Trước khi bắt đầu cuộc chiến và trong giai đoạn đầu, các loại vũ khí chống tăng hạng nhẹ, được phương Tây hỗ trợ khẩn cấp, đã giúp Quân đội Ukraine gây thiệt hại khá lớn cho lực lượng thiết giáp Nga. |
Trong những ngày đầu xung đột mới nổ ra, tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ viện trợ, đã "góp công lớn" cho Quân đội Ukraine trong việc chống đỡ chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” của Nga. Nhưng bây giờ, Quân đội Ukraine cần pháo lớn hơn. |
Các bức ảnh và video về thiết bị xe tăng Nga bị phá hủy đã xuất hiện trên Internet, khiến tên lửa vác vai trở thành “vũ khí ngôi sao” trên các phương tiện truyền thông phương Tây và cung cấp cho Ukraine một phương tiện chiến tranh linh hoạt và hiệu quả. Những chiếc xe tăng này trở thành “mục tiêu sống” cho tên lửa Javelin, NLAW, Stugna và các tên lửa chống tăng khác. |
Đồng thời, theo nhiều cách, hình ảnh này được tạo ra bởi các phương tiện truyền thông phương Tây, vốn thống trị truyền thông thế giới. Theo các chuyên gia, nhiều xe tăng và xe bọc thép khác không chỉ bị trúng tên lửa chống tăng cơ động, mà còn bị phá hủy bởi pháo binh. |
Theo tờ Skynews của Anh, sau khi rút lui khỏi Kiev, khi Quân đội Nga tập trung lực lượng tràn vào Donbass ở phía đông, vũ khí pháo binh của Quân đội Ukraine đã trở thành một trong những vũ khí chiến đấu quan trọng, để chống lại xe tăng và các loại xe bọc thép khác của Nga. |
Nhưng hiện tại Quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật và hiện họ đang áp dụng phương thức tác chiến chung, đó là xe tăng tiến công với sự hỗ trợ của bộ binh, xe bọc thép hạng nhẹ và pháo binh. Khi được sử dụng hợp lý, xe tăng sẽ trở thành nòng cốt của nhóm chiến đấu và đến lượt bộ binh sẽ bảo vệ nó khỏi tên lửa chống tăng. |
Lực lượng xe tăng Ukraine cũng tích cực tham gia các hoạt động phòng thủ và bị tổn thất nặng nề; nhưng rất khó để đánh giá mức độ hao tổn trong điều kiện chiến tranh như hiện tại. Tuy nhiên Quân đội Ukraine cần bổ sung số lượng lớn xe tăng, xe bọc thép và đã nhận hàng trăm chiếc từ nước ngoài. |
Xe bọc thép chở quân M113 đã trở thành taxi chiến trường “chủ lực” của Quân đội Mỹ kể từ cuộc chiến tại Việt Nam vào những năm 1960, và sau đó là cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan; xe bọc thép M113 có vị trí quan trọng trong lịch sử quân sự hiện đại. |
Các dòng xe chiến đấu bộ binh, xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu lội nước do Liên Xô sản xuất, thường giảm trọng lượng bằng cách giảm khả năng bảo vệ bằng vỏ giáp mỏng hơn, nên xe bọc thép Liên Xô/Nga dễ bị phá hủy hơn xe bọc thép của phương Tây. |
Cả Quân đội Ukraine và Nga đều mất một số lượng lớn xe bọc thép hạng nhẹ và cần được bổ sung. Tuy nhiên, kho dự trữ xe bọc thép của Nga lớn hơn rất nhiều so với Ukraine, vì vậy Ukraine cần một số lượng lớn xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh từ phương Tây. |
