Xây nhà máy điện hạt nhân, phát lộ kho báu tiền cổ
Các nhà khảo cổ đã khai quật được một kho báu tiền cổ tại công trường xây dựng một nhà máy điện hạt nhân ở Anh. Những đồng tiền này có niên đại gần 1.000 tuổi.
Tâm Anh (theo Livescience)
Xem toàn bộ ảnh
Tại địa điểm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân Sizewell ở Anh, các nhà khảo cổ học đã khai quật được 321 đồng xu bạc còn nguyên vẹn. Kho báu tiền cổ này được bọc trong vải và chì. Điều này cho thấy chủ nhân của chúng có thể đã cố gắng bảo vệ chúng khi chôn giấu để tránh bị tịch thu. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
Các đồng tiền xu, bao gồm một số đồng đến từ các xưởng đúc tiền nhỏ ở nông thôn nên khá hiếm. Theo các chuyên gia, số tiền cổ mới phát hiện có niên đại từ năm 1036 - 1044. Điều này có nghĩa chúng trùng khớp với thời điểm bắt đầu triều đại của nhà vua Anglo-Saxon là Edward. Đây là một giai đoạn hỗn loạn trong lịch sử nước Anh khi nhà vua cho lưu đày, tịch thu tài sản của một số nhân vật "máu mặt" không còn được ông trọng dụng. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
Alexander Bliss, chuyên gia tiền xu của Oxford Cotswold Archaeology (OCA), tổ chức khai quật những đồng xu này, cho biết giá trị của kho báu tiền xu gần 1.000 tuổi trên ước tính lên tới 320 pence. Đó là một khoản tiền đáng kể đối với hầu hết mọi người vào thời điểm đó bởi số tiền này đủ để mua khoảng 16 con bò. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
"Có lẽ chủ sở hữu của kho báu lo ngại về chế độ mới, tình hình chính trị và bất ổn xã hội nên đã thực hiện các bước để che giấu tài sản của mình. Hiện nay có 3 kho báu từ giai đoạn này (từ năm 1042 - 1044) được biết đến trên khắp nước Anh. Điều này củng cố ý tưởng rằng những năm đầu trị vì của Edward không hề yên bình", chuyên gia Bliss cho hay. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
Theo chuyên gia Bliss, các kho báu tiền xu Anglo-Saxon tương đối hiếm và kho báu 321 đồng xu bạc là khám phá nổi bật vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong bối cảnh ban đầu với một túi vải được bảo quản vẫn còn đựng các đồng xu. Nhiều kho báu tiền xu thiếu bối cảnh như vậy, hoặc do chúng bị xáo trộn bởi hoạt động nông nghiệp hoặc do một số người sử dụng máy dò kim loại không nhận ra ngay tầm quan trọng của lớp vỏ bị vỡ và bỏ lại nó. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
"Trong trường hợp này, việc bảo quản túi đựng tiền cổ rất quan trọng vì nó tạo thành một phần của "vật thể" tổng thể như một yếu tố chứa đựng các đồng xu. Chúng tôi cũng muốn hiểu liệu lớp chì chỉ là một mảnh tấm hay đã được tách ra từ một vật thể lớn hơn", chuyên gia Bliss cho hay. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
Các nhà khảo cổ đã mở chiếc túi trong phòng thí nghiệm và xác định rằng lớp bọc chì được làm từ tấm gấp. Điều này cho thấy chủ nhân của kho báu đã rất cẩn thận khi chôn giấu nó và sử dụng một lớp vỏ mà họ biết là chắc chắn. Ảnh: Edward the Confesssor, ‘PACX’ type penny.
Dựa trên hồ sơ khảo cổ học, tấm chì không phải là phương pháp cất giữ tiền xu bất thường. Thế nhưng, việc lựa chọn vật liệu tương đối chắc chắn này đặt ra câu hỏi tại sao chủ nhân không sử dụng một cái nồi thay vào đó. Ảnh: coin minted at Langport.
"Có lẽ họ không thể tiếp cận được một cái đủ nhỏ, hoặc có lẽ họ muốn cố gắng che giấu những vật có giá trị bên trong", ông Bliss giải thích. Chủ sở hữu của kho báu có thể là một người có địa vị trung bình, không phải là một người thuộc tầng lớp thượng lưu hhoặc có địa vị cao trong chính quyền. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
Hiện các chuyên gia chưa rõ tại sao chủ sở hữu kho báu không bao giờ quay lại lấy số tiền xu trên. Một giả thuyết cho rằng, chủ kho báu có thể đã chết trước khi quay lại lấy lại hoặc nói cho ai biết về nó. Ngoài ra, họ có thể đã bị ngăn cản việc lấy lại chúng do các lý do khác ví dụ như nếu họ rời đi hoặc bị trục xuất khỏi đất nước và không thể quay trở lại. Ảnh: Oxford Cotswold Archaeology.
Mời độc giả xem video: Kho báu toàn siêu kim cương trong thiên thạch rơi xuống Trái đất.