Xung quanh chuyện về cá sấu Xiêm khổng lồ ở VN

Xung quanh chuyện về cá sấu Xiêm khổng lồ ở VN
Thực ra, cá sấu Xiêm chẳng phải loài gì xa lạ. Chúng còn được gọi bằng nhiều cái tên khác, là cá sấu Campuchia, cá sấu Thái Lan, hay còn gọi phổ biến và giản đơn là cá sấu nước ngọt. Chúng có ở một số nước vùng Đông Nam Á, trong đó từng xuất hiện nhiều ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Mới đây, các nhà khoa học cả nước được dịp… buồn bã, những người yêu thiên nhiên được phen sững sờ, khi chú cá sấu khổng lồ, thường gọi là cá sấu Xiêm, chết nổi lềnh phềnh trên mặt hồ thủy điện Sông Ba, thuộc xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh, Phú Yên).

Điều đáng căm phẫn, là chú cá sấu vô tội ấy bị những kẻ săn bắt đánh bẫy, dùng dây thép thít cổ. Bọn săn trộm còn “cẩu thả” đến nỗi chẳng thèm đi thăm bẫy, để mặc chú cá quẫy đạp, rứt cả cọc cùng bẫy, chết chìm nghỉm dưới hồ, rồi nổi lềnh bềnh lên mặt nước.
Chú cá sấu Xiêm hoang dã bị giết hại ở Phú Yên. Ảnh Internet
Chú cá sấu Xiêm hoang dã bị giết hại ở Phú Yên. Ảnh Internet

Người dân trong vùng còn khẳng định rằng, trước đó mấy hôm, một nhóm người lạ từ nơi khác đến, đã lần mò dưới hồ, bẫy được 2 con, xẻ thịt tại trận bán do dân, còn da mang đi mất hút.

Chuyện đám thợ săn về tận nơi đặt bẫy, rồi xẻ thịt cá sấu bắt được dưới hồ, thuộc loài động vật hoang dã quý hiếm, mức độ đe dọa bậc E, cực kỳ nguy cấp, cũng chẳng khiến chính quyền bận tâm quá nhiều. Chỉ đến khi con cá sấu khổng lồ, ước tính trăm tuổi, nặng tới 150kg chết nổi trên mặt hồ, báo chí vào cuộc, người ta mới tá hỏa tam tinh.

Vậy là, chú cá sấu Xiêm hoang dã cuối cùng còn được biết đến, được ghi nhận ở Việt Nam đã về với đất. Các nhà khoa học đau đớn ước tính rằng, cả thế giới này, chỉ còn vài chục con cá sấu Xiêm hoang dã mà thôi.

Người buồn bã không kém các nhà khoa học vì cái chết của con cá sấu Xiêm khá lớn, là anh Cao Văn Tuấn, còn gọi là Tuấn “Cá Sấu” ở Hải Phòng.
Anh Cao Văn Tuấn
Anh Cao Văn Tuấn

Anh Tuấn được mệnh danh là “Vua cá sấu đất Bắc” từ nhiều năm nay, bởi anh là người thành công trong việc đưa cá sấu ra vùng nước lạnh nuôi dưỡng, nhân giống trên quy mô lớn.

Anh cũng là người yêu cá sấu đến rồ dại. Đến nỗi, anh lập cả ngôi đền để thờ… cá sấu. Chuyện một anh chàng nông dân, đang nuôi hàng vạn con cá sấu, bỗng dưng lập đền thờ cá sấu, rồi cứ ngày rằm, ngày lễ hoa quả, hương khói khấn vái cá sấu, quả là lạ lùng, không thể hiểu nổi. Có lẽ, chỉ có người điên nhất quả đất này mới nghĩ ra và làm được việc đó.

Đứng trước ngôi đền, anh Tuấn “Cá Sấu” bảo: “Cá sấu trong tự nhiên sắp tuyệt chủng đến nơi rồi Dương à. Anh có thể thu gom cùng lúc vài trăm ngàn con cá sấu, kể cả cá sấu hoa cà, lẫn cá sấu Xiêm, cung cấp cho bạn hàng khắp thế giới, nhưng bao năm nay, anh không thể tìm nổi một chú cá sấu hoang dã nữa”.
Trang trại cá sấu của anh Tuấn có hàng ngàn cá sấu Xiêm
Trang trại cá sấu của anh Tuấn có hàng ngàn cá sấu Xiêm

Lúc anh Tuấn thắp hương, xì xụp khấn vái và nói điều như tâm sự tận đáy lòng ấy, tôi mới hiểu vì sao anh lập đền thờ cá sấu. Cá sấu ngoài tự nhiên tuyệt chủng đến nơi rồi, cũng có thể là tuyệt chủng thực sự rồi, thì chả lập đền mà thờ cá sấu chứ còn gì nữa.