Vậy những phương tiện bọc thép nào Ukraine đã nhận hoặc sẽ mua: Theo thống kê của Viện nghiên cứu Chiến tranh Mỹ là 240 xe tăng chiến đấu chủ lực T-72M1 của Ba Lan; xe tăng T-72M1 của Cộng hòa Séc (chưa rõ số lượng); 88 chiếc Leopard 1A5 của Đức (đang đàm phán). Tuy nhiên theo thông tin mới nhất, 20 chiếc T-72M1 của Ba Lan viện trợ cho Ukraine, đã bị phá hủy ở mặt trận Kherson. |
Về số lượng xe bọc thép, Mỹ viện trợ 200 chiếc M113, khoảng 100 chiếc M1114 Humvee; Đan Mạch 50 chiếc M113; Ba Lan: Xe chiến đấu bộ binh BMP-1 (chưa rõ số lượng); Séc: 56 xe chiến đấu bộ binh 501A (BMP-1); Australia: 20 xe bọc thép Bushmaster; Anh: 80 chiếc xe bọc thép Mastiff, Hound và Husky, 35 chiếc FV103 Spartan; Đan Mạch: 25 chiếc xe bọc thép bánh lốp Piranha III; Đức: 100 chiếc Marder (đang đàm phán). |
Vậy những xe bọc thép viện trợ của phương Tây đã thay đổi cục diện chiến trường như thế nào? Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, Ukraine chỉ nhận được một loại xe tăng từ nước ngoài là T-72M1 do Liên Xô sản xuất. Xe tăng này đến từ hai quốc gia (Ba Lan và Séc) và thành phần của thiết bị hơi khác nhau; nhưng binh lính Ukraine đã quen thuộc xe loại này. |
Nhược điểm của các xe tăng này là không có thiết bị bảo vệ động lực (DZ); các chuyên gia cho biết, số xe tăng viện trợ cần được nâng cấp ngay thì mới có thể tham chiến. Điều thuận lợi là trước xung đột, Ukraine đã sản xuất các thiết bị như vậy; nhưng việc nâng cấp số xe tăng trên trong một thời gian ngắn, thực sự khó khăn. |
Trong số các loại xe bọc thép hạng nhẹ có hỗ trợ, xe bọc thép chở quân M113 của Mỹ và xe bọc thép Humvee chiếm ưu thế hơn do tính đơn giản trong bảo trì và cung cấp phụ tùng thay thế. |
Ngoài ra, một số quốc gia đã chuyển giao và sẵn sàng cung cấp cho Lực lượng vũ trang Ukraine các loại xe bọc thép theo từng đợt nhỏ. Việc bảo dưỡng và sửa chữa những chiếc xe bọc thép này là một nhiệm vụ khó khăn về mặt hậu cần đối với Quân đội Ukraine hiện nay. |
Nhưng theo chuyên gia quân sự Ukraine Andriy Tarasenko nhận định, "trong điều kiện chiến đấu, việc tiêu hao vũ khí trang bị quá lớn nên bất kỳ phương tiện nào, có khả năng cứu sống binh lính là cần thiết. Nhưng việc sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện bị tạm dừng, vì tỷ lệ bị phả hủy và hỏng hóc của thiết bị là quá lớn”. |
Ngoài ra, Ukraine sẽ cần đào tạo một số lượng lớn lái xe cho các loại xe bọc thép do Liên Xô sản xuất trước đây và nước ngoài. “Ngay cả với xe tăng, nếu không được huấn luyện bài bản, không có thiết bị mô phỏng, bãi tập và vật tư phụ trợ thì khả năng chiến đấu của kíp lái cũng không thể tăng lên 60-70%”, chuyên gia Tarasenko nhận định. |
Ông Tarasenko nói thêm: “Theo một nghiên cứu được thực hiện vào đầu năm 1989, nếu kíp xe tăng 25% thời gian huấn luyện, sẽ tương đương với mức tăng 60% hiệu quả chiến đấu của các phương tiện bọc thép và xe tăng”. |
Ngoài ra, ông Tarasenko cho rằng, hệ thống huấn luyện xe tăng của Mỹ vượt trội hơn so với của Liên Xô, vì Mỹ có nhiều thiết bị mô phỏng hiện đại hơn. Ukraine cũng có các căn cứ huấn luyện xe tăng hiện đại, được thừa hưởng từ thời Liên Xô và được đầu tư trong những năm qua; tuy nhiên, quá trình huấn luyện lính xe tăng sẽ mất ít nhất vài tuần, thì mới có thể tham gia chiến đấu. |