|
Người dân Việt Nam không nên quá lo lắng trước đậu mùa khỉ. Ảnh: Reuters. |
Tại buổi họp giao ban sáng 3/10, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thông tin nhờ công tác kiểm soát và giám sát tốt, ngành y tế đã phát hiện một ca bệnh đậu mùa khỉ. Đây cũng là ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam sau khi dịch bùng phát trên thế giới.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chuyên gia nhận định người dân chưa cần quá lo lắng.
Không quá bất ngờ
Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định khi Việt Nam mở cửa, có sự giao lưu, đi lại giữa các quốc gia, việc xuất hiện các ca mắc đậu mùa khỉ trong nước là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
|
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: TL. |
“Ca mắc xuất hiện là điều không quá bất ngờ. Nếu đó là ca bệnh nhập cảnh, đã được phát hiện và cách ly thì nguy cơ lây lan không quá cao. Chúng ta không cần quá lo ngại”, chuyên gia nhận định.
Thời gian qua, một số quốc gia thuộc châu Á cũng đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các ca bệnh này không lây lan và bùng lên thành dịch.
Từ đây, PGS Phu nhấn mạnh điều quan trọng nhất hiện nay các địa phương cần làm ngay là tăng cường công tác giám sát tại các cửa khẩu cũng như trong cộng đồng.
“Việc xác định chính xác ca mắc nhập khẩu hay xuất hiện trong nội địa cũng sẽ giúp chúng ta đánh giá được tình hình, qua đó đưa ra phương pháp ứng phó phù hợp”, ông nói.
Về mặt lý thuyết, người bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, trong miệng hoặc các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn…
Liên quan diễn biến bệnh, đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài cũng trong khoảng thời gian này. Bệnh thường diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
PGS Phu lưu ý: “Dù vậy, người dân cũng không nên quá lo lắng, cực đoan. Chúng ta nên chủ động phòng tránh nguy cơ thông qua việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ”.
Ngoài ra, chuyên gia cũng nhấn mạnh khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như trên, người dân và gia đình cần chủ động tới cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời.
Động thái từ Bộ Y tế
Ngay trong ngày 3/10, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn khẩn gửi đến UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đó, Bộ Y tế nhận định từ tháng 5 đến nay, dịch bệnh đậu mùa khỉ đã gia tăng liên tục cả về lượng ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận.
|
Người dân nên chủ động phòng bệnh trước khi đậu mùa khỉ trở thành dịch. Ảnh minh họa: kelly_sikkema. |
Trong bối cảnh đó, ngày 23/7 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 26/9, thế giới ghi nhận 64.561 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 105 nước trên thế giới. Trong đó, khu vực Tây Thái Bình Dương có một số nước ghi nhận ca bệnh gồm: Australia (132), Singapore (19), Trung Quốc (5), New Zealand (5), Nhật Bản (4), Philippines (4), Hàn Quốc (2), Guam (1), New Caledonia (1).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới và tại một số nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Bộ Y tế khẳng định chúng ta cần chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh, kiểm soát dịch kịp thời, không để bùng phát dịch, dịch chồng dịch. Đặc biệt, cần hạn chế số mắc và tử vong.
Từ đây, Bộ Y tế đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế gồm giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám, chữa bệnh bệnh đậu mùa khỉ.
Các tỉnh, thành phố cũng phải chuẩn bị sẵn sàng công tác phòng, chống dịch tại địa phương như đẩy mạnh giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và dựa vào sự kiện tại cộng đồng. Qua đó, chúng ta có thể phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
Mặt khác, ngành y tế cũng cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến; đảm bảo tiếp nhận, phân luồng, điều trị người bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở xét nghiệm, y tế.
Các địa phương cũng có nhiệm vụ rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản đáp ứng, diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.
Một vấn đề quan trọng khác là cần sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí trong các tình huống.
Khi ghi nhận trường hợp bệnh, các địa phương cần khẩn trương điều tra kỹ tất cả trường hợp tiếp xúc với ca dương tính với virus đậu mùa khỉ, qua đó xác định nguồn lây nhiễm, quản lý, xử lý kịp thời ổ dịch, không để dịch lây lan rộng ra cộng đồng.
Với ca bệnh, các tỉnh, thành phố cần tổ chức cách ly, điều trị, tránh tử vong, lưu ý không để xảy ra lây nhiễm chéo, lây nhiễm đối với nhân viên y tế trong quá trình chăm sóc, điều trị.
Cuối cùng, các địa phương phải đẩy mạnh truyền thông minh bạch bằng nhiều hình thức cho người dân về các biện pháp dự phòng dịch bệnh tại các cửa khẩu, cộng đồng về dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế.