Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám. |
Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm chính thức của Bộ NNPTNT về vụ việc hàng loạt tàu 67 hư hỏng?
-Trước hết, Bộ NNPTNT đánh giá rất cao tính chủ động, quyết liệt của tỉnh Bình Định, đã cho ngư dân đối thoại với các cơ sở đóng tàu và thành lập tổ thẩm định “bắt bệnh” rõ 18 con tàu trong trong thời gian sớm nhất.
Ngày 29.6, UBND tỉnh Bình Định đã hoàn thiện báo cáo gửi Bộ NNPTNT, cùng với thông tin nắm bắt của tổ công tác của Bộ để hoàn thiện báo cáo Thủ tướng. Bộ NNPTNT hoàn toàn nhất trí với cách làm, kết luận của UBND tỉnh Bình Định liên quan đến 18 tàu vỏ thép của ngư dân bị hư hỏng. Báo cáo của tỉnh Bình Định là một nội dung chính trong báo cáo của Bộ của Thủ tướng.
Trước mắt, Bộ phải sát cánh với Bình Định để yêu cầu 2 cơ sở đóng tàu nói trên và các bên liên quan, sớm khắc phục sự cố về vỏ tàu, máy chính của tàu và các thiết bị khác. Công ty TNHH MTV Nam Triệu cam kết thay 10 máy thủy mới nguyên chiếc.
Các đơn vị đóng tàu phải khắc phục về khắc phục về tàu vỏ thép, máy phụ, thiết bị khác…mà tổ thẩm định đã chỉ rõ. Hướng của Bộ và tỉnh Bình Định là tập trung để khắc phục những hư hỏng trên để ngư dân sớm có con tàu đạt chất lượng, an toàn ra khơi, khôi phục sản xuất.
Cùng với đó, Bộ cũng như địa phương sẽ xem xét, các lỗi của các bên liên quan, kể cả Tổng cục Thủy sản. Mặt khác, Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản và các địa phương phải rà soát lại tổng thể các cơ sở đóng tàu nằm trong danh sách cơ sở đủ điều kiện tham gia Nghị định 67.
Đặc biệt, sẽ xem xét kỹ lương những cơ sở nào mắc nhiều lỗi, đóng những con tàu kém chất lượng như hai công ty TNHH MTV Nam Triệu và Đại Nguyên Dương, đồng thời loại những cơ sở đóng tàu trên ra khởi danh sách tham gia Nghị định 67 do thiếu trách nhiệm với ngư dân, cung cấp sản phẩm kém (dù trước đó có đủ điều kiện).
Ngoài Bình Định, gần đây nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên….cũng phản ánh có tình trạng tàu vỏ thép bị gỉ sét, trục trặc. Do vậy, Bộ NNPTNT sẽ rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng.
Tàu 67 không khác gì đống sắt vụn. |
Thứ trưởng có thể chia sẻ về những nội dung chính trong báo cáo của Bộ NNPTNT gửi Thủ tướng?
-Về quy trình các bước tiền hành kiểm tra, tỉnh Bình Định đã thực hiện khá bài bản, chặt chẽ. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh một số kết luận và biện pháp khắc phục mà tỉnh Bình Định nêu lên.
Một là, yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương khẩn trương bàn bạc với các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng do đơn vị đóng tàu thực hiện, căn cứ hợp đồng đã ký để xác định rõ những hư hỏng về máy móc, trang thiết bị, vỏ tàu theo kết luận của Tổ thẩm định, đồng thời phải lập biên bản cam kết với các chủ tàu có sự chứng kiến của Sở NN – PTNT; phải khắc phục những hư hỏng trong thời gian sớm nhất.
Hai là, yêu cầu Cty TNHH MTV Nam Triệu thay mới toàn bộ 10 máy thủy chính nguyên chiếc, gồm 5 máy S6R2 – MPTA và 5 máy S6R – MPTA.
Ba là, đối với các tàu bị rỉ sét (với loại thép đã sử dụng đúng chủng loại thép cấp A) phải làm sạch bề mặt và sơn lại một phần hoặc toàn bộ tàu theo đúng quy định bảo dưỡng tàu vỏ thép. Nếu các tàu kiểm tra các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A thì kiểm tra đánh giá lại toàn bộ tàu, thay thế lại các phần tôn vỏ không đạt thép cấp A.
Bốn là, sửa chữa hoặc làm mới hệ thống hầm bảo quản bị hư hỏng do không thoát nước và kiểm tra gỉ sét lớp vỏ bên trong tàu của phần hầm bảo quản theo đúng QCVN 02 – 13: 2009/BNNPTNT – tàu cá – điều kiện đảm bảo ATVSTP thủy sản.
Năm là, yêu cầu Cty TNHH MTV Nam Triệu và Cty TNHH Đại Nguyên Dương cung cấp đầy đủ các tài liệu vận hành, sử dụng: vỏ tàu, máy tàu, trang thiết bị hàng hải, khai thác và các điều khoản bảo hành rõ ràng cho từng chủ tàu. Phối hợp với các Cty thiết kế đã thiết kế số tàu này có trách nhiệm theo dõi thường xuyên các vấn đề thi công để kịp thời điều chỉnh các phát sinh, tính toán phù hợp và hoàn công cho tàu đúng với thực tế đã thi công.
