Xôn xao tin đồn máy sấy tóc trị cúm A, bác sĩ cảnh báo

Trước thông tin máy sấy tóc trị cúm A gây xôn xao dư luận, bác sĩ cho rằng, đây là tin không chính xác, thổi phồng quá mức về tác dụng của máy sấy.

Mới đây, một bài viết chia sẻ về các cách dùng máy sấy tóc để trị cúm A, tăng đề kháng, "vượt" ốm không kháng sinh đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng.

Theo bài viết này, dùng máy sấy tóc theo những cách này có thể giúp bé "tăng đề kháng, vượt ốm tự nhiên không kháng sinh nhờ tác động nhiệt giúp tăng tuần hoàn máu, làm loãng đờm, kích thích hệ miễn dịch và hỗ trợ tiêu hóa, hạn chế cảm lạnh".

Bài viết hướng dẫn cách làm như sau để phòng bệnh: "Sau khi tắm hoặc đi ngoài trời lạnh về, phụ huynh đưa máy sấy vào trong áo, sấy dọc sống lưng, hai bên phổi và gan bàn chân". Ngoài ra, người viết còn hướng dẫn một cách khác giúp "hỗ trợ bé vượt ốm không kháng sinh": "Sấy gan bàn chân, ngón chân cái (liên quan đến phổi và họng); Sấy nhẹ vùng mũi từ xa để giúp làm khô dịch mũi; Sấy dọc sống lưng, vùng ngực để hỗ trợ hô hấp; Sấy vùng cổ họng, dọc cột sống và ngực để làm loãng đờm...".

Xon xao tin don may say toc tri cum A, bac si canh bao
Dùng máy sấy tóc trị cúm A không có cơ sở khoa học (Ảnh chia sẻ trên mạng xã hội)

Hiện, nội dung trên đã thu hút hàng chục nghìn lượt lượt chia sẻ, hàng nghìn lượt thích và bình luận. Rất nhiều mẹ bỉm sữa nói sẽ áp dụng theo.

Về vấn đề này, BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (cơ sở 3), cho biết những thông tin trên về tác dụng của máy sấy tóc chỉ là cách làm tự chế, chưa có cơ sở khoa học. Nếu làm ấm cơ thể sau tắm thì có thể dùng máy sấy, tuy nhiên, người dân cần tránh lạm dụng để không bị khô da và bỏng, bác sĩ Vũ nói. Còn tác dụng "chữa bệnh" thì không có cơ sở khoa học.

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Thành viên Hội Mạch máu Việt Nam cho hay, dùng máy sấy sau khi tắm để làm ấm chân tay lúc lạnh là đúng. Tuy nhiên, khi làm người dân cần coi chừng điện giật.

Theo bác sĩ Mạnh, máy sấy không thể có tác dụng "vạn năng" chữa nhiều bệnh mà không dùng tới kháng sinh. Đây là thông tin không chính xác, thổi phồng quá mức về tác dụng của máy sấy. Một số bệnh như viêm phổi, viêm phế quản do vi khuẩn... không liên quan đến lạnh, nếu người dân dùng máy sấy lưng, sấy các huyệt thì sẽ không có tác dụng. 

"Tùy trường hợp bệnh, nếu nhẹ thì bác sĩ sẽ không kê kháng sinh mà chỉ hướng dẫn giữ ấm, uống đủ nước. Ngược lại, với trường hợp bệnh nặng, bên cạnh việc giữ ấm, ăn uống đầy đủ thì bác sĩ vẫn phải kê kháng sinh để bệnh tránh tiến triển nặng hơn. Nếu bệnh không được điều trị kịp thời thì có thể diễn biến tới viêm phổi, suy hô hấp nguy hiểm tới tính mạng", bác sĩ Mạnh thông tin.

Bác sĩ Mạnh khẳng định, việc tăng đề kháng cho trẻ không liên quan gì đến dùng máy sấy tóc làm ấm tay chân, gáy, lưng… đây chỉ là phương tiện sưởi ấm. Tăng đề kháng cho con bằng cách bù đủ nước, dinh dưỡng, tắm nắng, tiêm phòng đầy đủ, tập thể dục thể thao, tăng vận động cho trẻ.

Qua đây, các vị chuyên gia khuyến cáo các phụ huynh khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội cần phải có kiểm chứng, không nên áp dụng khi chưa rõ tác dụng thực sự để tránh bệnh thêm nặng hơn.

