Vượn đen má hung xuất hiện ở Đà Nẵng: Loài bản địa siêu hiếm!
Vào ngày 8/2, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết đã tiếp nhận một cá thể vượn đen má hung quý hiếm do Hạt Kiểm lâm Hòa Vang bàn giao. Đây là loài vượn bản địa của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tâm Anh (TH)
Xem toàn bộ ảnh
Trước đó, vào ngày 4/2, người dân báo tin cho Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, Đà Nẵng về việc một cá thể vượn đen má hung hoang dã xuất hiện tại khu dân cư thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc.
Đó là cá thể vượn đen má hung đực, đã trưởng thành và nặng 3 kg. Sức khỏe của nó bình thường. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã bắt giữ cá thể vượn đen má hung trên.
Sau đó, Hạt Kiểm lâm Hòa Vang bàn giao cá thể vượn đen má hung trên cho Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng. Do loài này không phân bố tại Đà Nẵng nên phía kiểm lâm đang lên phương án cứu hộ tái thả cá thể vượn đen má hung về tự nhiên.
Vượn đen má hung là loài động vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm nên không thuộc thẩm quyền xử lý của Hạt Kiểm lâm Hòa Vang. Đây là lần đầu tiên loài này được phát hiện tại Đà Nẵng, không rõ nguồn gốc và không xác định được chủ quản lý.
Vượn đen má hung có tên khoa học Nomascus gabriellae, thuộc bộ linh trưởng (Primates).
Đây là loài vượn bản địa của Việt Nam, Lào và Campuchia. Khi trưởng thành, con đực có lông toàn thân màu đen, 2 má màu vàng. Trong khi đó, con cái và con non có bộ lông màu vàng.
Tại Việt Nam, vượn đen má hung phân bố từ Sông Ba đến khu bảo tồn thiên nhiên núi ông Bình Thuận.
Loài vượn đen má hung nằm trong phân loại bảo vệ được xác định là động vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB nghị định số 84 của Chính phủ.
Thống kê của Wildlife Conservation Society cho thấy hiện có khoảng 2.500 cá thể vượn đen má hung tại Khu bảo tồn đa dạng sinh học Seima của Campuchia. Đây được cho là nơi có quần thể vượn đen má hung lớn nhất thế giới.
Mời độc giả xem video: Thích thú với loài vượn cáo không biết đi trên mặt đất. Nguồn: Kienthuc.net.vn.