Câu chuyện yêu không được, dùng “bùa ác” ám hại tình địch xảy ra ở làng Gia Rít (xã Yang Ly, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa) cách đây hơn 10 năm.
Yểm bùa tình địch
Theo già làng Hà La Băng, vào năm 2006, ở làng Gia Rít xảy ra một vụ yểm bùa tình địch của người dân tộc T’Rin. Theo đó, trong làng có chàng trai tên Hà Y Vũ (SN 1983) thầm thương trộm nhớ nàng Cà La Mơ (SN 1985), người con gái đẹp người đẹp nết.
Già Hà La Băng và bà Cà La Hao kể về thuật yểm bùa tình địch của người T’Rin. |
“Thằng Vũ thương con Mơ lắm, nhưng con Mơ nó thương người khác mất rồi. Thằng con trai được con Mơ thương ở dưới miền xuôi lên, tụi nó gặp nhau một vài lần rồi nảy sinh tình cảm. Thằng Vũ biết được chuyện đó nên buồn lắm.
Dù vậy, hàng ngày nó đều đến nhà con Mơ làm cái này cái nọ để cố lấy lòng người thương nhưng không được”, già Băng kể. Mấy mùa rẫy trôi qua, Vũ tìm mọi cách để chinh phục trái tim của Mơ nhưng đều bị cô từ chối thẳng thừng.
Ngày ngày thấy người mình thương đi với chàng trai lạ, Vũ đem lòng ganh ghét và quyết định tìm cách trả thù chàng trai dưới xuôi.
“Trong ngày cưới của con Mơ, lúc mọi người ăn uống hát hò vui vẻ thì đột nhiên phát hiện đất ở phía bên hông nhà bị sụt lún và chú rể bỗng bị hút xuống chỗ đất bị sạt lở.
Vì lúc ấy có người phát hiện kịp thời nên chú rể may mắn được cứu thoát. Sau đó, chú rể được chuyển đến bệnh viện cấp cứu kịp thời. Một tuần sau đó thì tai qua nạn khỏi”, già Băng kể.
Trở lại sự việc xảy ra hôm đám cưới tại nhà Mơ, già Băng cho biết, ngay sau khi đưa chú rể lên khỏi cái hố bị lún, người nhà phát hiện được một số vật dụng dùng để yểm bùa tình địch của kẻ thứ ba. Ngay lập tức, mọi nghi ngờ đều đổ dồn vào Vũ.
“Khi diễn ra đám cưới, thằng Vũ cũng có mặt. Nhưng khi xảy ra sự việc, người làng không còn thấy thằng Vũ nữa. Người làng phát hiện dưới hố có hai quả trứng gà lộn, một con cá chình bắt từ sông dưới chân núi Yang Ly, hàm răng con dúi được bắt từ rừng.
Cách cái hố bị sụt lún 3m có một cây chày giã gạo. Như vậy là đủ để kết luận thằng Vũ yểm bùa chú rể, vì trong làng ai cũng biết trước đó nó thương thầm nhớ trộm con Mơ nhưng không được đáp lại”, già Băng khẳng định.
Sau khi khẳng định Vũ là người yểm bùa chú rể, già làng liền tổ chức một cuộc họp và yêu cầu đám trai làng đi truy tìm Vũ. Tuy nhiên, sau khi thực hiện thuật yểm bùa tình địch, Vũ liền về nhà thu dọn quần áo rồi bỏ trốn.
“Người làng truy tìm thằng Vũ gần cả tuần nhưng chẳng thấy nó đâu. Thế rồi khi chồng của Mơ khỏi bệnh, họ cũng không muốn trách phạt gì nên mọi chuyện cũng lắng xuống.
Tuy nhiên, người làng cũng phạt vạ gia đình thằng Vũ một con bò, một con lợn, mười ghè rượu cần để tạ lỗi với Yàng (ông Trời) và thiết đãi dân làng. Từ đó đến nay, người làng không còn thấy Vũ xuất hiện nữa. Chắc là nó sợ quá nên bỏ làng đi luôn rồi. Nhưng nếu bây giờ nó về cũng không ai trách tội nó đâu”, già Băng nói.
Chúng tôi tìm đến nhà cha mẹ Vũ và được bà Cà La Hao (SN 1965, mẹ của Vũ) xác nhận sự việc con trai mình yểm bùa tình địch xảy ra vào năm 2006. Bà bảo, cũng vì quá thương Mơ mà con trai bà làm chuyện có lỗi với Yàng, với người làng và gia đình Mơ.
Sau đó, gia đình bà thắt gan buộc bụng đi vay mượn tiền bạc nộp phạt cho người làng, nếu không nộp phạt sẽ bị dân làng hắt hủi.
“Hồi đó thằng Vũ mê mẩn con Mơ nhiều lắm. Nhưng con Mơ không để ý gì đến nó hết. Nhiều lần tôi khuyên nó nên từ bỏ đi nhưng nó không chịu. Mà nói thiệt, nó đâu có thiếu người thương, hầu hết con gái ở làng đều thương nó nhưng nó không chịu cô nào hết.