Theo anh Tuấn, chẳng phải cá sấu Xiêm hoang dã mới là loài vô cùng quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao, mà ngay cả cá sấu hoa cà, là loài cá sấu còn tồn tại vô số hiện nay trong các trang trại, cũng là loài sắp tuyệt chủng đến nơi. Bao lâu nay, người ta chỉ tóm được những con cá sấu hoa cà, những con cá sấu Xiêm ở ao hồ, sông suối, khi chúng… sổng chuồng từ các trang trại mà thôi.
Cá sấu nặng 1 tấn ở Philippines. Ảnh Internet
Cá sấu nặng 1 tấn ở Philippines. Ảnh Internet

Thực ra, cá sấu Xiêm chẳng phải loài gì xa lạ. Chúng còn được gọi bằng nhiều cái tên khác, là cá sấu Campuchia, cá sấu Thái Lan, hay còn gọi phổ biến và giản đơn là cá sấu nước ngọt. Chúng có ở một số nước vùng Đông Nam Á, trong đó từng xuất hiện nhiều ở Lào, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam.

Loài cá sấu này chỉ sống ở nước ngọt và cũng không phải loài quá lớn. Chúng có chiều dài cực đại từ 3-4m, nặng quá lắm là 200kg.

Trong con mắt của con người, cá sấu là loài cực kỳ hung dữ, xơi tái cả con người, nhưng theo anh Tuấn, cá sấu Xiêm là loài nhát như thỏ đế, chả dám tấn công người bao giờ cả. Nó chỉ dám ăn cá, tôm, cua, cùng lắm là bò lên bờ tóm con chuột, con thỏ.
Cá sấu Xiêm khổng lồ. Ảnh Internet
Cá sấu Xiêm khổng lồ. Ảnh Internet

Thi thoảng người ta chỉ thấy chúng nhô một xíu đầu lên khỏi mặt nước, sau đám bèo, dòm đôi mắt sáng như sao xa trong đêm để quan sát động tĩnh, con mồi. Hễ thấy bóng con người, là hắn từ từ lặn xuống, nằm im dưới nước, hoặc chuồn mất dạng.

Vì cực kỳ nhát người, nên săn chúng vừa dễ, vừa khó. Nếu chèo thuyền trên mặt nước mà tìm thì khó mà tóm được. Thấy chúng bò trên bờ, vác lao xông đến, chúng ba chân bốn cẳng lao xuống hồ lặn mất tăm.

Đám thợ săn đã nghĩ ra trò thâm độc, có thể tóm sấu Xiêm dễ dàng, đó là dùng bẫy. Họ dùng các loại bẫy thú, mồi nhử là thỏ, hay con chuột, rồi đặt ngay bờ hồ. Sấu ta không thấy bóng người, lại thấy con mồi quanh quẩn bờ ao, thì lén lút bò lên ăn mồi và… dính bẫy.

Cho đến bây giờ, khi đã có được chú cá sấu Xiêm khổng lồ trong ao nhà mình, anh Cao Văn Tuấn mới dám thổ lộ một sự thật. Ấy là, bao năm qua, anh đã đi khắp cả nước những mong tìm được một chú cá sấu Xiêm thuần chủng hoang dã khổng lồ, để rước về… thờ sống. Nhưng dù có bỏ ra cả đống tiền, anh vẫn thất bại.
Đền thờ cá sấu do anh Tuấn xây dựng
Đền thờ cá sấu do anh Tuấn xây dựng

Rốt cục, anh cũng mua được một chú cá sấu Xiêm, nhưng là chú cá mà người ta đã nuôi trong hồ mấy chục năm nay rồi. Ở cả Việt Nam này, khó kiếm được con cá sấu Xiêm nào to hơn thế. Hiện nó nặng đến 350kg, hơn gấp đôi chú cá sấu khổng lồ mắc bẫy chết ở Phú Yên. Anh kính cẩn gọi là “Cá Sấu Chúa”. Anh coi nó là chúa tể của loài cá sấu.

Không chỉ dựng đền thờ cá sấu, nuôi chú cá sấu khổng lồ để bảo tồn nguồn gen quý, anh Tuấn còn nhờ các nhà sử học sưu tầm cả huyền thoại về cá sấu.

