Bà Hiền làm thủ thuật cho trẻ em. Ảnh V.T |
Bà Hiền chỉ có chứng chỉ hành nghề, văn bằng chuyên môn y sĩ đa khoa; phạm vi hoạt động chuyên môn là điều dưỡng. Cơ sở khám chữa bệnh của bà Hiền không có biển hiệu, chưa được cấp giấy phép hoạt động nhưng bà Hiền hoạt động như một bác sĩ. Các phụ huynh ở Hưng Yên đang đưa con đi chữa bệnh sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu Trung ương đều khẳng định: bà Hiền tự xưng là bác sĩ và chữa được mọi bệnh cho trẻ em.
Bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội đã thốt lên: “Tôi đã xem rất kĩ clip y sĩ Hiền thực hiện thủ thuật nong bao quy đầu cho một cháu bé, xem cả clip y sĩ Hiền trả lời các nhà báo. Là một bác sĩ đã từng làm ngoại khoa tiết niệu, từng thực hiện nhiều thủ thuật nong và cắt da bao quy đầu, tôi thấy đây là điều không thể chấp nhận được. Thực sự, những hình ảnh rất giống với thiến gà hoạn chó, nhưng đau đớn ở chỗ nó đang được thực hiện cho các cháu bé!”.
Bác sĩ Trần Văn Phúc cho biết y sỹ là “thực hiện y lệnh bác sĩ như lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp, thay băng cắt chỉ, lau rửa vết thương, tiêm truyền, đặt sonde tiểu, đặt sonde dạ dày… Với y sĩ trạm xá, nhiệm vụ của họ là thực hiện công việc vệ sinh phòng dịch, tiêm chủng… Khám chữa bệnh đơn giản như sốt đơn thuần, viêm họng, cảm cúm, tiêu chảy mất nước hay chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi có bệnh lí phải can thiệp chuyên khoa.
Y sĩ Hoàng Thị Hiền cả gan nhận mình là bác sĩ để chữa bệnh cho trẻ em |
Nếu kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng đưa ra: y sĩ Hiền đã thực hiện điều trị “chui” chứng hẹp bao quy đầu cho trẻ thì y sĩ Hiền đã đi quá nhiệm vụ của mình. “Y sĩ Hiền, như trong 2 clip tôi xem, cùng những thông tin tôi tìm hiểu thì chị này đã lợi dụng sự tin tưởng của bệnh nhân theo cách nào đó, để thực hiện khám chữa bệnh giống như một chuyên gia nhưng chị không được đào tạo. Rõ ràng, cho dù chị có phủ nhận thế nào chăng nữa, thì vẫn cứ là bác sĩ giả”, bác sĩ Phúc lên tiếng.
Bác sĩ giả đang ngày một nhiều
Từ sự việc bác sỹ giả cắt bao quy đầu khiến nhiều trẻ em mắc bệnh sùi mào gà chấn động, bác sĩ Trần Văn Phúc nhận định bác sĩ giả đang ngày một nhiều. Cách đây hai tháng, người dân đã phát hiện tại Phòng khám chữa bệnh tự nguyện (còn gọi là phòng khám yêu cầu), Bệnh viện đa khoa huyện Đức Thọ, bà Nguyễn Thị Bảo Ngọc có trình độ chuyên môn là y sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng và răng - hàm - mặt. Tuy nhiên, dưới nhiều đơn thuốc của bệnh nhân, phần ghi bác sĩ khám bệnh lại được ký và đóng dấu tên là Nguyễn Thị Bảo Ngọc. Điều này khiến cho các bệnh nhân đến khám bệnh ở đây lầm tưởng bà Ngọc là bác sĩ, đã phó thác sức khỏe và tính mạng của mình cho vị “bác sĩ” này.
Tại phòng khám đa khoa Thăng Long (khu phố 1- thị trấn Hương Canh- Bình Xuyên- Vĩnh Phúc) cũng xảy ra trường hợp tương tự . Ông Lưu Quang Long chỉ là điều dưỡng nhưng lại sử dụng bằng bác sỹ giả để siêu âm, chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân. Sau khi ông điều dưỡng này bại lộ bác sĩ dởm người dân đến khám tại đây rất bất an và bức xúc trước việc làm lừa dối của phòng khám
Bác sĩ Trần Văn Phúc kể, bản thân bác sĩ từng tiếp xúc và làm việc với 3 bác sĩ giả, đã trực tiếp phát hiện ra 2 đối tượng, có đối tượng thực hành khám chữa bệnh nhiều năm. "Trong 2 đối tượng tôi phát hiện, có một anh học cùng chuyên khoa định hướng với tôi, bị đuổi trước thi tốt nghiệp 3 ngày. Quá trình học, tôi rất nghi ngờ anh này, vì những kiến thức y khoa anh không có, nhưng anh rất chăm học. Một anh khác, đến khoa tôi xin học đào tạo thực hành, anh ăn trộm nhiều thứ và bị tôi điều tra ra. Tiếp theo đó, tôi phát hiện anh nộp bằng giả để xin học, nên tôi đã báo lãnh đạo và đuổi ngay sau đó..." - bác sĩ Phúc dẫn chứng.