Một tay súng chưa rõ danh tính vừa xả súng tại căn cứ quân sự Fort Hood của Mỹ khiến 4 người thiệt mạng bao gồm cả kẻ này.
Một quan chức giấu tên dẫn nguồn tin trong bộ Tư pháp Mỹ cho hay, 14 người đã bị thương trong vụ xả súng diễn ra vào chiều 2/4/2014 theo giờ Mỹ. Một quan chức khác cho biết tay súng thiệt mạng do một vết thương tự gây ra và cuộc điều tra vẫn đang được tiếp tục.
Các binh sĩ và cảnh sát gác tại cửa chính căn cứ Fort Hood. |
Các nạn nhân bị thương đều được đưa đến bệnh viên Cộng đồng Quân sự Darnall tại căn cứ Fort Hood và các bệnh viện địa phương. Tiến sĩ Glen Couchman, giám đốc y tế tại bệnh viện Scott và White cho biết, 4 nạn nhân trong bệnh viện này bị bắn vào nhiều chỗ trên thân thể với tình trạng từ ổn định cho tới nguy kịch.
Các quan chức quân sự tiết lộ thêm vài chi tiết là, ngay sau khi vụ xả súng xảy qua, cổng căn cứ đã bị đóng và chỉ sau 1 tiếng, tiếng còi báo yên mới được cất lên. Vào tối 2/4/2014, vẫn có các binh sĩ và quân cảnh đóng chốt tại cổng chính. Các cổng khác vẫn bị khóa bằng xe cảnh sát.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cam kết sẽ điều tra đến cùng vụ nổ súng kể trên. Trong buổi phát biểu tại Chicago, Tổng thống Obama cho biết ông sẽ theo dõi tình hình chặt chẽ nhưng chi tiết về những gì xảy ra tại căn cứ Fort Hood vẫn chưa được làm rõ. Tổng thống Mỹ cho vụ xả súng lần này đã gợi những ký ức đau thương về cuộc tấn công năm 2009.
Ông Obama tôn vinh những hi sinh mà các binh sĩ đóng tại Fort Hood đóng góp – bao gồm cả các chiến dịch dài ngày tại Iraq và Afghanistan.
“Họ đã phục vụ bằng tất cả lòng dũng cảm, sự xuất sắc và khi họ ở căn cứ quê nhà, họ cần cảm thấy an toàn”, ông Obama cho hay, “Chúng ta vẫn chưa biết điều gì xảy ra nhưng cảm giác an toàn đã một lần nữa bị phá vỡ”.
An ninh vẫn chưa được thắt chặt ở căn cứ Mỹ?
Cuộc tấn công vào tháng 11/2009 xảy ra trong một căn nhà ở căn cứ Fort Hood khi các binh sĩ đang chờ lấy vaccines và hoàn thành giấy tờ bổ nhiệm trước khi tới Afghanistan và Iraq.
Căn cứ Fort Hood từng xảy ra một vụ xả súng khác vào năm 2009. |
Bác sĩ tâm thần của quân đội Mỹ, thiếu tá Nidal Hasan đã bị kết tội và tuyên án tử hình vào năm 2013 do vụ xả súng năm 2009. Ông này khai rằng, hành động đó để bảo vệ quân nổi dậy Hồi giáo khỏi sự xâm lược của người Mỹ.
Theo lời khai tại phiên tòa tháng 8/2013, Hasan đã khai dùng 2 khẩu súng và bắn vào các binh sĩ Mỹ sau khi hô lên những lời ca ngợi Thánh Alla.
Thảm kịch chỉ dừng lại khi Hasan bị bắn từ phía sau bởi các quân cảnh của căn cứ Fort Hoob. Hasan đã bị liệt nửa người và đang chờ đến ngày thi hành án tại nhà tù quân sự ở Fort Leavenworth ở Kansas.
Sau vụ xả súng năm 2009, quân đội Mỹ đã thắt chặt an ninh tại toàn bộ các cứ trên khắp đất nước. Các biên pháp bao gồm phát hành vũ khí an ninh, thêm kịch bản tấn công từ bên trong cho các binh sĩ cũng như tăng cường hợp tác với các lực lượng thi hành án địa phương. Quân đội Mỹ cũng tham gia chương trình chia sẻ thông tin tình báo với FBI để xác định mối đe dọa khủng bố.
Vào tháng 9/2013, một cựu binh sĩ Hải quân Mỹ đã xả súng tại xưởng Hải quân Washington khiến cho 13 người thiệt mạng bao gồm cả tay súng. Sau vụ xả súng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc kiểm tra an ninh tại toàn bộ các căn cứ quân đội trên thế giới.
Khi được hỏi về vụ việc xảy ra tại Fort Hood, ông Hagel cho biết: “Rõ ràng là khi chúng ta có những thảm kịch như thế xảy ra tại các căn cứ, tình hình an ninh đã không được cải thiện nhiều”.
Fort Hood là một trong những căn cứ quân sự lớn nhất thế giới với 45.414 binh sĩ và 8.900 nhân viên dân sự.