đạt hơn 9.000 tỷ đồng. So với đầu kỳ, hàng tồn kho của Công ty giảm hơn 17% về 3.874 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn (chủ yếu là phải thu khách hàng) giảm nhẹ gần 3% về còn 1.854 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đầu tư nắm giữ tới ngày đáo hạn (toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn) của Công ty thời điểm này ghi nhận con số gấp đôi so với đầu kỳ, với 1.082 tỷ đồng.
Các khoản vay nợ tài chính giảm đáng kể, theo đó vay nợ ngắn hạn giảm 16% về 2.845 tỷ đồng, vay nợ dài hạn giảm 88% còn 142,6 tỷ đồng. Nhờ vậy, chi phí lãi vay của đơn vị giảm gần 10% về 130 tỷ đồng.
Minh Phú cho biết, các thị trường xuất khẩu của Công ty năm nay gặp khó khăn, đều giảm mạnh. Thị trường Mỹ có mức giảm sâu nhất tới 58,8%, thị trường Hàn Quốc giảm 20,64%, Nhật Bản là 7,56%, các thị trường khác 14,75%.
Nguồn cung nguyên liệu khan hiếm không đáp ứng đủ công suất sản xuất của nhà máy, để đáp ứng các đơn hàng công ty phải mua nguyên liệu với giá cao làm cho giá thành tăng trong khi giá bán không tăng tương ứng nên biên lợi nhuận gộp giảm.
Công ty đang lên kế hoạch đẩy mạnh hoàn thành vùng nuôi công nghệ cao Lộc An ngay trong năm để chủ động hơn nguồn cung và năng lực áp ứng đơn hàng trong những năm tiếp theo.
Những bước đi để vựt lại Minh Phú
Trong tháng 11 rồi, Hội đồng quản trị Minh Phú thông qua việc đầu tư thêm 280 tỷ để tăng vốn điều lệ của Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Minh Phú - Lộc An lên 720 tỷ đồng, nhằm thực hiện chiến lược nuôi tôm của Tập đoàn.
Cụ thể, phía Minh Phú cho biết việc đầu tư thêm nhằm mục đích thúc đẩy khả năng sản xuất của Minh Phú Lộc An từ 2 - 3 vụ/năm lên mức 4 - 5 vụ/năm.
Việc tăng sản lượng tôm của Minh Phú là điều bức thiết, đặt giữa bối cảnh xuất khẩu tôm của Công ty trong tháng 9/2019 sụt giảm do thiếu nguồn nguyên liệu, nhà máy thiếu nguồn lực để sản xuất.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 hồi cuối tháng 6, Chủ tịch Lê Văn Quang cũng cho hay vào giai đoạn đầu năm nay do nắng nóng kéo dài nên người dân không dám thả nuôi tôm, đến tháng 5 thì trời mưa nên họ cũng không thả thêm.
Nguồn cùng nguyên liệu của Minh Phú vào đầu năm vì thế mà thiếu, dẫn đến việc Công ty phải mua nguyên liệu rất cao để tối đa hóa công suất nhà máy, dẫn đến lợi nhuận suy giảm trong quý 1/2019.
Minh Phú đầu tư thêm nhà máy thực hiện chiến lược nuôi tôm. |
Còn trong tháng 5, Minh Phú đã phát hành 60 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Nhật Bản Mitsui. Giá chào bán là 50.630 đồng mỗi cổ phần giúp Minh Phú thu về 3.037 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Đối tác Nhật Bản sẽ nâng sở hữu lên 35,1% sau khi hoàn tất giao dịch thông qua mua cổ phần riêng lẻ và cổ phần từ các cổ đông hiện hữu.
Số tiền thu về từ thương vụ này dự kiến giúp Minh Phú mở rộng sản xuất. Công ty dự định tăng công suất chế biến từ mức hiện tại là 76.000 tấn/năm lên 200.000 tấn/năm vào năm 2025. Khoảng 50% nhu cầu vốn sẽ được tài trợ bằng số tiền thu được từ phát hành riêng lẻ cho Mitsui, phần còn lại được tài trợ bằng nợ.
Tuy nhiên, các dự án hiện bị chậm tiến độ. Dự án Minh Quý Cà Mau đã bị hoãn lại để chờ phê duyệt của Hội đồng quản trị mới. Thủ tục hành chính xây dựng Minh Phú Kiên Giang 1 và 2 với chính quyền tỉnh Kiên Giang vẫn chưa hoàn thành dẫn đến việc hoãn thi công hai nhà máy.
Phía Minh Phú cho biết, do kế hoạch nâng công suất chế biến đang bị trì hoãn, hơn 3.000 tỷ đồng tiền thu được từ đợt phát hành riêng lẻ cho Mitsui sẽ được dùng để làm việc khác.
Cụ thể là chi 871,8 tỷ đồng để mua lại 30,8% cổ phần công ty Minh Phú Hậu Giang từ Mitsui; 1.755 tỷ đồng trả nợ ngắn hạn và hơn 300 tỷ đồng để trả tiền mua tôm nguyên liệu, tôm thành phẩm.
Với những diễn biến trên, Minh Phú vẫn chưa thoát được vòng lẩn quẩn sau những lùm xùm xảy đến từ tháng 6, hơn nữa Công ty cũng đã điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2019.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tỏ ra bi quan về khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra. Công ty phân tích đánh giá, nguy cơ bị buộc tội trốn thuế chống bán phá giá tại thị trường Mỹ là hiện hữu nhưng kế hoạch dự phòng không rõ ràng.