Xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập hiện được để ở đâu?
Xe tăng T59 số hiệu 390 do đại úy Vũ Đăng Toàn điều khiển là chiếc xe đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, theo sau là chiếc T54B số hiệu 843, mở đường cho quân giải phóng vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing
Xem toàn bộ ảnh
Dinh Độc Lập, nay là Dinh Thống Nhất, là nơi sống và làm việc của các đời tổng thống Việt Nam Cộng hòa, được xây dựng trên nền Dinh Norodom từng là nơi làm việc của chính quyền thực dân Pháp, phát xít Nhật và chính phủ của Ngô Đình Diệm.
Ngày 01/7/1962, Ngô Ðình Diệm quyết định khởi công xây dựng Dinh Độc Lập. Dinh được thiết kế bởi KTS Ngô Viết Thụ (1926-2000), người từng đoạt giải Khôi Nguyên La Lã năm 1955.
Ngô Viết Thụ là kiến trúc sư lừng danh của người Việt. Ngoài Dinh Độc lập, ông cũng là người thiết kế ra chợ Đà Lạt, Đại học Sư phạm Huế và Đại học Y khoa Sài Gòn.
Dinh Độc Lập tọa lạc ở số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1. Dinh có chiều cao 26 m, diện tích 120.000 m2. Năm 1976 nơi này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia và năm 2009 Thủ tướng ký Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Dinh Độc Lập là một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.
Đại tá Bùi Quang Thận (1948-2012), quê ở Thái Thụy, Thái Bình là người đầu tiên cắm lá cờ lên Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Trưa hôm đó, xe tăng T59 số hiệu 390 do đại úy Vũ Đăng Toàn điều khiển là chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, theo sau là chiếc xe tăng T54B số hiệu 843, mở đường cho quân giải phóng vào bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và nội các.
Hai chiếc xe tăng T59 số hiệu 390 và T54B số hiệu 843 đều được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2012. Hiện xe tăng 390 được trưng bày tại Bảo tàng Tăng Thiết Giáp (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội), còn xe tăng 843 được trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28B Điện Biên Phủ, Hà Nội).
Địa danh “cửa ngõ” cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa là Xuân Lộc (Đồng Nai). Đây là vị trí chiến lược trọng yếu trên chiến trường Bà Rịa - Long Khánh, cách Sài Gòn 80 km theo hướng Đông, án ngữ Quốc lộ 1 và 20 - những tuyến cơ động chủ yếu vào Sài Gòn. Nơi đây được mệnh danh là "cánh cửa thép, cửa ngõ tiến vào" Sài Gòn năm 1975. Sau khi mất Xuân Lộc, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chính thức rệu rã.
Đại tá Bùi Văn Tùng (quê Hải Châu, TP. Đà Nẵng) là người viết lời đầu hàng cho Tổng thống chính quyền Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh trong ngày 30/4/1975. Lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh được đọc tại Đài Phát thanh Sài Gòn.