Xúc động khoảnh khắc Nam - Bắc Triều Tiên đoàn tụ sau nhiều thập kỉ
Những người tham gia các cuộc đoàn tụ thường được dành 3 ngày để trò chuyện với người thân. Họ ngắm nhìn nhau trong nước mắt, tặng quà lưu niệm và cùng nhau xem ảnh những người thân không thể tham dự sự kiện hoặc đã qua đời.
Theo Minh Hạnh/Tiền Phong
Xem toàn bộ ảnh
Sau khi cuộc chiến liên Triều 1950 – 1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến thay vì hiệp định hòa bình, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đã ban hành lệnh cấm hàng triệu công dân nước mình bước qua khu vực biên giới. Ảnh: AP
Suốt vài thập kỉ sau đó, nhiều người dân có gia đình bị chia cắt đã không thể liên lạc với thân nhân của mình, bởi cả hai nước đều hạn chế người dân tự do trao đổi thư từ, điện thoại và email. Ảnh: AP
Hầu hết các thành viên trong những gia đình bị chia cắt đều đang ở độ tuổi từ 70 trở lên, và rất mong muốn được đoàn tụ với người thân trước khi “nhắm mắt xuôi tay”. Ảnh: AP.
Theo số liệu thống kê, số lượng người Hàn Quốc đăng ký để được đoàn tụ với những người thân yêu ở Triều Tiên là 132.124 người, tính đến cuối tháng 5, trong đó chỉ có khoảng 57.000 người còn sống. Ảnh: AP
Một cuộc đoàn tụ quy mô nhỏ từng được tổ chức vào năm 1985 – tức hơn 30 năm sau chiến tranh Triều Tiên. Trong ảnh, bà Lee Yong-Sun, 52 tuổi, người Triều Tiên ôm chặt cha ruột - ông Lee Yang-Rok, 75 tuổi trong cuộc đoàn tụ ngày 22/9/1985. Ảnh: AFP.
Nhưng các cuộc đoàn tụ theo hình thức mới chỉ được bắt đầu tổ chức từ năm 2000 – sau khi lãnh đạo hai miền Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử. Ảnh: AP.
Khoảng 23.520 người Hàn Quốc và Triều Tiên đã được gặp mặt nhau kể từ cuộc đoàn tụ năm 2000. Trong đó có 19.770 người được gặp trực tiếp, những người còn lại chỉ được trò chuyện qua video. Ảnh: AP.
Phần lớn trong số 20 cuộc đoàn tụ từ năm 2000 đến nay được tổ chức tại khu nghỉ mát Núi Kim cương tuyệt đẹp ở Triều Tiên. Trong ảnh, ông Ri Sang-Un (giữa), 67 tuổi, òa khóc khi gặp chị em sau 50 năm xa cách trong cuộc đoàn tụ ngày 15/8/2000. Ảnh: AFP.
Cuộc đoàn tụ cuối cùng được hai nước tổ chức vào năm 2015. Những người tham gia các cuộc đoàn tụ thường được dành 3 ngày để trò chuyện với người thân. Họ ngắm nhìn nhau trong nước mắt, tặng quà lưu niệm và cùng nhau xem ảnh những người thân không thể tham dự sự kiện hoặc đã qua đời. Tại cuộc gặp, cũng có những người phụ nữ chưa từng tái hôn được đoàn tụ với chồng cũ – nay đã có gia đình mới. Trong ảnh, ông Suh Ki-Sok 67 tuổi, người gốc Hàn Quốc ở Triều Tiên, ôm người mẹ 85 tuổi sống tại hàn Quốc - bà Kim Boo-San trong ngày đoàn tụ tại Seoul, 15/8/2000. Ảnh: AFP
Sau khi kết thúc vài ngày đoàn tụ, người dân hai miền Triều Tiên lại một lần nữa chia tay trong nước mắt. Trong ảnh, ông Son Kwon Geun (giữa) ôm chào tạm biệt người thân sau vài ngày gặp gỡ tại khu nghỉ mát Núi Kim cương hồi tháng 10/2015. Ảnh: AFP
Không có người Hàn Quốc hay Triều Tiên nào từng được trao cơ hội thứ 2 để gặp lại người thân từ bên kia biên giới. Trong ảnh, người phụ nữ Triều Tiên Choi Bong-Jo khóc trên xe buýt khi rời Seoul sau khi được đoàn tụ với chị gái Choi-Bong-Nam, sống ở Hàn Quốc trong cuộc gặp năm 2000. Ảnh: AFP
Giới truyền thông Triều Tiên hôm nay, 23/6, đưa tin nước này đã kí thỏa thuận với Hàn Quốc để tổ chức đoàn tụ cho các gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh liên Triều 1950 – 1953. Trong ảnh, bà Yu Du Hee (ở Hàn Quốc) nhận được một lạy từ con trai sống ở Triều Tiên Shin Dong-Gil và con dâu tại buổi lễ mừng sinh nhật lần thứ 99 trong khuôn khổ cuộc đoàn tụ tháng 12/2000 ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Ảnh: AFP
Trước đó, ngày 22/6, các quan chức Hội Chữ Thập Đỏ Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí tổ chức cuộc họp mặt cho các gia đình bị chia cắt vào ngày 20 đến 26/8 tại Núi Kim cương thuộc Triều Tiên, nằm trên bờ biển phía Đông. Cuộc đoàn tụ sẽ gồm 100 gia đình Triều Tiên và 100 gia đình Hàn Quốc. Trong ảnh, ông Chung Chang Mo (người Triều Tiên) chào tạm biệt cháu trai sau khi có chuyến thăm và đoàn tụ với người thân kéo dài 4 ngày tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: AFP