Huyền thoại cá sấu được anh tạc vào tảng đá xanh bày trước bàn thờ, rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông biết Nguyên Mông đang chuẩn bị tiến đánh nước ta, nên nhà vua động viên binh sĩ tập luyện. Nhà Trần vốn xuất thân từ dân đánh cá ven biển Nam Hải nên rất giỏi thủy chiến. Quân ta đã xăm mình giả Ngạc Ngư (tên gọi xưa của cá sấu) đánh chìm nhiều tàu chiến địch.
Cá Sấu Chúa khổng lồ trong trang trại của anh Tuấn
Cá Sấu Chúa khổng lồ trong trang trại của anh Tuấn

Sau ba lần đại thắng Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã đi chân đất vào thăm và gả Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân. Vua Chiêm Thành rất đỗi cảm phục đã tặng vua Trần đôi kiến khổng lồ, đôi voi trắng và một đôi cá sấu chúa. Đức vua Trần rất yêu quý và nuôi cặp cá sấu chúa trong vườn Thượng Uyển. Cá sấu chính là biểu tượng cho sức mạnh và sự trường tồn của nước Đại Việt.

Ngay phía sau ngôi đền ấy, là lãnh địa của Cá Sấu Chúa. Bên chiếc hồ nhỏ, sâu hoắm, là một “khu rừng”, với hươu, nai đi lại, gà lợn chạy tung tăng. Tôi đã chầu chực cả ngày để được chiêm ngưỡng hình ảnh con sấu Xiêm khổng lồ, có thể táp cả trâu lôi xuống hồ ấy, hùng dũng bước chân vào “khu rừng” săn mồi, nhưng thất bại. Chú cá sấu khổng lồ lặn sâu dưới đáy nước, thi thoảng mới thò cá mũi lên thở, hoặc nhẹ nhàng trồi 2 mắt lên khỏi mặt nước nhìn ngó lung tung, rồi lại lặn mất tăm.

Với anh Tuấn, cá sấu Xiêm là biểu tượng của sức mạnh vô song và sự phồn thịnh. Nhưng đáng buồn thay, chúng đã bị loài người diệt chủng khỏi thiên nhiên.

Cá sấu Xiêm có dạng như kỳ đà song thân dài, mõm dài như cái kẹp, hàm dưới có nhiều răng dài và nhọn, chân sau có màng. Cá sấu Xiêm màu xám, mặt bụng nhạt hơn so với lưng. Cá sấu Xiêm dài từ 2-3m, thậm chí có con đạt tới chiều dài 4m.

Cá sấu xiêm chủ yếu ăn cá, cua và những thú nhỏ như chuột. Chúng giao phối khoảng tháng 12 đến 3. Chúng đẻ trứng mỗi năm một lần vào đầu mùa mưa, từ tháng 4 đến tháng 10 với số lượng 15 - 20 trứng, có khi tới 40 trứng.

Một tuần trước khi đẻ, cá sấu đào một hố sâu 0,5m, rộng 0,8m. Ổ được lấp bằng các cành khô, lá mục. Chúng bảo vệ trứng rất quyết liệt. Sau khi đẻ 75 - 85 ngày thì trứng nở.

Cá sấu Xiêm thường sống ở hồ, sông, những nơi có nước lặng hoặc nước chảy chậm. Chúng còn thích sống ở đầm lầy xa các dòng nước chảy.

Ở Việt Nam, chúng từng được phát hiện ở sông Ba (Gia Lai), sông Sa Thầy (Kon Tum), sông Easúp, sông Krông Ana, hồ Lắc, hồ Krông Pach thượng (Đắk Lắk), và hệ thống sông Cửu Long.

Từ nhiều năm qua, các nhà khoa học cho rằng loài cá sấu Xiêm đã tuyệt chủng ở Việt Nam. Tuy nhiên, mấy năm trước, một nhóm nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu hiệu tồn tại cá sấu Xiêm ở xã Ea Lâm (Sông Hinh, Phú Yên) và ra sức bảo vệ. Tuy nhiên, vụ bẫy thép giết chết cá sấu Xiêm khổng lồ cùng với việc nhóm thợ săn giết hại 2 cá thể trước đó, có nguy cơ khiến cá sấu Xiêm tuyệt chủng thêm một lần nữa ở môi trường tự nhiên.

Theo VTC
[links()]

Tin mới