Vùng biển Senkaku/Điếu Ngư “nóng” trở lại

- Thông tin khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc đang tới vùng biển gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư đã làm tình hình nóng lại trở lạị...
Trung Quốc biến ngư dân thành lực lượng tiên phong?

Tờ Japan Times ngày 17/9 đưa tin khoảng 1.000 tàu cá Trung Quốc đang tới vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thuyền từ các tỉnh duyên hải Zhejiang và Fujian có thể sẽ cùng 6 tàu tuần tra Trung Quốc cố thủ ở khu vực này. Cùng lúc đó, Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đăng tải hình ảnh cho thấy một lượng lớn thuyền chài từ Zhejiang đang chuẩn bị ra khơi.

Động thái này làm nóng trở lại mối lo ngại mà một số nhà phân tích đã từng nêu ra: Đó là khả năng Trung Quốc vũ trang cho ngư dân của mình và sử dụng họ như một lực lượng trong giải quyết tranh chấp.
Trong một bài báo được đăng tải mới đây trên Nhân dân Nhật báo, He Jianbin, Chủ tịch Tập đoàn đánh bắt Nhà nước Baosha kêu gọi "vũ trang cho ngư dân". Ông này tỏ ý tán thành việc huấn luyện quân sự cho các ngư dân nhằm "tạo ra một lực lượng dự trữ trên biển và sử dụng họ để giải quyết vấn đề".

Theo lập luận của nhân vật này, Trung Quốc chỉ cần 5.000 tàu cá trên biển với khoảng 100.000 ngư dân có vũ trang là các nước trong khu vực sẽ không phải là đối thủ của họ. Ngoài ra, He cho rằng, khoảng thời gian giữa tháng 5 và tháng 8 hằng năm có thể dùng để huấn luyện các ngư dân bởi đó không phải mùa đánh bắt.
He Jianbin khẳng định, nếu vũ trang cho ngư dân, Trung Quốc sẽ chỉ phải sử dụng quân đội như lực lượng dự phòng, thay vì lực lượng tiên phong. Và nước này không những giảm nhẹ được gánh nặng ngân sách mà còn tránh tạo cớ cho Mỹ vào cuộc.
Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị ra khơi ngày 16/9.
Tàu cá Trung Quốc chuẩn bị ra khơi ngày 16/9.

Sẽ bắt thuyền trưởng nếu xâm phạm

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản vẫn hạn chế, tránh đưa ra các hành động khiêu chiến dù căng thẳng gia tăng. Tuy nhiên, thông tin tàu cá Trung Quốc tiến về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với số lượng lớn đã làm chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda không thể ngồi yên.

Theo nguồn tin thân cận với Thủ tướng Noda, trước tình hình này, ông Noda đã chỉ đạo các lãnh đạo "giải quyết tình huống đúng theo luật định". "Chính phủ vẫn đang chờ đợi xem diễn biến sẽ như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu tàu cá Trung Quốc tiếp cận đảo Senkaku/Điếu Ngư với số lượng lớn", nguồn tin cho biết, "Tình hình có thể sẽ chuyển sang một giai đoạn mới".

Giới chức Nhật Bản lo ngại rằng, họ sẽ buộc phải bắt giữ thuyền trưởng của các tàu cá Trung Quốc nếu những người này xâm nhập vào vùng biển chủ quyền của Nhật Bản. Trong trường hợp Lực lượng tuần duyên không thể đối phó được với tình huống xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ điều động thêm Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Căng thẳng quanh vụ tranh chấp quần đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục nóng lên trong thời gian gần đây, sau khi Chính phủ Nhật Bản đề nghị mua lại các hòn đảo từ những người chủ tư nhân. Bắc Kinh khẳng định rằng, vụ mua bán này không có giá trị bởi những hòn đảo đó dù ở trong tay người Nhật nhưng vẫn thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Các cuộc tuần hành chống Nhật ở Bắc Kinh đã bước sang ngày thứ 7 nhưng phạm vi có phần khiêm tốn hơn nhiều vụ biểu tình nhuốm màu bạo động trên khắp Trung Quốc cuối tuần qua.
Trước tình hình này, hàng loạt xưởng sản xuất của các công ty Nhật Bản tại Trung Quốc như Panasonic, Canon, Toyota, Nissan... buộc phải tạm ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho công nhân cũng như nơi làm việc. Ông Uichiro Niwa, Đại sứ Nhật Bản đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc dùng tất cả các biện pháp có thể để bảo vệ công dân Nhật đang sinh sống tại đó.

Phương Thanh (Theo Japantimes, People’sDaily, Asahi Shimbun)
[links()]

Tin mới