Sáu là, yêu cầu hai Cty này hoàn trả tiền thiết kế mẫu tàu cho ngư dân.
Thưa Thứ trưởng, tổ thẩm định của Bình Định cũng đã chỉ ra những vấn đề mà cơ quan đăng kiểm tàu cá “bỏ lọt” như đồng ý cho lắp máy không đúng hợp đồng, thép bị thay chủng loại… Vậy cơ quan đăng kiểm và các cá nhân sẽ bị xử lý như thế nào?
- Trên cơ sở báo của tỉnh Bình Định, cùng với kiểm điểm của Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Bộ NNPTNT đã giao Tổng cục Thủy sản phải nêu rõ trách nhiệm những cá nhân và các khuyết điểm đó. Trong tháng 7 này, Bộ NNPTNT chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tiến hành kiểm điểm nghiêm khắc đối với Trung tâm đăng kiểm tàu cá, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức để có hướng xử lý đúng với quy định của pháp luật.
Tổ thẩm định cho biết: 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc nhưng theo biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa Công ty với 5 chủ tàu là thép Hàn Quốc. Ảnh: D.T |
Bộ NNPTNT có đề xuất phương án xử lý đối với 2 cơ sở đóng tàu công ty TNHH MTV Nam Triệu, Cty TNHH Đại Nguyên Dương không thưa ông?
-Bộ đồng tình với kết luận của UBND tỉnh Bình Định với 2 cơ sở đóng 18 con tàu vỏ thép bị hư hỏng vừa qua. Bộ sẽ cùng với tỉnh Bình Định giám sát 2 cơ sở trên thực hiện các cam kết khắc phục với những lỗi mà tổ thẩm định đã chỉ ra. Trong đó, cơ quan đăng kiểm sẽ phải giám sát quá trình khắc phục, sữa chữa, xem các máy móc, thiết bị…mà 2 cơ sở trên đưa vào có phù hợp và đảm bảo an theo quy định không.
Chịu trách nhiệm tổng thể về chất lượng con tàu là cơ sở đóng tàu, còn cơ quan đăng kiểm chỉ chịu trách nhiệm qua việc kiểm tra 13 bước, về an toàn kỹ thuật của con tàu.
UBND tỉnh Bình Định đang giao cho Công an tỉnh báo cáo Bộ Công an về tình hình hư hỏng của 18 tàu vỏ thép này và đề nghị lập hồ sơ truy tố trước pháp luật các cơ sở đóng tàu gian dối, đặc biệt là Cty TNHH Đại Nguyên Dương đã không hợp tác với các cơ quan của tỉnh và ngư dân để khắc phục sự cố.
Ông Mai Thanh Vũ -Thuyền trưởng tàu BĐ 99179 (con trai ngư dân Chương) cho hay: “Vỏ tàu đã bị hoen gỉ vàng ố, bong ra từng lớp. Nhiều bộ phận hư hỏng. Tàu được bàn giao từ tháng 8. 2016 nhưng liên tục gặp sự cố”. Ảnh: D.T |
Sau Bình Định, hàng loạt ngư dân ở địa phương như Thanh Hóa, Quảng Nam…cũng phát hiện tàu vỏ thép bị hư hỏng. Ông có lo ngại chính sách 67 sẽ bị thất bại?
Qua vụ việc xảy ra ở tỉnh Bình Định là một bài học đắt giá cho các cơ sở đóng tàu và để lại nhiều kinh nghiệm cho công tác quản lý của Nhà nước. Phải khẳng định rằng, chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép là hoàn toàn đúng đắn. Rất nhiều đơn vị đóng tàu có trách nhiệm, việc ra khơi của ngư dân gặp nhiều thuận lợi, hầu như không gặp mấy khó khăn.
Những sự việc xảy ra ở Bình Định và Thanh Hóa phần lớn tập trung vào 3 đơn vị đóng tàu là Nam Triệu, Đại Nguyên Dương và Đại Dương ở Thái Bình. Số vi phạm này là do đạo đức kinh doanh của những người ở các Cty này xuống cấp.
Bộ NNPTNT đã giao Tổng cục thủy sản phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát lại toàn bộ các cơ sở đóng tàu và quan điểm là sẽ loại ra toàn bộ các Cty đóng tàu gian dối, vô trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng cho ngư dân và xã hội. Chúng tôi cũng sẽ rà soát và hoàn thiện lại các điều kiện, quy chuẩn để đáp ứng tốt hơn việc đóng tàu vỏ thép vì lâu nay chúng ta chưa thực sự có kinh nghiệm này mà chủ yếu dựa trên cách làm, quy trình của tàu vỏ gỗ. Đây cũng là bài học cho công tác quản lý.
Hướng dẫn ngư dân trong việc giám sát đóng mới tàu cá, trong trường hợp ngư dân không đủ khả năng, điều kiện giám sát thì tư vấn cho họ thuê đơn vị có đủ năng lực giám sát và chịu trách nhiệm việc giám sát này. Điểm này khắc phục hậu quả đáng tiếc nhất sau vụ việc ở Bình Định.