Thế rồi nó đi yểm bùa chú rể trong ngày cưới của con Mơ”, bà Hao cho biết. Theo lời bà Hao, từ ngày đó đến nay, Vũ không còn sinh sống ở làng nữa mà chuyển đi nơi khác. Đến nay, bà cũng không biết đứa con trai từng gây ra tội lỗi với người làng sống ở nơi nào.
Bà chỉ biết mỗi năm Vũ về thăm nhà vài lần, nhưng giấu kín chứ không cho người làng biết vì sợ bị người làng trừng phạt.
“Lần nào thằng Vũ về cũng vào lúc nửa đêm, rồi nằm ở trong nhà vài ngày, sau đó lại lén lút đi trong đêm. Tôi cũng có nói với nó là già làng và người làng tha tội cho nó rồi nên có thể về làng sinh sống. Thế nhưng nó bảo đã có vợ con và sống rất hạnh phúc nên không muốn về làng nữa.
Với lại, nó vẫn còn sợ người làng lắm, vì đó là tục lệ từ bao đời nay rồi, ai vi phạm thì phải bị trừng phạt thôi”, bà Hao tâm sự.
Bí ẩn thuật yểm bùa
Theo già làng Hà La Băng, thuật yểm bùa này gọi là Ralam (động đất). Người thực hiện thuật yểm bùa này là muốn kẻ thù của mình sụt lún xuống hố rồi chết.
Muốn thành công, người yểm bùa chuẩn bị hai quả trứng gà lộn, một con cá chình, hàm răng của con dúi lớn, một cây chày giã gạo. Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ xong, người yểm bùa bằng mọi cách bí mật di chuyển những vật dụng này đến nhà cô dâu trước khi cưới một ngày.
Đến ngày cưới, người này giả vờ tới đám cưới của cô dâu để chúc mừng, nhưng thực tế là để yểm bùa tình địch. Lúc tới dự đám cưới, người này phải luôn tỏ ra vui vẻ ăn uống và cung chúc cho cặp vợ chồng bên trong được trăm năm hạnh phúc, nhằm tránh khỏi ánh mắt nghi nghờ của mọi người.
Đợi đến lúc những người trong gia đình ăn uống no say, hoặc sơ hở không để ý đến mình, người này mới lén ra ngoài dùng vật nhọn đã chuẩn bị sẵn đào một hố nhỏ vừa đủ chôn hai quả trứng gà lộn, con cá chình và chiếc hàm con dúi đã được yểm bùa trước khi mang đến lễ cưới.
“Riêng chiếc chày giã gạo thì không được chôn, mà phải để cách đó khoảng từ 3 đến 5m. Đó được xem là khoảng cách an toàn vì nếu yểm bùa thành công, đất chỉ sụt lún đến chỗ chiếc chày thì dừng lại”, già Băng kể về thuật yểm bùa tình địch của đồng bào mình.
Việc còn lại duy nhất là người yểm bùa vào nói chuyện và lôi kéo chú rể về nơi đã chuẩn bị sẵn, để chú rể sập bẫy. Điều lạ là người yểm bùa chỉ đào một khoảng đất nhỏ để chôn vừa những vật dụng kia, nhưng khi sập bẫy thì lại lọt thỏm xuống một cái hố lớn.
Về điều này, già Băng giải thích: “Cái hố đó là do người yểm bùa yểm trong những vật dụng kia. Khi chôn xuống đất, những vật dụng này sẽ tạo thành hố lớn và hút người nhanh chóng.
Người nào yểm bùa giỏi thì hố sẽ rất sâu, còn yểm bùa chưa tới thì hố cạn, người bị yểm bùa có thể tai qua nạn khỏi. Cũng vì Vũ chưa giỏi nên chú rể mới thoát chết, chứ giỏi thì chú rể đã chết lúc đó rồi”.
Cũng theo già Băng, những người yểm bùa này đa số đều có dã tâm không tốt. Họ muốn giết chết tình địch của mình ngay tức khắc. Nếu gia đình người bị yểm bùa phát hiện được sớm thì có thể nhờ những người thầy cúng cao tay đứng ra để giải bùa ngải.
“Việc yểm bùa rất khó lường nên có khi thầy cúng cũng bó tay. Tuy nhiên, nếu người bị yểm phát hiện sớm thì có thể thương lượng với người yểm bùa để gỡ bỏ bùa trước đó.
Thế nhưng khả năng này cũng rất khó xảy ra, bởi lẽ người đã có ác tâm muốn dồn người khác vào chỗ chết thì chắc chắn sẽ không chấp nhận”, già Băng chia sẻ.
Theo ông Xa Nga - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Yang Ly, hơn chục năm trở về trước, ở địa phương nhiều lần xảy ra các sự việc liên quan đến yểm bùa tình địch.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây thì dường như không còn nữa. Thuật yểm bùa tình địch thực ra chỉ là một tập tục của người đồng bào. Những người gặp nạn cũng chỉ là do ngẫu nhiên, chứ không phải từ bùa ngải mà ra.