Người mẹ gào thét, loay hoay khi con co giật vì sốt cúm A

Trong lúc đang ngủ, bé trai bất ngờ co giật khiến người mẹ không khỏi hoảng loạn không biết nên làm gì, nhận về nhiều lời chê trách của CĐM vì thiếu kiến thức thoát hiểm cho con,

Clip người mẹ gào thét, loay hoay khi con co giật vì sốt cúm A

Một trong những nỗi lo sợ của bất cứ người mẹ nào đó là khi con ốm, sốt cao và có nguy cơ bị co giật. Tình trạng này vô cùng nghiêm trọng, nếu không biết cách xử lý kịp thời sẽ để lại hậu quả đáng tiếc. Đặc biệt, trong thời điểm dịch cúm đang hoành hành khắp nơi với các loại cúm mùa, cúm A, B càng khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Mới đây, trên MXH, một đoạn clip đang được rất nhiều người truyền tay nhau. Người mẹ tâm sự: "Lần đầu tiên chứng kiến con bị sốt, co giật mà bản thân cuống hết cả tay chân, không biết làm gì nữa. Ai bảo cúm A không đáng sợ là chưa bị thôi".

Cụ thể trong đoạn video, khi 2 mẹ con đang nằm ngủ thì bé trai bất ngờ lên cơn co giật. Chứng kiến cảnh tượng này, người mẹ hoảng hốt vô cùng. Đầu tiên, chị cho tay mình vào miệng con để tránh bé cắn vào lưỡi, sau đó xốc người con lên, bế ra ngoài đồng thời thất thanh gọi người nhà. Bé trai được cho rằng đang bị mắc cúm A và lên cơn sốt cao. Tiếng thét của người mẹ cùng gương mặt sợ hãi của chị khiến mọi người vô cùng lo lắng.

Có lẽ hiện tại bé đã được đưa đến bệnh viện điều trị nên người mẹ mới đăng đoạn clip này lên MXH để cảnh báo mọi người. Tuy nhiên, rất nhiều phụ huynh phê phán cách xử lý vụng về của mẹ, đặc biệt là khi con đang sốt và co giật thì bế lên như vậy rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, cũng có một số người bênh vực rằng người mẹ đang hoảng loạn nên luống cuống, lo lắng, không nên chỉ trích. Đây cũng là bài học đắt giá cho người nhà em bé cũng như các bố mẹ khác học cách xử lý khi con gặp phải trường hợp tương tự.

Bệnh cúm và sởi gia tăng cục bộ tại một số địa phương

Thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...

Ngày 8/2, Bộ Y tế có văn bản gửi uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm tăng cường phòng, chống bệnh cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Bộ Y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho hay, bệnh sởi vẫn có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Cùng với đó, tỷ lệ mắc các hội chứng cúm, nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính cũng gia tăng từ cuối năm 2024, nhất là tại các quốc gia trong khu vực Bắc bán cầu.

Trong nước, mặc dù số trường hợp mắc cúm có gia tăng cục bộ từ cuối năm 2024 và trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025, tuy nhiên không có sự gia tăng đột biến so với số mắc được ghi nhận cùng kỳ hàng năm trước đây với các tác nhân chủ yếu là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh sởi hiện có xu hướng giảm so với tháng 12/2024, nhưng vẫn gia tăng cục bộ tại một số địa phương.

Benh cum va soi gia tang cuc bo tai mot so dia phuong
 Bệnh cúm và sởi có sự gia tăng cục bộ tại một số địa phương trong thời gian dịp Tết Nguyên đán năm 2025. (Ảnh SKĐS)

Thời điểm hiện nay, đang trong giai đoạn thời tiết mùa đông xuân với điều kiện khí hậu gió mùa, nồm ẩm, thuận lợi cho các mầm bệnh lây truyền qua đường hô hấp phát triển dẫn đến nguy cơ gia tăng số mắc như cúm mùa, sởi, sốt phát ban...

Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, thời gian này cũng là mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao; Thường xuyên xảy ra việc tập trung đông người tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí và các khu vực công cộng, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm.

Để chủ động công tác phòng, chống bệnh cúm mùa, sởi và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, Bộ Y tế đề nghị Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo Sở Y tế, các đơn vị liên quan quán triệt việc thực hiện, tổ chức triển khai hiệu quả tiêm chủng chống dịch sởi, đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho các nhóm đối tượng để nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Các tỉnh cần đảm bảo kinh phí và huy động sự tham gia của chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành, đoàn thể để triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là việc triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn.

Các đơn vị có liên quan chỉ đạo việc thực hiện rà soát đối tượng tiêm chủng để tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ các mũi vaccine phòng bệnh sởi; Tiếp tục duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ.

Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và chuẩn bị sẵn sàng phương án trong tình huống gia tăng các trường hợp nhập viện, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong, nhất là đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người bệnh tại khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật...

Các địa phương cần chỉ đạo ban quản lý các cụm, khu công nghiệp, các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng và ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục đào tạo phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Các đơn vị có liên quan đảm bảo vệ sinh môi trường, theo dõi sức khỏe của người lao động, trẻ em, học sinh và hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như như đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch, hạn chế tiếp xúc với trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine phòng bệnh.

Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan và người dân cùng chung tay thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, hạn chế tối đa các ca bệnh nặng và tử vong.

Tin mới